Thanh tra tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc
Phát biểu tại hội nghị, bà Đặng Thị Thu Huyền, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm học vừa qua cả nước đã tiến hành 868 các cuộc thanh tra, trong đó thanh tra đột xuất là 75 cuộc.
Qua đó, cán bộ thanh tra giáo dục đã phát hiện những sai phạm trong công tác thực hiện việc liên kết đào tạo trình độ đại học, sai phạm trong việc xác nhận kết quả học của học sinh, qua đó giải quyết đơn tố cáo sai sót, kịp thời chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Điển hình như tại tỉnh Thanh Hóa, qua công tác thanh tra đã xử phát 40 triệu đồng, không công nhận kết quả thi ứng dụng công nghệ thông tin của 133 học viên và trả lại toàn bộ kinh phí cho người học tại huyện Ngọc Lặc, ngoài ra buộc tổ chức thi lại cho 341 cán bộ, công chức, viên chức huyện Bá Thước.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị |
Tại tỉnh Quảng Nam, qua thanh tra phát hiện sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản như: chi sai, thu sai số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, trả lại tiền thu sai cho cha mẹ học sinh.
Đối với tỉnh Sơn La, cán bộ thanh tra Sở GD&ĐT đã phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý các sai phạm về việc thu sai, chi sai số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, đề xuất kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 12 tập thể và 12 cá nhân, yêu cầu hiệu trưởng tự nhận hình thức kỷ luật, tổ chức kiểm điểm trước hội đồng giáo dục nhà trường…
Tại Hội nghị, Thanh tra các Sở GD&ĐT cũng đã chia sẻ về hiện trạng công tác thanh tra.
Theo đại diện Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các phòng GDĐT đã giúp cho Sở có cái nhìn tổng quát về bức tranh giáo dục của các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt xác định được những mặt còn tồn tại, hạn chế về giáo dục của các địa phương và đây là kênh thông tin quan trọng giúp cho lãnh đạo Sở có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có giải pháp tháo gỡ.
Theo Thanh Tra Sở GD&ĐT TP HCM, hiện ở thành phố vẫn còn tình trạng gửi đơn thư vượt cấp nên Thanh tra Sở cùng một nội dung phải báo cáo với nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Do đó, việc phối hợp của các cơ quan có liên quan trong giải quyết đơn thư đôi lúc còn chậm tiến độ, ảnh hưởng tiến độ chung của Thanh tra Sở. Tuy vậy, lãnh đạo thanh tra Sở thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đặc biệt là các đơn thư có tính chất phức tạp.
Tiếp tục nâng cao nhận thức tầm quan trọng của thanh tra
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao hoạt động ngành thanh tra giáo dục trong năm học vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, kết quả đạt được của công tác thanh tra giáo dục trong năm vừa qua đã góp phần rất quan trọng vào thành công trong việc chấn chỉnh những sai phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động giáo dục, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra đột xuất đã thực hiện đúng quy trình theo quy định, đã phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục, do đó kết quả thanh tra đã tác động vào cả hệ thống.
Thứ trưởng yêu cầu, các Sở GD&ĐT trên cả nước tiếp tục nâng cao nhận thức vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thanh tra. Xây dựng kế hoạch thanh tra, tham gia đoàn thanh tra hành chính do Thanh tra tỉnh chủ trì tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp.
Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng cho cán bộ thanh tra huyện, phối hợp tổ chức thanh tra hành chính đối với các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý của UBND huyện.
Đối với Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng đề nghị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, phân tích rõ vai trò trách nhiệm của Thanh tra.
Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức quán triệt văn bản pháp luật về thanh tra, pháp luật về giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng; thực hiện triệt để việc công khai, minh bạch các kết luận, kiến nghị theo quy định, tạo sự tôn nghiêm của pháp luật.
Đồng thời, cán bộ thanh tra cần chủ động tham mưu những nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực trong ngành để lãnh đạo cấp Bộ kịp thời xử lý, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm để thanh tra.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, công tác thanh tra giáo dục trong năm qua đã có bước trưởng thành, sau khi Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng có Chỉ thị về công tác thanh tra, điều đó cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng góp phần tăng cường nền nếp kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.