Xây dựng đội ngũ cộng tác viên thanh tra: Góc nhìn người trong cuộc

GD&TĐ - Nhiều Sở GD&ĐT hiện nay hỏi đến đội ngũ thanh tra viên giáo dục thì sẽ nhận được con số đếm trên đầu ngón tay! Lực lượng thì mỏng, công việc thì nhiều, vậy nên các Sở đều chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên thanh tra. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp một số khó khăn. Một số “người trong cuộc” đã có chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Các cộng tác viên thanh tra giáo dục được cấp thẻ (Ảnh: Lê Cường)
Các cộng tác viên thanh tra giáo dục được cấp thẻ (Ảnh: Lê Cường)

Ông Trương Xuân Mâu - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Quảng Bình: Mong có kinh phí chi cho cộng tác viên thanh tra

Sở GD&ĐT Quảng Bình có 4 thanh tra viên và khoảng 183 cộng tác viên thanh tra. Việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên thanh tra về mặt nhân sự không có khó khăn, nhưng khi Sở có nhu cầu cần trưng tập thì phải liên hệ với cơ quan quản lý của cộng tác viên thanh tra. Thường các cộng tác viên thanh tra ưu tiên giải quyết công việc chuyên môn của mình trước, có khi liên hệ họ bận lại phải thay đổi cộng tác viên thanh tra ở đơn vị khác.

Ở Sở GD&ĐT Quảng Bình còn có khó khăn là cộng tác viên thanh tra khi làm nhiệm vụ thanh tra chưa được cấp kinh phí tính theo quy định. Thế nên, các cộng tác viên thanh tra tham gia các đoàn với tinh thần trách nhiệm là chính. Còn chế độ bồi dưỡng thì chưa được thanh toán.

Để công tác thanh tra giáo dục được tốt hơn, chúng tôi mong muốn có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo các cấp. Cùng đó cần tạo điều kiện về mặt thể chế, cụ thể là đối với cơ quan thanh tra cấp Sở, phải tăng thêm biên chế. Hiện thanh tra ở Sở Quảng Bình chỉ có 4 người, trong điều kiện biên chế hiện nay đòi hỏi thêm thì không có, nhưng về lâu dài, với khối lượng công việc như vậy mà chỉ có 4 biên chế - dù sử dụng cộng tác viên thanh tra – nhưng cũng khó đảm bảo so với yêu cầu, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cần đáp ứng về kinh phí chi cho cộng tác viên thanh tra để anh em có trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ của mình. Hiện chỉ có quy định của Bộ GD&ĐT, không có liên bộ tài chính cho nên địa phương không cấp khoản kinh phí này dù hàng năm Sở đều có dự toán. Đặc biệt, ở cấp vĩ mô, mong Bộ GD&ĐT quan tâm để đào tạo bồi dưỡng cho thanh tra viên cũng như lực lượng cộng tác viên thanh tra tinh thông về nghiệp vụ để tiến hành thanh tra kiểm tra tốt theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Ông Phan Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Ninh Bình: Rất cần bồi dưỡng kiến thức về thanh tra nói chung cho lớp trẻ

Sở GD&ĐT Ninh Bình hiện có 5 thanh tra viên và mạng lưới cộng tác viên thanh tra. Nhìn chung, ngoài thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, tôi thấy các thanh tra sở/ngành còn ít được đào tạo chuyên ngành về thanh tra, chủ yếu là từ chuyên môn chuyển sang. Các thầy cô được đào tạo chuyên môn Văn, Toán, Lý, Hóa… giờ đi thanh tra khiếu nại, tố cáo, thanh tra hành chính, tài chính nói chung là khó vì không chuyên về các văn bản pháp luật.

Việc bồi dưỡng ở Học viện Quản lý Giáo dục thường tập trung nội dung kiểm tra nội bộ là chính, không phải là thanh tra chung. Trong khi đi thanh tra, những người đi thanh tra ngoài chuyên môn ra còn phải nắm chắc các văn bản pháp luật khác có liên quan, ví dụ như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, phòng chống tham nhũng, quy trình xử lý đơn thư…

Trong thời gian tới, trước mắt, hàng năm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chúng tôi tiến hành rà soát đánh giá lại đội ngũ cộng tác viên thanh tra. Rất tiếc là một số cộng tác viên thanh tra có kinh nghiệm quản lý, được trưng tập nhiều đi thanh tra nhưng các anh đến tuổi nghỉ hưu. Các cộng tác viên thanh tra mới được bổ sung thì năng động, có sức bật nhưng kinh nghiệm còn ít.

Hiện đi thanh tra theo Nghị định 42 là thanh tra về công tác quản lý, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của từng đơn vị và tổ chức, vì vậy chính những cộng tác viên thanh tra làm lãnh đạo, quản lý lâu năm sẽ nắm được các ngóc ngách của vấn đề. Cái cần nhất hiện nay là bồi dưỡng kiến thức về thanh tra nói chung cho lớp trẻ, đặc biệt là kiến thức về thanh tra chuyên ngành và kinh nghiệm của người làm công tác thanh tra.

Bà Bùi Thị Thu – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nam Định Quan trọng nhất là phải hiểu cập nhật, nắm vững văn bản

Hiện Sở GD&ĐT Nam Định có 7 thanh tra viên và hơn 200 cộng tác viên thanh tra. Hàng năm, Sở rà soát bổ sung và thay thế, nâng cao chất lượng công tác thanh tra.

Hiện công tác thanh tra đã đổi mới, chuyển nội dung từ thanh tra hoạt động chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý, theo đó, đội ngũ cộng tác viên thanh tra của Sở GD&ĐT Nam Định chủ yếu là các cán bộ quản lý, không những giỏi chuyên môn mà còn hiểu sâu về công tác quản lý, còn nếu đồng chí nào là giáo viên thì ít nhất phải là tổ trưởng chuyên môn.

Theo tôi, điều quan trọng với các cộng tác viên thanh tra là phải hiểu được vai trò, nhiệm vụ của công tác thanh tra trong giai đoạn mới, phải cập nhật, hiểu được văn bản để chuyển tải được nội dung, xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp của ngành, từ đó thực hiện. Nếu không hiểu văn bản, không nắm được văn bản, khi đi thanh tra dứt khoát không thể làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.