Đánh thức tranh cổ động từ thông điệp bình đẳng giới

GD&TĐ - Bắt đầu từ một tọa đàm nhỏ về bình đẳng giới trong nghệ thuật, các nghệ sĩ đã tiến tới hình thành một triển lãm đánh thức dòng tranh cổ động đang bị lãng quên.

Triển lãm “In Art We Trust” – Tranh cổ động về bình đẳng giới trưng bày 40 sáng tác nổi bật từ một cuộc thi vẽ. Các tác phẩm hướng tới việc thể hiện những quan điểm về bình đẳng giới nhằm đem lại cách hiểu đầy đủ và khoa học.

Khi nghệ sĩ công khai đồng tính

Tranh cổ động có lịch sử lâu dài trong nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, là một trong những hình thức nghệ thuật công cộng bằng ngôn ngữ đồ họa - hội họa cô đọng, có tác dụng đặc biệt trong việc truyền đạt thông điệp nhận thức xã hội.

Theo Ban tổ chức, 40 tác phẩm tranh cổ động là sáng tác nổi bật của các tác giả từ nhiều lứa tuổi (người lớn tuổi nhất là 68 và trẻ nhất là 9 tuổi) và từ nhiều vùng miền. Sự kiện hướng đến việc phát triển và biểu dương các luồng nhận thức về bình đẳng giới, đồng thời đánh thức dòng tranh từng một thời rất quen thuộc với công chúng.

Những gương mặt trong cương vị giám khảo cũng là những nghệ sĩ rất quen thuộc trong giới nghệ thuật: Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Nguyễn Thành Phong, Đặng Thị Khuê, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, giám tuyển Ace Lê, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp…

Có thể nói, triển lãm tranh cổ động lần này là một sự tình cờ trong tiến trình bàn luận về bình đẳng giới trong hoạt động nghệ thuật giữa các nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu.

Đầu tháng 12/2021, một cuộc tọa đàm nhỏ trên nền tảng trực tuyến với sự góp mặt của đạo diễn Hoàng Điệp, giám tuyển Ace Lê, nhà nghiên cứu Vũ Duy Thông… về chủ đề rất xưa cũ nhưng đầy nan giải - bình đằng giới.

Trong tọa đàm, giám tuyển Ace Lê đưa ra một khái niệm của một nghiên cứu sinh: “Nghệ thuật nữ quyền là nghệ thuật chối bỏ sự lệ thuộc của phụ nữ, thách thức vai trò truyền thông của phụ nữ, thể hiện khía cạnh căn tính và tính dục nữ giới theo góc nhìn tự do của nghệ sĩ sáng tác dưới vai trò nghệ sĩ”.

Cũng theo Ace Lê, vấn đề bình đẳng giới trong nghệ thuật khá phức tạp. Những năm 1995, họa sĩ Trương Tân công khai đồng tính, ngay lập tức anh bị “nhốt” vào một quan niệm không công bằng về vấn đề giới.

Sự bất bình đẳng giới dẫn tới những ảnh hưởng trong nghệ thuật sáng tác. Những tác phẩm của Trương Tân luôn thể hiện nữ quyền, nghiêng về người mẹ, trẻ em, hình tượng người nữ. Và thực ra, ngay cả những họa sĩ danh tiếng như Bùi Xuân Phái cũng dùng hội họa để bày tỏ bình quyền nam nữ, qua bức họa phụ nữ để lông nách giống đàn ông.

Ngày nay, bình đẳng giới đã có những tiến bộ trong nhận thức, tuy nhiên những thâm căn cố đế trong quan niệm xã hội vẫn là chướng ngại với nữ giới. Các nghệ sĩ muốn cổ động bình quyền theo dòng tranh cổ động vốn bị quên lãng để khơi gợi nhân bản và tình người.

Đánh thức tranh cổ động từ thông điệp bình đẳng giới ảnh 1

Đừng dứt bỏ đôi cánh thiên thần

“Trước năm 1945, tranh cổ động ở Việt Nam được người Pháp phổ biến với hình ảnh nàng Marianne - là hiện thân của tự do, bình đẳng và là chân dung của Nữ thần Tự do. Sau năm 1945, hình tượng người phụ nữ trong tranh cổ động đa dạng hơn, họ không chỉ là hậu phương, mà còn là chiến sĩ”. Nhà nghiên cứu Vũ Duy Thông

Các nghệ sĩ cho rằng, tranh cổ động từng là một trong những phương tiện truyền đạt thông điệp nâng cao nhận thức xã hội và giáo dục cộng đồng hiệu quả. Picasso từng nói: “Mục đích của nghệ thuật là để tẩy rửa tâm hồn khỏi cặn bã cuộc sống”.

Các bức tranh cổ động của Picasso chống bạo lực và chiến tranh bằng ngôn ngữ đồ họa hiện đại đã được in lên tem thư gửi đi khắp thế giới, truyền cảm hứng về hòa bình, tình yêu và lòng nhân ái.

Một kẻ tự do và phóng khoáng là kẻ đã vượt thoát khỏi được tư duy nam – nữ để chỉ nhận mình là một con người bình thường đang trải nghiệm giữa cuộc đời. Thật thú vị khi sự thật này lại được 40 tác giả thể hiện vô cùng dễ thương mà sâu sắc.

Nguyễn Ngọc Minh Tâm với một sáng tác cổ động đơn giản với 5 trái tim của 5 con người. Phía trên bức họa là dòng chữ “là nam hay nữ dù mang dáng vẻ nào đều có chung một trái tim biết yêu thương”.

“Thôi được rồi” của Phạm Quang Hưng thì trừu tượng hơn. Những ô màu so le, có chỗ rỉ máu mang thông điệp: Mỗi người chúng ta đều rực rỡ sắc màu giống như một khối rubik, mỗi cá thể đều có thể trở nên độc lập một cách ngẫu nhiên, tùy theo mong muốn được thể hiện mình.

Tác phẩm “Gái trai như một – Trụ cột tương lai” của Nguyễn Khánh Vy là một quan điểm thật sự thẳng thắn và đánh mạnh vào thái độ phân biệt in hằn trong tư tưởng nhiều người Việt từ xưa tới nay.

Thai nhi trong bụng luôn là một thiên thần, dù là trai hay là gái cũng mang đôi cánh của sự thánh thiện và là quà tặng “thiên sứ” mà tạo hóa ban tặng. Chúng ta không có quyền dứt đi đôi cánh xinh đẹp ấy, hãy để đôi cánh đưa thiên thần bay cao trong sự bình đẳng – không phân biệt trai – gái hay giới tính thứ ba.

“Nước Mắt” của Văn Ngọc Khánh, “Thế giới vui nhộn” của Vũ La Hiên đến “Nụ hôn của sự bình đẳng” của Chiu Chí Hùng như nhấn mạnh điều này hơn thế nữa thông qua cách biểu đạt hình ảnh vừa chân thật, dễ thương, vừa sâu sắc đáng chiêm nghiệm.

Nghệ thuật suy cho cùng, không chỉ vì cái đẹp, mà còn vì con người và cho con người. Những bức tranh cổ động không chỉ giúp mỗi người nhận ra sự bình đẳng của thân phận, mà còn nói với chúng ta, hãy bỏ qua những định kiến, hãy biết lắng nghe và thấu hiểu người khác – đó là nhân bản.

Đặc biệt, trong triển lãm còn có tác phẩm của các nghệ sĩ khách mời là những cây bút nổi bật trong làng minh họa đương thời như Nguyễn Ngọc Vũ (Cậu bé Thỏ), X. Lan, Trà Camelia, Linh Rab, Tất Sỹ và George Burchett – nghệ sĩ nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam với sáng tác vô cùng thú vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ