Thắp sáng vùng cao từ những lớp học xóa mù chữ

GD&TĐ - Cứ vào các tối thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, tại bản Pèo, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn có một lớp học xóa mù chữ đặc biệt luôn được duy trì đều đặn.

Thắp sáng vùng cao từ những lớp học xóa mù chữ.
Thắp sáng vùng cao từ những lớp học xóa mù chữ.

Chung ước mơ biết đọc biết viết

Ở lớp học này, các học viên đều là người dân tộc thiểu số ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bắt đầu làm quen với từng con chữ, phép tính không phải điều dễ dàng, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng từng ngày, bởi tất cả đều có chung một ước mơ biết đọc, biết viết.

Cứ tối đến, khi cả bản chìm trong màn sương đêm dày đặc, cũng là lúc các học viên lớp xoá mù chữ sắp xếp xong xuôi việc nương rẫy, bếp núc để cùng nhau đến lớp học chữ tại nhà văn hóa bản Pèo. Nhiều tháng nay, nhà văn hóa của xóm luôn sáng đèn, vang lên tiếng ê, a, tập đánh vần, phát âm chữ cái của bà con. Người lớn nhất cũng đã gần 50 tuổi, trẻ nhất là 24 tuổi, nhưng họ không ngần ngại để đến với lớp xóa mù chữ. Một số bà con dù ở xa nhưng chưa lần nào vắng mặt hay đến muộn.

Dù lớn tuổi nhưng nhiều học viên rất tích cực, ngày ngày vất vả với đồng áng nhưng tối về các học viên vẫn hăng hái đến lớp học với khát khao được biết chữ. Các học viên chia sẻ, ngày trước, nhà nghèo quá nên không được đi học, không biết chữ, mọi giao tiếp của bị hạn chế, muốn quan tâm đến việc học hành của con cái cũng là điều không thể. Vì thế, khi được chính quyền địa phương quan tâm, mở lớp và động viên khuyến khích đi học, nhiều người đã lên ông, lên bà lại cùng nhau cắp sách tới trường với quyết tâm đi học để thoát khỏi cảnh mù chữ.

Các thầy cô giáo luôn tận tình hướng dẫn các học viên lớp xoá mù chữ.

Các thầy cô giáo luôn tận tình hướng dẫn các học viên lớp xoá mù chữ.

Thầy cô luân phiên đứng lớp

Lớp xóa mù tại bản Pèo có tổng số 17 học viên, 100% học viên lớp học là bà con người dân tộc Mông, sử dụng ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ lại càng gian nan hơn với các giáo viên tham gia đứng lớp. Lớp xóa mù chữ đã kéo dài hơn 4 tháng, được tổ chức vào các buổi tối trong tuần, bắt đầu từ 19 - 22 giờ.

Các thầy cô giáo tại trường Tiểu học Bình Trung, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn thay nhau luân phiên thay nhau đứng lớp. Để lớp học đạt hiệu quả cao, các cô giáo đã nghiên cứu tài liệu phù hợp với học viên và tìm ra phương pháp truyền đạt đơn giản nhất, giải nghĩa từng từ và đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Theo đó, chương trình giảng dạy tại các lớp xóa mù tương đương kiến thức của học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 gồm các bộ môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học xã hội, được xây dựng sát với thực tế đời sống của bà con.

Thầy giáo Hoàng Văn Hoan, chủ nhiệm lớp xoá mù chữ tại bản Péo, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn biết: “Với đặc thù là bà con có rất nhiều trình độ khác nhau, thế nên khi giảng dạy, chúng tôi vẫn bám sát theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên phải có biên soạn riêng, chia nhóm theo trình độ để hướng dẫn bà con. Đôi khi phải kết hợp sử dụng tiếng dân tộc các học viên mới hiểu được, nhất là ở môn toán, khoa học xã hội, phải dùng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Bên cạnh đó, việc thường xuyên quan tâm, gần gũi với các học viên cũng là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả lớp học.

Thầy giáo Đặng Quân Khu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Trung, huyện Chợ Đồn khẳng định: Để lớp học đạt hiệu quả cao, nhà trường đã sắp xếp giáo viên, tổ chức giờ dạy linh động nhẹ nhàng, không đặt nặng về kiến thức chuyên môn. Giảng dạy các nội dung đi vào thực tế cuộc sống của học viên: như hướng dẫn sử dụng điện thoại, hướng dẫn xem phim, tin tức, hướng dẫn sử dụng đúng cách và hiệu quả mạng xã hội.

Bên cạnh đó, ​nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh qua đó truyền cảm hứng để nhân dân có ý thức khắc phục khó khăn để nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống và niềm tin vào giáo dục. Nhân dân tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cũng theo đánh giá của thầy Khu, các lớp học mặc dù được tổ chức tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đa phần các học viên đều chịu khó, chăm chỉ học tập, có ý thức vươn lên, hoàn thành tốt các nội dung học tập, 100% học viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ