Vượt khó nâng cao chất lượng xóa mù chữ ở Kon Tum

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Kon Tum gặp không ít khó khăn khi triển khai các lớp xóa mù chữ, toàn ngành đang từng bước tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành Giáo dục Kon Tum gỡ khó để nâng cao chất lượng xóa mù chữ.
Ngành Giáo dục Kon Tum gỡ khó để nâng cao chất lượng xóa mù chữ.

Mở 73 lớp xóa mù chữ

Ông Trương Quang Hà, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, toàn tỉnh có 98,5% số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 đạt 95,89%.

Những năm gần đây, Ngành GD&ĐT đã mở 73 lớp xóa mù chữ (XMC). Cụ thể, năm 2022 mở được 5 lớp với 162 học viên (đã hoàn thành); năm 2023 mở được 68 lớp với 1.729 học viên. Trong đó huyện Sa Thầy 17 lớp với 480 học viên; huyện Đăk Glei có 4 lớp với 96 học viên; huyện Tu Mơ Rông có 2 lớp với 60 học viên; huyện Đăk Hà có 33 lớp với 754 học viên; huyện Kon Plông có 5 lớp với 129 học viên; huyện Kon Rẫy có 4 lớp với 110 học viên; huyện Ngọc Hồi có 3 lớp với 100 học viên.

Theo ông Hà, khi triển khai công tác XMC địa phương gặp nhiều thuận lợi khi cơ sở vật chất của các đơn vị đảm bảo để mở lớp. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình XMC đầy đủ và có kinh phí hỗ trợ cho người dạy, người học cùng nguồn kinh phí để mua sách, vở cho học viên học tập.

“Những tình nguyện viên tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ được hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại theo quy định. Trường học được hỗ trợ về cơ sở vật chất và giáo viên trực tiếp đứng lớp được quan tâm về tinh thần. Còn học viên được hỗ trợ về đồ dùng học tập, kinh phí động viên và khích lệ như: Hỗ trợ sách, vở, bút học tập. Sau khi hoàn thành khóa học mỗi học viên được hỗ trợ 500.000 đồng/1 chương trình học”, ông Hà nói.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 58/2022 của HĐND tỉnh Kon Tum quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" về hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cụ thể, chi cho các hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Bên cạnh đó chi cho các lớp học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ban đêm. Theo đó, hỗ trợ thắp sáng ban đêm là 150.000 đồng/lớp/tháng; mua sổ sách theo dõi quá trình học tập 50.000 đồng/lớp/kì học; mua sách giáo khoa dùng chung theo hóa đơn thực tế, không quá 1 bộ sách giáo khoa/người/năm học. Ngoài ra, chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ 80.000 đồng/học viên/chương trình học.

Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, năm học 2022-2023 địa phương mở được 4 lớp XMC ở xã Ngọc Tem, Đăk Ring, Măng Bút và Hiếu. Sau một thời gian học tập, 80% trong tổng số 128 học viên đã biết đánh vần, biết viết và tính toán, còn 20% học viên đánh vần, viết và tính toán chậm. Năm học 2023-2024, tổ chức 5 lớp XMC tại thị trấn Măng Đen, xã Đăk Nên, Pờ Ê, Măng Cành và Đăk Tăng từ ngày 5/9.

Theo ông Cường, công tác dạy XMC tại địa phương thuận lợi khi các chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ được triển khai đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường được đầu tư nâng cấp và đời sống người dân từng bước đi vào ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn về công tác vận động học viên ra lớp, huy động giáo viên giảng dạy và tiền thanh toán cho giáo viên đứng lớp.

Tháo gỡ khó khăn

Để đảm bảo cho công tác XMC Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông chỉ đạo các trường học, giáo viên phụ trách thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động học viên ra lớp. Bên cạnh đó, huy động, vận động giáo viên giảng dạy, trước mắt sử dụng giáo viên tại chỗ.

Lớp xóa mù chữ tại huyện Kon Plông.

Lớp xóa mù chữ tại huyện Kon Plông.

Theo ông Trương Quang Hà, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng công tác XMC ở Kon Tum vẫn còn một số khó khăn như: Vận động người dân đi học vào những ngày vụ mùa, số người mù chữ rải rác ở các thôn làng và đều là những người đã lớn tuổi.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phối hợp với UBND các huyện, thành phố vận động người dân tham gia phổ cập giáo dục. Đồng thời có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, tham mưu các cấp ban hành chính sách bền vững đối với công tác xây dựng xã hội học tập.

Trong đó điều chỉnh theo hướng ưu tiên nguồn lực hỗ trợ có mục tiêu đối với người dân học xóa mù và sau biết chữ nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí vùng DTTS.

Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông kiến nghị UBND huyện trích nguồn kinh phí bổ sung cho các đơn vị nhà trường có lớp xóa mù để thực hiện chi cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.