Hơi thở cuộc sống trong các bài giảng
Theo GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách, văn bản pháp quy, các đạo luật, nghị định, thông tư... mới ban hành thường xuyên được cập nhật trong các nội dung bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra giáo dục. Đặc biệt, tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT được đưa rất đậm nét để giúp cán bộ vận dụng vào thực tế công tác.
Bên cạnh đó, có một nội dung rất mới, rất thời sự cũng được đưa vào chương trình bồi dưỡng, đó là tình hình thay đổi trong môi trường chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và giáo dục. GS Phạm Quang Trung đưa ra ví dụ về môi trường dân chủ hóa hiện nay. Ngày nay, với sự đột phá của công nghệ, có thể một vụ việc vừa mới xảy ra tại đơn vị nào đó, một địa phương nào đó, thì ngay lập tức có thể được đưa lên mạng xã hội toàn cầu. Nếu không hiểu biết và không có cách ứng xử phù hợp thì những vụ việc có thể lan rộng, bị hiểu méo mó và gây ra những tác động tiêu cực không đáng có.
Một điểm nữa về đổi mới trong chương trình bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra tại Học viện Quản lý giáo dục là đưa thêm những yếu tố, những vấn đề mới nảy sinh do yêu cầu đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thích ứng với thời đại IOT (Internet of things), với mục đích giúp cán bộ làm công tác thanh tra hiểu được những yếu tố mới, các xu hướng mới tác động đến hệ thống giáo dục, đến các thầy cô giáo, đến phụ huynh, học sinh, sinh viên,… như thế nào. Từ đó, có cách nhìn toàn diện, có kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp để làm tốt công tác thanh tra và công tác pháp chế, góp phần thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của nền giáo dục nước nhà.
GS. TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục |
Thanh tra để giúp các đơn vị, cá nhân biết được “sức khỏe” của đơn vị mình
Một trong những vấn đề luôn được các chuyên gia của Thanh tra Bộ GD&ĐT và giảng viên Học viện Quản lý giáo dục rất quan tâm, chú trọng là nhận thức, sự am hiểu về đặc điểm, vị trí, tính chất và hiệu quả thiết thực của công tác thanh tra.
Trong thực tế, một số người hiểu lầm rằng: Thanh tra chỉ là để kiểm tra, sát hạch, rà soát... và làm không khí trở nên căng thẳng. Thực ra, không phải như vậy! GS Phạm Quang Trung nhắc lại câu nói: “Thanh tra là bạn của cấp dưới, của đồng nghiệp, đồng thời là tai mắt của cấp trên, giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong công tác lãnh đạo, quản lý”.
Vì vậy, khi làm công tác thanh tra ở cơ sở cũng như các địa phương phải hiểu rằng làm thanh tra trước hết là để giúp cho cơ sở, giúp cho các đơn vị, giúp cho các địa phương nắm thật rõ các vấn đề, nắm được tình hình “sức khỏe” của đơn vị, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý sớm, ngăn ngừa những thiếu sót, những triệu chứng tiêu cực mà nếu để lâu sẽ có thể tác hại khó lường. Cho nên, thanh tra luôn mang tính chất xây dựng, tính phòng ngừa chủ động, rất cần thiết cho mọi tổ chức, mọi đơn vị.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức, phẩm chất cần có của cán bộ làm công tác thanh tra tại địa phương. Đó là phải có tầm nhìn, am hiểu về chuyên môn, nhất là trình độ về luật pháp, hiểu đúng bản chất vấn đề mà mình đang xử lý.
“Có những tình huống đi thanh tra gặp những đối tượng rất khó làm việc, thái độ bất hợp tác, thậm chí có thể xảy ra xung đột hoặc tranh cãi ngay lập tức. Trong những trường hợp đó, cán bộ thanh tra phải rất khéo léo, vừa mềm mỏng, vừa vững vàng, kiên quyết, kiên trì thì mới đi đến được một kết luận chuẩn xác, khiến cho mọi người tâm phục khẩu phục.” – GS Phạm Quang Trung chia sẻ.