Công tác dân số: “Cái khó ló cái khôn“

GD&TĐ - Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) về những nỗ lực của ngành Dân số để đạt những thành quả đáng ghi nhận hôm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với những thách thức lớn mới phát sinh sau khi đã đạt được mục tiêu giảm sinh trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông đánh giá như thế nào về các thách thức đó? 

Sau nửa thế kỷ thực hiện công tác DS-KHHGĐ, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm sinh và đạt mức sinh thay thế vào năm 2006. Từ đó đến nay, mức sinh của dân số Việt Nam luôn được duy trì ở mức sinh thay thế. 

Năm 2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua Việt Nam đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Điều đó đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng các cơ hội đầu tư cho giáo dục đào tạo, cải thiện chất lượng các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân. 

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu "dân số vàng”. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. 

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới: Đó là mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh thành: nhiều tỉnh, thành phố có mức sinh xuống khá thấp trong khi nhiều tỉnh có mức sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế. 

Cơ cấu dân số có sự chuyển đổi mạnh: Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng cũng đồng thời ở giai đoạn già hóa dân số với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, khó kiểm soát. 

Di cư ngày càng lớn với nhiều vấn đề đặt ra trong việc đảm bảo quyền tự do cư trú và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội căn bản, trong đó có cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; 

Chất lượng dân số của chúng ta còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Có thể nói những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới của công tác DS-KHHGĐ hiện nay là rất lớn, rất phức tạp và nếu không được can thiệp quyết liệt, triệt để, kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cho tương lai của dân tộc Việt.

- Hiện nay, ngành dân số đã có những giải pháp nào đối với những thách thức đó, thưa ông? 

Như trên tôi đã nói, những vấn đề này là những vấn đề rất lớn, rất phức tạp, không chỉ đối với ngành dân số nói riêng mà còn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta nói chung. 

Bởi dân số là mẫu số chung của tất cả các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng và cũng là cái đích hướng tới của sự phát triển. Bởi đó là con người! Do vậy, để giải quyết được những vấn đề này cần những nhóm giải pháp đa ngành, đa lĩnh vực, thống nhất trong một tổng thể.

Đối với ngành dân số, chúng ta đã sớm có nhiều can thiệp cho từng thách thức. Chúng ta đã triển khai rộng khắp trên toàn quốc các hoạt động tuyên truyền, vận động về các vấn đề này. 

Bên cạnh đó, chúng ta đã triển khai các mô hình, dự án, đề án can thiệp đối với từng nhóm đối tượng khác nhau, thách thức khác nhau như về mức sinh cao, chúng ta triển khai Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng hải đảo và ven biển; 

Về vấn đề già hóa dân số, chúng ta triển khai mô hình phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng; về vấn đề di cư, chúng ta triển khai mô hình cung cấp thông tin, dịch vụ cho người di cư tại các khu công nghiệp; 

Về vấn đề vị thành niên/thanh niên, chúng ta triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; về vấn đề nâng cao chất lượng dân số, chúng ta triển khai đề án sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh, đề an can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đề án sàng lọc bệnh thalassemia…. 

Tuy nhiên, tôi cũng cần nhấn mạnh rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cũng như thực tiễn đã chứng minh qua hơn nửa thế kỷ thực hiện thành công công tác DS-KHHGĐ, chúng ta có hai giải pháp căn bản là: (1) Giáo dục, tuyên truyền, vận động và (2) Cung cấp dịch vụ. Nghe thì tưởng đơn giản nhưng thực tế thì không hề đơn giản! 

Ví dụ như cũng là giải pháp về giáo dục, tuyên truyền, vận động nhưng với mỗi đối tượng khác nhau, ta có cách thức tiếp cận khác nhau, phương thức truyền thông khác nhau, nội dung khác nhau dù cùng một chủ đề đó là chưa nói đến việc với các thách thức/chủ đề khác nhau. 

Trong bối cảnh thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thời đại của kết nối mạng thông tin toàn cầu thì các phương thức giáo dục truyền thông vận động cũng phải thay đổi và bắt kịp xu hướng toàn cầu.

- Mặc dù đã có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, song kết quả vẫn không được như mong đợi. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng. Ông nghĩ thế nào trước chỉ tiêu đã đề ra: Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115/100 vào năm 2015?

Chiến lược Dân số-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống vào năm 2015. Đó là mục tiêu mà chúng ta phấn đấu và kỳ vọng đạt được. 

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước và hiện nay là 113,8/100. Như vậy, rất khó đạt được mục tiêu khống chế ở mức 115/100 vào năm 2015, nếu không thực sự có đột biến. Trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh cao tại Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1980. 

Trải qua hàng vài thập kỷ nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Trung Quốc vẫn đang rất nghiêm trọng và có những năm lên đến trên 120/100. 

Quốc gia duy nhất trên thế giới, tính đến thời điểm này, thực hiện can thiệp thành công và đưa tỷ số giới tính khi sinh xuống mức tự nhiên là Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng phải sau gần 2 thập kỷ cùng với sự thay đổi căn bản về chính sách mức sinh dựa trên nền một xã hội phát triển tiên tiến, hiện đại.

Tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh của chúng ta tăng và nóng từ những năm đầu 2000s. Mặc dù chúng ta chưa thể “chặn đứng” xu hướng gia tăng nhưng đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng mỗi năm. 

Nếu như giai đoạn 2006-2009, trung bình mỗi năm tăng 1,15 điểm phần trăm thì giai đoạn 2010-2013 tăng 0,825 điểm phần trăm/năm. Hiện nay, chúng ta vẫn đang kiên trì 3 nhóm giải pháp: (1) Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới; (2) Thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ; (3) Tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. 

Để thực hiện 3 nhóm giải pháp này cần 4 điều kiện tiên quyết: (1) Tăng cường cam kết chính trị, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; (2) Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã. 

Theo đó, công tác dân số phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương. (3) Tăng cường và ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết các mục tiêu về MCBGTKS. (4) Tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

- Chiến lược Dân số-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đề ra một trong số các mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn lực mạnh mẽ mới có thể thực hiện được. Công tác dân số sẽ như thế nào khi nguồn kinh phí duy nhất từ trước tới nay từ chương trình mục tiêu quốc gia sẽ không còn trong thời gian tới? 

Sẽ rất khó khăn! Nhiều mục tiêu của Chiến lược Dân số-SKSS giai đoạn 2011-2020 sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt được; những định hướng lớn trong cương lĩnh xây dựng đất nước cũng bị tác động. Chúng ta cũng biết rằng, kinh phí cho chương trình dân số nước nhà là duy nhất từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong những năm gần đây, nguồn kinh phí này liên tục bị cắt giảm và đã tác động rất lớn tới việc thực hiện chương trình. Nay nếu không còn nữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chương trình. 

Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo, ngoài 2 chương trình mục tiêu quốc gia, tùy ngành, lĩnh vực có thể xây dựng chương trình mục tiêu. T

ổng cục đã và đang tích cực làm việc với các đơn vị của Bộ Y tế, các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng chương trình mục tiêu nhằm giải quyết được những thách thức của công tác dân số trong tình hình mới, đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 cũng như những định hướng lớn trong cương lĩnh xây dựng đất nước. 

Chúng tôi cũng mong muốn và kêu gọi các cấp ngành, địa phương cùng chung tay vào cuộc với ngành dân số vì sự nghiệp dân số nước nhà, vì một Việt Nam thịnh vượng.

- Xin cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ