Việt Nam đã bước vào giai đoạn nhân khẩu học mới từ năm 2007 - giai đoạn dân số vàng. Đây là một cơ hội có một không hai trong lịch sử nhân khẩu học, nếu chúng ta tận dụng tốt chắc chắn rằng Việt Nam sẽ sớm hội nhập vào các nước phát triển trên thế giới.
Nhân dịp này, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã phỏng vấn Bác sỹ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) về vấn đề dân số vàng của Việt Nam hiện nay.
Ngày 01/11/2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Con số này có ý nghĩa như thế nào đối với người làm công tác DS – KHHGĐ?
- Thời khắc 02 giờ 45 phút ngày 01/11/2013 đã đi vào lịch sử phát triển nhân khẩu học cũng như lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam với sự ra đời của công dân thứ 90 triệu - bé Nguyễn Thị Thùy Dung (huyện Nam Sách, Hải Dương). Sự kiện này đã mở ra rất nhiều cơ hội, vận hội mới cho đất nước ta.
Với các nhà toán học, 90 triệu đơn giản chỉ là một con số, nhưng với những người làm công tác dân số, con số đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 1989, dân số nước ta là 64,4 triệu người. Khi đó, các nhà khoa học đã dự báo vào năm 2010 dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người.
Dựa vào dự báo đó, nước ta lẽ ra đạt 90 triệu người vào năm 2002. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong công tác DS-KHHGĐ, tính đến ngày 01/11/2013, quy mô dân số nước ta mới đạt 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm.
Những dự báo trước đó hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta có một so sánh đáng chú ý là: năm 1989, dân số Philippines ít hơn nước ta 6 triệu người, nhưng đến nay, dân số Philippines nhiều hơn nước ta 15 triệu người.
Nếu như Việt Nam không nỗ lực làm công tác DS-KHHGĐ như thời gian vừa qua thì dân số nước ta hiện nay sẽ là 110,8 triệu người. Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Đây là một thắng lợi hết sức to lớn của chương trình DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Điều đó mang đến rất nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng có không ít những thách thức, khó khăn. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Từ năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 69% tổng dân số), Việt Nam đang có một nguồn nhân lực khổng lồ đáp ứng nhu cầu cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc.
Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội lớn để liên kết quốc gia, khu vực trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với 90 triệu người, dân số nước ta đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Điều đó cho thấy, Việt Nam là một thị trường rất lớn, rất tiềm năng với 90 triệu người tiêu dùng, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Như vậy, nền kinh tế của chúng ta sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới và ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng còn rất nhiều những khó khăn, thách thức. Lực lượng lao động của Việt Nam đông nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng quản lý còn hạn chế.
Theo Tổng Điều tra năm 2009 của Tổng cục Thống kê, trong nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên, mới có 13,7% được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ sơ cấp đến đại học). Số người có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm 4,4%. Vì vậy, nguồn nhân lực rất dồi dào, nhưng lao động có tay nghề cao lại quá thiếu.
Nếu theo cách phân loại của UNESCO, tỷ lệ dân số Việt Nam từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc trung là 18,9%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Nhật Bản 43,9%, Hàn Quốc 40,4%, Singapore 39,2% và Philippines 26,4%. Nếu ở trình độ học vấn bậc cao thì Việt Nam chỉ có 5,4%, trong khi Nhật Bản là 30%, Hàn Quốc 23,4%, Singapore 19,6%, Philippines 8,4%.
Lực lượng lao động ngày một gia tăng nhưng có được việc làm cho toàn bộ lực lượng đó hay không đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Giai đoạn 1999 - 2009 tỷ lệ thất nghiệp trung bình là khoảng 4,5%.
Tình trạng thiếu việc làm có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ lao động nông nghiệp của nước ta còn cao trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do mức độ chuyển đổi mục đích sử dụng và đô thị hóa.
Lao động di cư thanh niên tăng nhanh, trong khi các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội liên quan còn nhiều bất cập. Các dòng di cư cũng tạo nên những biến động về lực lượng lao động và áp lực việc làm ở cả nơi đi, nơi đến như thiếu hụt lực lượng lao động chính tại nơi đi, gia tăng các áp lực về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tại nơi đến.
Ngoài ra, các dòng di cư cũng tạo nên những áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng, môi trường, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở nơi đến mà chủ yếu là tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Như vậy, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có “vàng” về số lượng, “vàng” về cơ cấu tuổi và muốn có được “vàng thật”, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng của “vàng”.
Vậy giải pháp nào để khắc phục vấn đề này, thưa ông?
- Như trên đã phân tích, vấn đề hiện nay là làm thế nào để có thể tận dụng cơ hội lớn lao và hiếm hoi này vào phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ hội “dân số vàng” đóng góp khoảng 1/3 cho tăng trưởng kinh tế ở một số nước. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học này, làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế một cách ngoạn mục và trở thành những “con rồng châu Á”.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, mấu chốt để phát huy được cơ cấu “dân số vàng” là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 của Việt Nam đã xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Để làm được này, chúng ta cần có các giải pháp tổng thể đa ngành, đa lĩnh vực như về lao động, việc làm, về giáo dục đào tạo, về đầu tư và khuyến khích đầu tư, về dân số và chăm sóc y tế…
Có thể nêu một số giải pháp như: tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao, tăng năng suất lao động; đa dạng hóa ngành nghề, đặc biệt tại khu vực nông thôn, các ngành có sử dụng nhiều lao động; thực hiện chính sách xuất khẩu lao động để đảm bảo tạo việc làm và tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng lực lượng lao động xuất khẩu; mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động.
Tạo điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề cho phụ nữ; đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; triển khai triệt để quan điểm “giáo dục và đào tạo cùng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu” để từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một trong ba trụ cột đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế; Có chính sách đầu tư và tái đầu tư cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển con người, trước hết là sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số.
Đối với ngành dân số, cần duy trì mức sinh thấp hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm lại quá trình “già hóa dân số”; cung cấp đầy đủ, kịp thời, thuận tiện và có chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho phụ nữ, vị thành niên/thanh niên, người di cư…
Những giải pháp tổng thể đa nghành, đa lĩnh vực sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động và tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, làm tăng thu nhập bình quân đầu người, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội.
Mô hình đưa Trung tâm DS - KHHGĐ về trực thuộc UBND quận, huyện đang nhận được sự ủng hộ của đa số các địa phương, dưới góc độ quản lý nhà nước, ông có thể cho biết mô hình này có gây xáo trộn về tổ chức, làm tăng biên chế và kinh phí hay không?
- Ngày 14/5/2008, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương được ban hành (Thông tư số 05), nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã như: sự phối, kết hợp khi triển khai thực hiện nhiệm vụ về DS-KHHGĐ; đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; bổ sung kinh phí để tổ chức triển khai các hoạt động về DS-KHHGĐ…
Trước sự bất cập này, thành phố Hà Nội, tỉnh Gia Lai và Quảng Trị đã thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện. Từ lúc chỉ có 3 tỉnh/thành phố đến nay đã có nhiều tỉnh/thành phố chuyển đổi sang mô hình này như: tỉnh Bình Phước, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh…
Hiện nay, rất nhiều tỉnh đang trình Hội đồng nhân dân tỉnh về mô hình này như: Lai Châu, Nghệ An, Thái Nguyên ... Có thể nói số tỉnh/thành phố có nhu cầu chuyển đổi sang mô hình này ngày càng tăng lên.
Ngoài thực tế có sự chuyển đổi mô hình tổ chức ở tuyến huyện đang diễn ra tại các địa phương, để có cơ sở xây dựng mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tuyến huyện trong giai đoạn tới hợp lý, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế và Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tuyến huyện, tuyến xã;
Bên cạnh đó, phối hợp với Viện Xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát, đánh giá việc thực hiện Thông tư số 05; Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã tổ chức điều tra tổng thể hệ thống DS-KHHGĐ trong đó có tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương...
Kết quả các nghiên cứu, khảo sát này cho thấy: với mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ (theo Thông tư số 05) có những bất cập trong việc chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện ở địa phương như: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp hoạt động đối với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện; lồng ghép các hoạt động DS-KHHGĐ trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện; sự hỗ trợ về kinh phí của UBND huyện cho Trung tâm... Công tác DS-KHHGĐ mang tính xã hội hoá rất cao và cần có sự tham gia tích cực, đồng bộ của tất cả các ngành mới đem lại hiệu quả.
Với việc phân cấp mạnh mẽ cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt hoạt động ở địa phương, trong khi duy trì hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ theo ngành dọc phần nào đã thoát ly khỏi sự quản lý, chỉ đạo của UBND cùng cấp, hạn chế sự phối hợp với các ban ngành khác trong quá trình triển khai công việc.
Qua kinh nghiệm của các tỉnh/thành phố đã khẳng định rằng: Trên thực tế việc chuyển đổi Trung tâm DS-KHHGĐ sang trực thuộc UBND huyện sẽ không gây xáo trộn về tổ chức, không làm tăng biên chế, kinh phí mà chỉ thay đổi cơ quan chủ quản trong khi hiệu quả công việc đạt chất lượng cao.
Sau khi đánh giá 4 năm thực hiện việc chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số từ Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em sang Bộ Y tế, ngày 10/6/2011 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có báo cáo số 471/BC-BYT gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó đã kiến nghị ở cấp huyện chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ sang trực thuộc UBND huyện và nêu rõ việc chuyển đổi mô hình ở cấp huyện hoàn toàn thuận lợi, không gây xáo trộn về tổ chức, không làm tăng biên chế và cũng không làm tăng kinh phí, chỉ thay đổi về cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý và hiệu quả sẽ tăng lên rõ rệt.
Xin cảm ơn ông!