Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở

GD&TĐ - Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến cho việc xây dựng dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên phạm vi cả nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giờ học thực hành của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.
Giờ học thực hành của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Đa dạng về loại hình, hình thức đào tạo

Bộ LĐ,TB&XH xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tập trung ưu tiên các cơ sở GDNN công lập trọng điểm và đặc thù.

Điều này đảm bảo tính ổn định của mạng lưới cơ sở GDNN và tầm nhìn dài hạn của phát triển GDNN. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập đa dạng về loại hình, hình thức đào tạo dựa trên định hướng thị trường. Phát triển theo hướng mở, linh hoạt, liên thông tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ đào tạo…

Theo dự thảo, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là hoàn thiện mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả thông qua việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN công lập hiện có. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập. Phân bố một cách phù hợp và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động địa phương, vùng, đất nước. Từ đó, từng bước tham gia sâu rộng vào cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường quốc tế.

Dự thảo nêu sẽ giảm số lượng cơ sở GDNN công lập 10% so với năm 2020, phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập lên 40% vào năm 2025. Theo dự thảo, sẽ có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó 40 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4. Có khoảng 5 - 7 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia được hình thành, trong đó 5 - 10 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong ASEAN-4.

Giai đoạn 2026 - 2030, đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới cơ sở GDNN. Trong đó cơ sở GDNN công lập tập trung vào các ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cơ sở GDNN ngoài công lập phát triển nhanh, đa dạng về loại hình, hình thức và quy mô dựa trên nhu cầu phát triển của thị trường.

Phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập lên 45% vào năm 2030. 100% địa phương hình thành trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập.

Định hướng đến năm 2045 phát triển mạng lưới cơ sở GDNN phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng. Theo đó, các trung tâm GDNN, cơ sở GDNN chuyên biệt, cơ sở GDNN thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công về GDNN. Các cơ sở bảo đảm nhu cầu học nghề, tham gia vào quá trình kết nối thị trường lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời bảo đảm nguyện vọng học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Để đạt được các mục tiêu trên, dự thảo đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là giải pháp về cơ chế, chính sách, phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý GDNN. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, liên kết, hợp tác phát triển, giải pháp về hợp tác quốc tế, huy động và phân bổ vốn đầu tư…

Cần đầu tư có trọng điểm

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… thành lập cơ sở GDNN. Quá trình thực hiện bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa với quy hoạch thời kỳ trước và các quy hoạch có liên quan. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình lập và triển khai thực hiện và giám sát quy hoạch...

Theo TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, bối cảnh phát triển khoa học công nghệ đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho các cơ sở GDNN nâng cao trình độ đội ngũ công nhân. Do vậy, việc phân bố các cơ sở GDNN không hợp lý giữa các vùng miền như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ.

Ngoài ra, cơ sở GDNN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuyển sinh khó khăn do tâm lý người học không muốn học nghề. Phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp, khó quy định trần thu học phí ở mức cao dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp. Trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành lớn.

Việc triển khai thực hiện xã hội hóa GDNN còn chậm và nhiều lúng túng, không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, địa phương. Các cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài thường tập trung ở các thành phố, vùng kinh tế trọng điểm.

Có tình trạng nhiều trường cùng đào tạo nghề giống nhau trên một địa bàn, trong khi chính sách thu hút người học lại thiếu thống nhất. Trong khi việc sắp xếp các cơ sở GDNN ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay còn mang tính hành chính, cơ học. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa xác định chỉ tiêu giảm đầu mối cơ sở GDNN công lập.

TS Lê Đình Kha cho rằng, giải pháp để quy hoạch mạng lưới GDNN đồng bộ cần được sự quan tâm từ các bộ, ngành, địa phương… để có các chính sách ưu đãi và đầu tư có trọng điểm, truyền thông định hướng và phân luồng. Phải gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ