Cô giáo đưa mạng xã hội vào lớp xóa mù chữ ở Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô giáo Nình Thị Mầu (30 tuổi) cho học viên tiếp xúc với zalo, facebook để đọc chữ nhanh hơn, viết thạo hơn.

Lớp học xóa mù chữ tại thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu.
Lớp học xóa mù chữ tại thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu.

Khuyến khích học viên sử dụng mạng xã hội

Năm 2023, lớp xóa mù chữ do cô Mầu giảng dạy được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được khai giảng đầu tháng 4/2023, học từ 19h đến 21h tối thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Mặc dù chỉ có 13 học viên, đều là người Dao nhưng các học viên đi học rất chăm chỉ. Hiện nay các học viên đã đọc thông viết thạo, thậm chí biết sử dụng điện thoại và mạng xã hội thành thục.

Cô Mầu cho biết, học viên tại đây nhận biết, đánh vần tiếng phổ thông như học 1 môn ngoại ngữ, vì người dân vùng cao không sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, tất cả đều nói tiếng Dao Thanh Phán địa phương.

Vì vậy, những buổi đầu làm quen bảng chữ cái, đánh vần, ghép chữ vô cùng khó khăn.

Số lượng học viên xóa mù chữ ít, nhận thức lại không đồng đều nên cô Mầu chia lớp thành 2 nhóm ở 2 mức độ khác nhau. Những học viên chưa tiếp xúc với chữ bao giờ sẽ được dạy từ chữ cái đầu tiên, phụ âm đầu, vần, dấu thanh.

Học viên đã nhận biết được mặt chữ sẽ được luyện ghép chữ, đọc nhanh và tìm hiểu nghĩa của từ.

Bằng phương pháp dạy học gợi mở, hỏi - đáp, giải quyết vấn đề, cô Mầu luôn kiên trì động viên, hướng dẫn tỉ mỉ học viên nhận diện chữ cái, uốn nắn cách phát âm, sửa ngọng.

Khi ghép vần, cô Mầu đưa ví dụ về các từ ngữ hàng ngày được sử dụng thực tế, về các loại cây đặc sản của quê hương mình và cả những dụng cụ sản xuất lao động cho học viên dễ dàng tư duy bằng hình ảnh, ghi nhớ con chữ.

Để tạo không khí vui vẻ cho lớp học, cô Mầu hướng dẫn học viên cách nhắn tin zalo, đăng bài trên facebook và đặc biệt là quay video trên tiktok trong giờ giải lao.

“Người dân ở đây rất rụt rè, không dám thể hiện trước đông người. Cho học viên tiếp xúc với zalo, facebook để đọc chữ nhanh hơn, viết thạo hơn. Quay video đăng tiktok ngoài giải trí còn giao lưu trực tuyến, để học viên tự tin mạnh dạn giao tiếp trên mạng xã hội”, cô Mầu nói.

Qua 9 tháng học xóa mù chữ, nhiều học viên đã đọc lưu loát, cộng trừ thành thạo trong phạm vi 3 chữ số. Các học viên có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau, buổi tối rủ nhau đến lớp tạo thành “phong trào chị em xóa mù”, lớp học rộn ràng, đầy ắp tiếng cười trên rẻo cao.

“Mỗi tối đi xe máy trên hành trình dài 13 km đường núi dốc uốn lượn quanh co từ nhà ở xã Vô Ngại đến thị trấn, tôi và chồng cũng từng là giáo viên dạy xóa mù chữ quyết tâm đưa con chữ đến bản làng vùng cao thuộc dãy núi Cao Xiêm đầy gió ở độ cao trên 1.300 mét so với mực nước biển”, cô Mầu nói.

Đến nhà vận động để học viên không bỏ học

Do địa bàn trải rộng, dân cư thưa thớt, đa phần học viên là lao động chính trong gia đình, bận đi làm kinh tế nên việc duy trì sĩ số lớp xóa mù chữ thôn Khe Bốc gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm đầu đăng ký có 15 học viên trong đó 14 học viên là nữ, đến cuối khóa còn 13 do nhiều học viên ở xa địa điểm học đến 10km, không có tiền mua xăng đi học bằng xe máy.

Các học viên lên bảng đọc bài.

Các học viên lên bảng đọc bài.

Bản thân là người Sán Chỉ, cô Mầu hiểu được nỗi cơ cực vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số, để biết được con chữ phải vượt qua nhiều khó khăn và quyết tâm đi học, đặc biệt là phụ nữ.

Cô Mầu luôn tạo điều kiện tối đa cho chị em vượt khó đến lớp, thường xuyên cùng trưởng bản đến nhà vận động học viên không bỏ học.

Học viên Chiều Sám Múi (36 tuổi), tối nào cũng địu con nhỏ đi học, đôi bàn tay vất vả mưu sinh cấy hái, nứt nẻ, chai lì vì đi bóc vỏ keo, hàng tối vẫn cặm cụi miệt mài luyện viết từng con chữ.

“Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia lớp học xóa mù chữ. Đi làm cả ngày mệt nhọc, tối đến lại địu con nhỏ đến lớp xóa mù chữ. Có hôm con khóc đòi về ngủ nhưng tôi vẫn cố gắng học hết giờ mới về, sợ về trước lại không nắm bắt được chữ. Bây giờ tôi đã có thể tự đến xã để làm giấy tờ, ký tên mà không cần điểm chỉ, đọc tin nhắn zalo, facebook, và có thể hát karaoke”, chị Múi nói.

Học viên Chíu Thị Mai (41 tuổi) cho biết, trước đây không được đi học vì nhà nghèo, bố mẹ quan niệm con gái không cần học, chỉ cần trưởng thành lấy chồng là xong.

Bây giờ đi làm không biết chữ nên làm giấy tờ gì cũng phải nhờ người khác giúp. Lúc đầu được cán bộ xã vận động đi học xóa mù chữ, cũng băn khoăn vì rụt rè, sợ không theo kịp. Đến nay đọc được chữ thấy rất mừng, mỗi tối đều xung phong lên bảng đọc bài lưu loát.

Ông Vi Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, cô Nình Thị Mầu là giáo viên tâm huyết, thường xuyên đổi mới phương pháp trong công tác giảng dạy xóa mù chữ.

Hiện, thị trấn Bình Liêu còn hơn 100 người mù chữ mức độ 2. Để duy trì sĩ số lớp xóa mù chữ, ngoài nâng cao chất lượng giảng dạy, khuyến khích giáo viên thường xuyên tạo không khí vui vẻ cho học viên bằng cách phát huy ứng dụng mạng xã hội, thi hát karaoke, trò chơi…trong các buổi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.