Phải gắn sử dụng năng lượng

GD&TĐ - “Năng lượng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định mới đây tại “Hội nghị cấp cao: Ra mắt Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam và đối thoại chính sách”. 

Phải gắn sử dụng năng lượng

Ngành năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam. Bộ Công Thương Việt Nam và các đối tác phát triển (DPs) chủ trương hợp tác phát triển năng lượng tại Việt Nam trong bối cảnh của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

Nền năng lượng bền vững và vấn đề môi trường

Tại “Hội nghị cấp cao: Ra mắt Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam và đối thoại chính sách” (diễn ra tại Hà Nội, tháng 6 vừa qua), Bộ Công Thương thông tin cho biết các bên sẽ nỗ lực làm cho viện trợ phát triển (ODA) phù hợp với các hệ thống và chính sách của quốc gia ở mức có thể. Việc này bao gồm cả những nỗ lực tạo điều kiện cho nhiều đầu tư hơn nữa trong năng lượng bền vững, để tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại và cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng năng lượng.

Trong bối cảnh chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm, đây là thời điểm mở ra tiềm năng của những nguồn lực chủ chốt mạnh mẽ và hùng hậu: Các thành phố, các khu vực, các công dân, các hợp tác xã, các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp vào chống biến đổi khí hậu bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn. Nhiều năng lượng tái tạo hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro địa chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh cùng với hàng nghìn việc làm.

Năng lượng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Tháng 09 năm 2015, Việt Nam và đa số các quốc gia trên thế giới đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, được xem là một phần của Chương trình nghị sự phát triển bền vững mới.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng bền vững sẽ có rất nhiều cách tiếp cận và bao hàm rất nhiều nội dung khác nhau. Nhưng để nói một cách tổng thể nhất, để đảm bảo cho chiến lược an ninh năng lượng thì phải xây dựng trên nền tảng một ngành năng lượng, kể cả sơ cấp và thứ cấp, kể cả nguồn năng lượng tái tạo và nguồn năng lượng không tái tạo.

Phải có một chiến lược khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất, để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cũng như nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, thời điểm hiện nay đã cho thấy sự phát triển của vấn đề năng lượng không chỉ đơn thuần là với tốc độ và sự tăng trưởng đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế- xã hội mà còn phải hướng tới yếu tố bền vững, phải hướng tới bảo vệ môi trường, gắn với sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, định hướng của Việt Nam đến năm 2020 và lâu dài hơn nữa đều dựa trên nguyên tắc phát triển năng lượng như vậy.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng khoáng sản năng lượng Việt Nam đang được khai thác, nhưng nguồn tài nguyên cũng có giới hạn, do đó phát triển năng lượng bền vững vẫn phải chú trọng khai thác sử dụng các nguồn năng lượng một cách có hiệu quả và tiết kiệm. Bên cạnh đó, phải phát triển các nguồn năng lượng một cách hài hòa, hợp lý, trên cơ sở bảo đảm yêu cầu phát triển năng lượng của cả đất nước trong lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Nhưng đồng thời phải gắn với yếu tố bảo vệ môi trường, gắn với chất lượng tăng trưởng trên thực tế, kể cả về kinh tế - xã hội cũng như về năng lượng. “Phải tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh về mặt thể chế của nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường năng lượng, vận hành trên những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Điều đó có nghĩa là phải cải cách, cải tổ lại cơ cấu tổ chức của các ngành năng lượng của chúng ta hiện nay và tới đây đang là những ưu tiên quan trọng, để đảm bảo cơ chế vận hành theo nguyên tắc cơ chế thị trường trong toàn hệ thống của nền kinh tế, cũng như đáp ứng được những yêu cầu phát triển của đất nước, trong thời kỳ hội nhập rất sâu và rộng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định- “Khi đặt ra những yêu cầu phát triển nhanh thì cũng phải đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng cho đất nước.

Đối diện với những thách thức về năng lượng

Với Việt Nam hiện nay, để đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong trong giai đoạn 2001- 2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2013 và tiếp tục tăng nhanh từ năm 2014 đến nay. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình 13,0%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2016.

Ngành năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và giành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100- 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310- 320 triệu TOE vào năm 2050. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016- 2030. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, định hướng đến năm 2030, con số này đạt khoảng 129.500 MW.

Chính phủ Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, không ngừng xây dựng, cải cách và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như cải thiện việc quy hoạch, hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng để cải thiện hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường cơ chế phối hợp và đối thoại, không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ cố gắng hết mức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này. Công việc này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đạt được nền kinh tế xanh hơn thông qua năng lượng bền vững là rất tốt đối với Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.