Hội thảo do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây là dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn giai đoạn 1: 2021 - 2025.
PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – cho biết: Cuộc khảo sát được Học viện triển khai công phu. Từ khâu nghiên cứu các tài liệu liên quan, xây dựng kế hoạch khảo sát, xây dựng khung logic, thiết kế bộ công cụ cho đến thu thập biểu mẫu thống kê cấp tỉnh đều được thực hiện khoa học, bài bản.
PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Công việc này được tiến hành ở 51 tỉnh thuộc dự án và tổ chức khảo sát thực địa tại 8 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Phước và Sóc Trăng.
Khách thể khảo sát bao gồm: phụ nữ, nam giới thuộc các nhóm dân tộc khác nhau, độ tuổi 18 – 55 tuổi, trẻ em, già làng, trưởng bản/thôn/ấp, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, công chức, viên chức địa phương, lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
Với quy mô phỏng vấn bằng bảng hỏi: 2000 phiếu; phỏng vấn sâu: 88 trường hợp; Thảo luận nhóm: 16 cuộc, cuộc khảo sát đã thu được bộ số liệu đồ sộ về thực trạng bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.
Kết quả khảo sát là căn cứ đề xuất, điều chỉnh các hoạt động của Dự án phù hợp với thực tế, đồng thời tham chiếu để đánh giá hiệu quả đầu ra của Dự án 8.
Toàn cảnh hội thảo. |
Hội thảo là diễn đàn học thuật để công bố kết quả khảo sát, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và tham vấn ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành có liên quan như: Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn, lãnh đạo Trung ương Hội và các ban, đơn vị thuộc Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội…
Tài liệu công bố tại Hội thảo bao gồm các nội dung liên quan đến hoạt động triển khai Dự án 8, bao gồm:
Nội dung 1: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Nội dung 2: Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Nội dung 3: Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Nội dung 4: Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.