Rối loạn giấc ngủ không thể xem thường

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, giấc ngủ là một quy trình sinh lý rất phức tạp,  không đơn thuần chỉ là một chu kỳ thức – ngủ - thức giấc.

Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tuyến ở 2 điểm cầu TP Đà Lạt và TPHCM.
Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tuyến ở 2 điểm cầu TP Đà Lạt và TPHCM.

Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam (VSSM) đã khai mạc Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 2. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 8-9/5, tại các điểm cầu là Trường CĐ Y tế Lâm Đồng (Lâm Đồng), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y dược Hải Phòng, BV Bạch Mai (Hà Nội), Trường ĐH Y dược Huế. Theo các chuyên gia, trên thực tế, giấc ngủ có một quy trình sinh lý rất phức tạp, không đơn thuần chỉ là một chu kỳ thức – ngủ - thức giấc.

Ngủ không đơn thuần là thức – ngủ - thức giấc

GS.TS.BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng, Chủ tịch VSSM, phát biểu khai mạc hội nghị.

GS.TS.BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng, Chủ tịch VSSM, phát biểu khai mạc hội nghị.

GS.TS.BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng, Chủ tịch VSSM cho biết theo dự tính ban đầu, chương trình hội nghị sẽ diễn ra bằng hình thức trực tiếp nhưng để đảm bảo thành quả của công tác phòng chống dịch Covid-19 nên Ban tổ chức quyết định chuyển sang bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 8-9/5, tại các điểm cầu là Trường CĐ Y tế Lâm Đồng (Lâm Đồng), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y dược Hải Phòng, BV Bạch Mai (Hà Nội), Trường ĐH Y dược Huế.

Chương trình thu hút hơn 40 báo cáo, tham luận  có nội dung phong phú và chuyên sâu… Các báo cáo viên thực hiện báo cáo tham luận từ các đầu cầu tại các trường ĐH, bệnh viện tùy địa phương, đồng thời được sắp xếp, tổ chức ở các phiên hội nghị song song tương tự như các hội thảo khoa học quốc tế trước đây.

Tại hội nghị, GS.TSKH Dương Quý Sỹ - Chủ tịch VSSM đã có báo cáo tham luận “Gánh nặng bệnh tật của rối loạn giấc ngủ ở Việt Nam hiện nay và vai trò Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam. Giới thiệu Khuyến cáo Chẩn đoán và Điều trị Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) của VSSM.

Theo GS.TSKH Dương Quý Sỹ, mô hình bệnh tật có xu hướng thay đổi  với tỷ lệ các bệnh lý về giấc ngủ ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người.

Kể từ khi thành lập (1/2020) đến nay VSSM đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong lĩnh vực y học giấc ngủ thông qua việc chẩn đoán và điều trị người bệnh rối loạn giấc ngủ, đào tạo cơ bản và nâng cao kiến thức chuyên ngành y học giấc ngủ cho cán bộ y tế  và thực hiện việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe về y học giấc ngủ cho cộng đồng.

TS.BS Trần Đức Sĩ, Trưởng Phòng khám chuyên khoa Y học Giấc ngủ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Chi Hội Y học Giấc ngủ TPHCM cho rằng giấc ngủ là một nhu cầu sinh lý căn bản và chiếm đến khoảng 1/3 thời gian sống của mỗi người.

Cơ chế của hiện tượng tương đối phức tạp, nhưng hiện tượng này giúp cơ thể phục hồi sau một ngày sinh hoạt, làm việc. Vì vậy nếu giấc ngủ bị rối loạn sẽ ảnh hướng nhiều đến tâm sinh lý của con người. Ngủ không đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ không tốt thì khi ngủ dậy người ta vẫn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, còn buồn ngủ; sức khỏe thể chất và tinh thần không hồi phục tốt.

“Trong suy nghĩ của mọi người, giấc ngủ đơn thuần chỉ là một chu kỳ thức – ngủ - thức giấc. Tuy vậy trên thực tế, giấc ngủ là một quy trình sinh lý rất phức tạp, có cấu trúc từ 3 đến 5 chu kỳ với sự xen kẽ các giai đoạn giấc ngủ chậm nông rồi sâu dần và ngược lại. Trong đó, giai đoạn ngủ nông chiếm 1/2 tổng thời lượng của giấc ngủ mỗi đêm; giai đoạn ngủ sâu chiếm 1/4  và giai đoạn giấc ngủ nghịch đảo chiếm 1/4 thời lượng còn lại” - TS. BS Trần Đức Sĩ chia sẻ.

Những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ

Theo TS. BS Trần Đức Sĩ, những rối loạn giấc ngủ đơn thuần và tạm thời rất là bình thường ở mọi lứa tuổi và không cần phải có bất kỳ can thiệp thuốc men nào. Rối loạn giấc ngủ chỉ được xem là bệnh lý nếu nó tồn tại kéo dài, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân hoặc kéo theo tình trạng lạm dụng thuốc hướng thần.

Có 3 nhóm rối loạn giấc ngủ chính, gồm: rối loạn chu kỳ giấc ngủ (chu kỳ ngày - đêm), hội chứng ngưng thở khi ngủ và các giấc ngủ dị thường.

Phần lớn bệnh nhân than phiền mất ngủ được xếp trong nhóm “rối loạn chu kỳ giấc ngủ”. Nguyên nhân rất đa dạng, bao gồm: thay đổi giờ giấc sinh hoạt (lệch múi giờ, làm ca đêm, …), do các tác nhân bên ngoài (nhiệt độ phòng, ánh sáng, tiếng ồn…), thứ phát từ các bệnh lý khác của bệnh nhân (đau, lo âu – trầm cảm, các bệnh lý nội tiết…).

Nhóm rối loạn giấc ngủ thứ hai là “hội chứng ngưng thở khi ngủ”. Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn giảm thở hoặc ngưng thở hoàn toàn trong giấc ngủ và lập đi lập lại nhiều lần trong đêm.

Hội chứng này có 3 dạng: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân thần kinh trung ương và ngưng thở hỗn hợp. Tắc nghẽn đường thở có thể do thừa cân - béo phì ; các bất thường vùng mũi họng như lệch vách ngăn, polyp mũi xoang, phì đại cuống mũi, phì đại lưỡi gà; các bệnh phổi mạn tính…

Nhóm các bất thường xảy ra trong giấc ngủ/giấc ngủ dị thường, gồm nhiều hiện tượng tương ứng với nhiều giai đoạn khác nhau của chu kỳ giấc ngủ. Một số ví dụ như : cơn hoảng loạn về đêm, mộng du (miên hành), bóng đè, nghiến răng…

Một số hậu quả của ngủ kém thường gặp:

- Mệt mỏi, cáu gắt;

- Buồn ngủ vào ban ngày, ngủ gật;

- Khó tập trung, trí nhớ kém, trầm cảm;

- Tiểu đêm;

- Tăng huyết áp khó kiểm soát;

- Đột quỵ;

- Rối loạn chuyển hóa;…

- Ở trẻ em, có thể có rối loạn hành vi, học kém và ảnh hưởng lên sự phát triển của trẻ.

Theo TS.BS Trần Đức Sĩ (Trưởng Phòng khám chuyên khoa Y học Giấc ngủ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Chi Hội Y học Giấc ngủ TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ