Mặc dù, nhiều người thích dựa vào những phương pháp giảng dạy truyền thống, nhưng các cơ hội có được khi đưa công nghệ vào lớp học là vô tận.
Nhờ ứng dụng công nghệ, khả năng tiếp cận giáo dục đã được mở rộng đáng kể, bao gồm hàng loạt phương pháp học và lựa chọn về bằng cấp. Ngay cả khi không phải là sinh viên hay một chuyên gia giáo dục, tầm quan trọng của công nghệ trong ngành này cũng được cho là không thể phủ nhận.
Để thực sự ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy, giáo viên được khuyến khích nên tự hỏi vì sao học sinh muốn có công nghệ trong lớp học. Ngoài ra, suy nghĩ tới lý do cần công nghệ trong dạy và học cũng là điều cần thiết. Những câu trả lời về vấn đề này chắc chắn có thể giúp các chuyên gia giáo dục trong việc giám sát sự phát triển cá nhân và lập kế hoạch đổi mới bài học. Bên cạnh đó, những sinh viên học thông qua công nghệ có thể nhận được các kỹ năng giúp họ trong suốt sự nghiệp tương lai.
Tại sao học sinh cần công nghệ trong lớp học?
1. Đơn giản hóa việc tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục
Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh hiện nay phụ thuộc vào công nghệ trong cuộc sống hằng ngày. Vậy, tại sao không tích hợp công nghệ vào lớp học? Trẻ em ngày nay thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng ngoài giờ học. Đó là lý do trẻ cũng cần được tin tưởng rằng, các em sẽ có trách nhiệm trong giờ học khi sử dụng công nghệ. Nhiều người tin rằng, công nghệ thực sự giúp sinh viên gắn bó trong giờ, bằng cách sử dụng một công cụ quen thuộc để học tập.
2. Cải thiện trải nghiệm học tập
Chẳng hạn, bằng cách kết hợp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, giáo viên có thể phát triển các giáo án sáng tạo và đổi mới hơn. Từ đó, giúp thu hút sự chú ý của các học sinh trong lớp. Chưa kể, khi các phương pháp giảng dạy mới phát triển, nhu cầu về các chuyên gia chuyên sâu trong và ngoài lĩnh vực giáo dục cũng tăng theo.
3. Học sinh có thể học theo tốc độ riêng
Không ít ý kiến cho rằng, công nghệ có thể nâng cao khả năng học tập của cá nhân, xóa bỏ ranh giới giáo dục mà giáo viên có thể gặp phải. Công nghệ có thể tạo ra hình thức giáo dục trực tuyến, đào tạo từ xa và truy cập thông tin mới. Bởi mỗi sinh viên sẽ có cách diễn giải thông tin khác nhau, nên công nghệ có thể cho phép người học nghiên cứu nhiều hơn về các chủ đề khó.
4. Giúp sinh viên chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai
Trong xã hội ngày nay, công nghệ được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cũng như ngành công nghiệp. Việc đưa công nghệ vào lớp học có thể giúp học sinh cảm thấy dễ dàng và quen thuộc hơn khi bắt đầu sự nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, công nghệ cũng có thể tăng cường sự tương tác trong lớp, bằng cách khuyến khích sự phối hợp giữa các phương thức học tập khác nhau.
5. Học sinh yêu cầu công nghệ
Nhiều trẻ ngày nay cảm thấy thoải mái khi sử dụng công nghệ, thậm chí là từ khi các em còn nhỏ. Khi giáo viên giới thiệu các ý tưởng hoặc chủ đề mới thông qua việc sử dụng công cụ mà học sinh đã thành thạo, trẻ sẽ cảm thấy tự tin vào khả năng tiếp thu kiến thức mới. Thậm chí, người học cũng sẽ cảm thấy có nhiều động lực hơn trong việc hỗ trợ bạn đồng trang lứa học tập.
6. Công nghệ giáo dục là gì?
Phương pháp tiếp cận có hệ thống đối với các quy trình và nguồn lực giảng dạy, công nghệ giáo dục hay còn được gọi là EdTech, sử dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất của học sinh. Phương pháp này giúp xác định nhu cầu của các cá nhân, điều chỉnh công nghệ để giảng dạy trong lớp học và theo dõi sự phát triển của học sinh.
Công nghệ giáo dục đòi hỏi giáo viên phải tiết lộ chính xác nhu cầu của học sinh để xác định công nghệ liên quan. Nhờ đó, áp dụng vào chương trình giảng dạy và theo dõi kết quả để xác định hiệu quả của các biện pháp. Công nghệ giáo dục là một lĩnh vực khá mới trong ngành giáo dục. Không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng bắt tay vào thực hiện các kế hoạch theo hướng công nghệ như vậy.
Cách phá vỡ rào cản trong giáo dục
Chi phí giáo dục đã giảm đáng kể, với các lựa chọn như bằng cấp trực tuyến và loại bỏ nhu cầu mua sách giáo khoa. Ví dụ, bằng cách truy cập các nghiên cứu từ cơ sở dữ liệu của trường đại học, học sinh có thể dễ dàng theo đuổi sự nghiệp học tập tại một quốc gia khác mà không cần rời khỏi quê nhà.
Sinh viên thậm chí không cần đăng ký vào chương trình cấp bằng toàn diện để theo học tại các tổ chức giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới. Thông thường, hầu hết các tạp chí học thuật sẽ cung cấp các phiên bản kỹ thuật số đầy đủ của sách và hoàn toàn miễn phí cho sinh viên. Ngay cả khi sinh viên đó hiện không học hay tham gia vào cộng đồng giáo dục, họ vẫn có thể tải các bài báo, video khác nhau... về điện thoại cá nhân. Nhờ đó, giúp quá trình học tập trở nên dễ dàng hơn khi cho phép sinh viên tiếp cận với nhiều kiến thức.
Nhờ công nghệ, giáo dục ngày càng trở nên linh hoạt và dễ tiếp cận hơn. Ngày nay, hình thức cấp bằng trực tuyến và học trên thiết bị di động đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Rào cản về khoảng cách địa lý đã bị xóa bỏ. Vì vậy, nhiều giám đốc điều hành đã áp dụng công nghệ để đào tạo bổ sung cho nhân viên của họ. Bên cạnh đó, có hàng loạt công cụ dành cho giáo viên, nhằm nâng cao trải nghiệm trong lớp học và thúc đẩy sự tham gia của học sinh, như:
Kahoot!
Học sinh hoặc giáo viên có thể tạo bảng câu hỏi tương tác trong vài phút, sử dụng một loạt câu hỏi trắc nghiệm. Kahoot! sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất khi được chơi theo nhóm. Người chơi sẽ trả lời các câu hỏi trên thiết bị cá nhân của họ. Sau đó, kết quả sẽ được hiển thị trên màn hình chung để đưa ra kết quả cuối về trò chơi hoặc bài học.
Trello
Công cụ quản lý dự án này được cho là một phương pháp tuyệt vời giúp các nhà giáo dục sớm dạy học sinh cách duy trì tổ chức và sắp xếp hợp lý bài tập. Học sinh có thể tự mình sử dụng Trello để tạo biểu đồ quy trình làm việc. Trong khi đó, giáo viên có thể sử dụng ứng dụng này để theo dõi tiến trình của học sinh. Đặc biệt, cả học sinh và giáo viên có thể cộng tác trong một dự án thông qua Trello.
Nearpod
Giáo viên có thể dễ dàng tải lên các bài học hiện có, câu đố, cuộc thăm dò... và truy cập câu trả lời của học sinh trong thời gian nhất định. Các bài học dễ dàng được tải xuống và tùy chỉnh, giúp giáo viên dễ dàng lựa chọn trong số hàng nghìn bài học phù hợp với nhu cầu của học sinh.
Prezi
Cấu tạo đặc biệt của Prezi cho phép người dùng xếp và tùy chỉnh bản trình bày của mình. Ngoài ra, người dùng cũng có thể chọn từ hàng triệu mẫu kinh doanh, tiếp thị, bán hàng và giáo dục, trong số những mẫu khác.
ClassDojo
Một số tính năng của ứng dụng ClassDojo bao gồm nhạc trong lớp học, bộ hẹn giờ trong lớp học, bộ tạo nhóm ngẫu nhiên, ứng dụng họp buổi sáng và bộ chọn sinh viên ngẫu nhiên. “Group Maker” của ClassDojo được gợi ý là một công cụ rất hữu ích cho các hoạt động tương tác trong lớp học, thông qua việc tự động sắp xếp học sinh thành từng cặp hoặc nhóm.
Tầm quan trọng của sử dụng công nghệ
Học sinh ngày nay thường xuyên tương tác với công nghệ bên ngoài khuôn viên trường. Vì vậy, việc tích hợp các công cụ vào lớp học có thể giúp quá trình học tập dễ dàng hơn nhiều. Công nghệ đơn giản hóa cách giáo viên thực hiện công việc, cung cấp nhiều biện pháp hiệu quả để tạo dựng mối quan hệ giữa người dạy và người học.
Với tần suất sử dụng ngày càng nhiều máy tính bảng trong lớp học, học sinh có thể đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời ngay lập tức từ giáo viên. Người học cũng sẽ làm quen với các công cụ công nghệ, tạo tiền đề cho kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Các công cụ giáo dục miễn phí trực tuyến đã làm tăng khả năng tiếp cận của giáo dục trên toàn thế giới. Hiện nay, sinh viên thậm chí có thể lấy bằng cử nhân hoặc thạc sĩ hoàn toàn trực tuyến và miễn phí. Nhiều sinh viên đã lựa chọn phương pháp học hoàn toàn trực tuyến, nhờ sự linh hoạt trong lịch trình và môi trường học tập. Đối với những người không thể cam kết thực hiện các yêu cầu học tập toàn thời gian, nhưng mong muốn nâng cao trình độ học vấn, phương pháp học trực tuyến có thể là một giải pháp tuyệt vời.
Bên cạnh khả năng tiếp cận thông tin, công nghệ thực sự có thể kích thích và trao quyền cho sinh viên. Vì rất nhiều trẻ em đã quen thuộc với máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc học thông qua công nghệ có thể sẽ trở nên thú vị hơn, thay vì mang lại khó khăn. Các giáo viên sử dụng công cụ này thậm chí có thể thấy được sự tham gia tích cực hơn trong lớp học.