Nghiên cứu quan điểm của nam sinh viên tại 5 trường đại học trên địa bàn Hà Nội, ThS Nguyễn Phương Chi, Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã chứng minh nam giới là một phần không thể thiếu trong chặng đường đạt tới bình đẳng giới (BĐG) và phát triển bền vững.
Thái độ và chuẩn mực
ThS Nguyễn Phương Chi cho rằng: Việc hiểu và phân tích cũng như đo lường thái độ của nam giới đối với các chuẩn mực giới và thực hành BĐG rất quan trọng. Đặc biệt, việc này có ý nghĩa thiết thực đối với các nước đang phát triển, nơi có bối cảnh văn hoá truyền thống khác nước phát triển.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra nam giới có thái độ kháng cự (tuy không rõ ràng) đối với BĐG như việc hạn chế thảo luận về vấn đề này. Nam giới cho rằng họ đóng vai trò không quan trọng, “bên lề” sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Vì vậy, rất cần định hình và phát triển tích cực trong bản dạng, tương tác và trong chính tính cách của nam giới.
Câu hỏi đặt ra là hiện nay nam giới có tham gia một cách đầy đủ và hiệu quả trên con đường BĐG? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của nam giới đối với các chuẩn mực, niềm tin vào BĐG; thái độ của họ đối với phụ nữ, bạo lực và việc chăm sóc gia đình, trẻ em.
Đi sâu vào nghiên cứu, lắng nghe các ý kiến từ nam sinh và nữ sinh, ThS Nguyễn Phương Chi đã đưa ra phân tích cho thấy: Mặc dù, Việt Nam đã bắt đầu triển khai một số chương trình huy động sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy BĐG, tuy nhiên các chương trình quy mô còn hạn chế, thiếu những khảo sát đầu vào và đầu ra về thái độ của nam giới và các đặc điểm nam tính của nam giới Việt Nam hiện nay.
“Sinh viên là đối tượng thanh niên có độ tuổi trẻ, mức độ tiếp cận thông tin lớn và là đối tượng tiềm năng, tiên phong để thúc đẩy thái độ tích cực đối với BĐG. Từ nghiên cứu thái độ của nam sinh viên đối với các chuẩn mực giới về vai trò giới, tình dục, bạo lực, sức khoẻ sinh sản, nam tính, phụ nữ làm lãnh đạo cũng như nữ sinh viên đang học tập tại 5 trường đại học trên địa bàn Hà Nội, đã cho thấy BĐG liên quan đến văn hoá nam tính tại cộng đồng. Sinh viên càng được tiếp xúc nhiều với kiến thức, hoạt động BĐG, thái độ của họ càng trở nên tích cực”, ThS Nguyễn Phương Chi, cho biết.
Tạo sự thay đổi tích cực
GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Nguyên Viện trưởng Viện Gia đình và Giới nhìn nhận: Nghiên cứu đã làm dày thêm các cơ sở lý luận về nam tính tại Việt Nam, đề xuất cách tiếp cận phù hợp, thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong các chương trình, dự án về BĐG.
Ngoài ra, về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu được thông tin trong một số hội thảo, diễn đàn và áp dụng trong dự án Nam tính tích cực học tập và truyền thông thông qua hoạt động tại 5 trường đại học. Áp dụng cách tiếp cận bao trùm do nghiên cứu đề xuất, nghiên cứu đã giúp nâng cao nhận thức của sinh viên nam về hình ảnh nam giới với nam tính tích cực, tăng cường tiếng nói của thanh niên trong vấn đề bình đẳng giới.
Trương Văn Cường, cựu sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã thay đổi về cả suy nghĩ và thái độ của bản thân mình và các bạn, nam tính tích cực không phải là sử dụng chất kích thích để thể hiện mình và cũng không phải uống nhiều rượu là bản lĩnh. Các bạn hãy thay đổi thái độ sống biết quan tâm những người xung quanh hơn.
Có thể thấy, tiếp cận với chương trình của cô Chi; từ suy nghĩ đến hành động của các bạn khi được tiếp cận về BĐG đã thay đổi tôi rất nhiều. Bản thân đã nhận thức được phải thay đổi thái độ khi làm bất cứ việc gì; luôn luôn nghĩ tích cực hơn, và từ đó mình xây dựng cho mình những kế hoạch mục tiêu để đạt được hành công, tránh xa chất kích thích…”.
Khảo sát từ nhiều đối tượng cả nam và nữ đều chung quan điểm cho thấy, nghiên cứu đã đem đến một sự thay đổi tích cực về nhận thức và thái độ của nam giới đối với BĐG. Mà trước đây, ở Việt Nam còn rất hạn chế đối với việc đi nghiên cứu vấn đề này. Có thể thấy, các kết quả của nghiên cứu đã có những sản phẩm, định hướng truyền thông giáo dục thông qua một số chương trình, dự án như “Nam tính tích cực”.
Nếu như trước đây, nhiều nam giới còn bỡ ngỡ với vấn đề bình đẳng giới, nam tính, vai trò giới,… thì thông qua việc được tham gia vào khảo sát, phỏng vấn sâu, hoạt động chương trình/dự án, các em hiểu và biết, nhận thức được phần nào về bình đẳng giới và tham gia nhiều hơn trong những hoạt động, công việc mà trước đây nghĩ chỉ dành cho phụ nữ.