Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực APEC năm 2017, diễn ra tại TP Cần Thơ từ 18 - 25/8.
Theo các chuyên gia, nước là một nguồn lực quan trọng và là một trong những yếu tố sống còn cho sản xuất lương thực (nông nghiệp hiện đang sử dụng 70% lượng tiêu thụ nước trên thế giới).
Tuy nhiên nguồn nước là có hạn và ngày càng trở nên khan hiếm do nhu cầu sản xuất lương thực và đáp ứng dân số ngày càng tăng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và cho sản xuất lương thực đã xảy ra ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC.
Tại hội thảo, các nền kinh tế thảo luận về việc chính phủ các nền kinh tế Úc, Philipine, Peru đưa ra chính sách và quản lý tài nguyên nước như thế nào; việc phân bổ cho các hệ thống chính trị, kinh tế, hành chính và xã hội mà có ảnh hưởng đến việc sử dụng tài nguyên nước.
Song song đó là thảo luận về những khoảng cách trong việc quản trị nguồn nước của các nền kinh tế APEC; tác động của biến đổi khí hậu tại các nền kinh tế Việt Nam, Nhật bản.
Hàng loạt các thách thức của các nền kinh tế được các chuyên gia phân tích chính sách của OECD nghiên cứu và cùng trao đổi như: khan hiếm nước, biến đổi khí hậu, nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đồng thời các kinh nghiệm của các nền kinh tế với quản lý nguồn nước, với canh tác nông nghiệp tốt, tưới tiêu tiên tiến nuôi trồng thủy sản… được đưa ra trao đổi.
Theo ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế: Nước không chỉ là tài nguyên của một quốc gia mà là tài nguyên xuyên biên giới của các nền kinh tế. Do đó, cần khẩn trương xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý tổng hợp, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.
Các nền kinh tế đã tập trung để thảo luận nội dung này và thống nhất về các vấn đề làm thế nào để liên kết các khu vực tư nhân và công cộng, trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân đối với tài nguyên nước, vai trò của chính phủ và người dân của các nền kinh tế và các nội dung cần thực hiện của các nền kinh tế…