Các điểm bán hàng, phương thức bán hàng bổ sung, lưu động sẽ thay thế cho cơ sở bán hàng bị đóng cửa do dịch Covid-19.
Theo Sở NN-PTNT TP Hà Nội, với dân số khoảng 10,33 triệu người, nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân là vô cùng lớn. Người dân Thủ đô cần 18.594 tấn thịt lợn, 6.198 tấn thịt gia cầm, 123 triệu quả trứng, 103.300 tấn rau củ,... cho tiêu dùng mỗi tháng.
Bố trí ngay điểm bán hàng thay thế
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số chợ đầu mối, chợ truyền thống và hệ thống siêu thị tại Hà Nội có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Trước tình hình đó, sau cuộc trao đổi từ Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP Hà Nội đã yêu cầu doanh nghiệp phân phối có các phương án bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa trong các tình huống. Các nhà phân phối trên địa bàn chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế. Do đó, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm vẫn được bảo đảm.
Một số chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội có ca dương tính virus SARS-CoV-2 đã phải tạm thời đóng cửa (ảnh: Phạm Hải) |
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Hàng hóa được cung ứng an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.
Tương tự, tại các chợ truyền thống, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá không có biến động bất thường. Một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ trong vài ngày vừa qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ. Tuy nhiên, năng lực cung ứng hàng hoá tại các chợ đều tốt, không có tình trạng thiếu hàng.
Tại buổi làm việc của Tổ Công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, tuy Thủ đô đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng đột biến.
Đối với việc đóng cửa các chợ truyền thống, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, một số chợ đầu mối đã xuất hiện các ca F0, bà Lan cho hay phương án của Sở Công Thương là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.
Cơ quan này đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Bộ Công Thương ngày 2/8 cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19.
Nếu một số chợ, siêu thị phải đóng cửa, phải bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động an toàn dịch bệnh thay thế (ảnh: BH) |
Ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động tại hệ thống bán lẻ
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca F0 cộng đồng, trong đó có chợ và siêu thị, Sở Công Thương Hà Nội nhận được chỉ đạo tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19 để xử lý ngay các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (như BRG, Aeon, BigC, MM Megamarket,... ), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện nghiêm theo hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp có phương án tăng lượng hàng dự trữ để bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ đã bị đóng cửa do có ca nhiễm bệnh.
Để hỗ trợ các hệ thống bán lẻ duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất với Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin; đề nghị Hà Nội và các tỉnh thành chỉ đạo ngành y tế của địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu theo danh sách cụ thể Bộ cung cấp.