Phát hiện thú vị tại những gia đình không có con trai

GD&TĐ - Do mô hình sinh sống bên nội, hầu hết cha mẹ trông đợi rằng khi họ về già, chính con trai và con dâu là những người chăm sóc họ. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã phát hiện ra điều thú vị từ thực tế tại những gia đình không có con trai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về “sự ưa thích con trai ở Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến” chỉ ra rằng, tâm lý ưa thích con trai bắt nguồn từ hệ thống thân tộc phụ hệ và mô hình cư trú bên nội, tạo ra áp lực buộc các gia đình phải có ít nhất một con trai.

Quan niệm người dân cho rằng, con trai rất quan trọng đối với gia đình vì con trai tiếp nối dòng dõi, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ khi về già.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng phát hiện thấy vai trò đáng kể của áp lực từ phía gia đình và cộng đồng trong việc duy trì vai trò chủ đạo của đàn ông nói chung và tâm lý ưa thích con trai nói riêng. Con trai không chỉ tự thân họ có “giá trị” mà còn giúp củng cố vị trí của người phụ nữ - người mẹ trong gia đình,…

Tuy nhiên Nghiên cứu này cũng đã đưa ra những phát hiện thực tế đầy bất ngờ và thú vị, ngược với quan niệm và ước muốn của đại đa số những người đã và đang cố để có con “nối dõi tông đường”:

Những người không có con trai hiếm khi trở nên cơ cực và cô đơn khi về già; ngược lại, họ được con gái chăm sóc rất tốt. Một cuộc nghiên cứu dựa trên cơ sở phân tích các số liệu của cuộc Tổng Điều tra Dân số năm 1999, cũng từng đưa ra kết luận tương tự: “Phát hiện thú vị nhất, trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, đó là tỷ lệ cha mẹ sống chung với con gái… thậm chí khi con trai còn sống, rất có ý nghĩa. Khoảng 20% những người trên 60 tuổi sống trong hoàn cảnh này”.

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định, con gái không chỉ có thể sống cùng và chăm sóc cha mẹ già, thậm chí họ còn thực hiện các nghĩa vụ này tốt hơn cả con trai, vì con gái thường có mối quan hệ tình cảm gần gũi với cha mẹ hơn; có tính cẩn thận và chu đáo hơn, ngoài ra, trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ đang ngày càng tự chủ về kinh tế và khẳng định được vị thế trong gia đình.

Tuy nhiên, chăm sóc cho cha mẹ đẻ sẽ mang lại gánh nặng kép trên vai người con gái vì người con gái sống bên nhà chồng còn phải có trách nhiệm với cha mẹ chồng.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực Dân số, để cải thiện và từng bước giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và quan niệm thích con trai của người Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Giải quyết vấn đề sử dụng công nghệ sai mục đích; Giải quyết nguyên nhân gốc rễ của sự ưa thích con trai – sự bất bình đẳng giói trong thân tộc; Giải quyết các quan niệm chuẩn mực về bất bình đẳng giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ