Bà Vũ Thị Khái, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1 (phường Bình Thuận, quận 7, TPHCM), cho biết khu phố của bà có rất nhiều nhà trọ cho nữ công nhân thuê ở vì địa bàn này có nhiều doanh nghiệp, nhà xưởng nhỏ và gần Khu chế xuất Tân Thuận.
Vì dân nhập cư nhiều nên các ngành chức năng siết chặt quản lý về an ninh trật tự nhưng thỉnh thoảng vẫn có kẻ gian đột nhập vào khu nhà trọ nữ để khua khoắng.
Gần khu phố có vài dự án dang dở bỏ hoang lâu nay, trở thành nơi tụ tập của những thành phần bất hảo tập chơi bài bạc, hút chích. Bà mong có buổi tập huấn cho các nữ công nhân và các chủ nhà trọ để họ có kỹ năng đối phó với những tình huống bất thường.
“Bà con phải hết sức cảnh giác”
Tối 4/11, Trung tá Trần Hùng Dũng - Đội trưởng Đội 4 Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TPHCM) - đã có buổi trò chuyện với các nữ công nhân và chủ nhà trọ trên địa bàn phường. Buổi trò chuyện do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức. Đông đảo các chị em công nhân và chủ nhà trọ đã đến tham gia.
Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết gần nhà chị ở đường Lý Phục Man có nhiều nhà trọ, mỗi dịp nghỉ lễ, tết dài ngày hay bị kẻ trộm vào cạy cửa.
Chị có người bạn làm chung, vì tin tưởng người ở chung phòng như chị em nên bị lừa mượn số tiền lớn rồi đi mất. Công nhân ở xa nhà thường xem bạn chung phòng như người thân trong gia đình nên mất cảnh giác.
Trung tá Trần Hùng Dũng chia sẻ với các nữ công nhân: “Tôi biết các chị em khi đến đây làm việc luôn cố gắng tiết kiệm tối đa để có tiền gửi cho gia đình.
Thường các chị mướn một phòng 2,5 triệu đồng sẽ tìm thêm năm, sáu người nữa vào ở chung cho đỡ tốn chi phí. Nhiều kẻ xấu lợi dụng điều này xin vào ở chung một thời gian tạo niềm tin rồi trộm cắp, lừa đảo lấy tài sản.
Có chị bị bạn mượn xe đi công chuyện rồi đi luôn không trở lại, trong khi cái xe là tài sản đáng giá nhất của công nhân, chắt chiu mãi mới mua được. Càng gần tết, các đối tượng trộm cắp, lừa đảo càng tăng cường hoạt động. Bà con phải hết sức cảnh giác”.
Chỉ cách kiểm tra chứng minh nhân dân
Chia sẻ lo lắng với các nữ công nhân, một chủ nhà trọ cho biết bà có kinh nghiệm kiểm tra kỹ giấy CMND, kiểm tra hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác. Qua đó sàng lọc được một số người không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, Trung tá Dũng cho biết việc kiểm tra giấy tờ kỹ càng chưa chắc có hiệu quả. Một số đối tượng dùng CMND của người khác dán đè ảnh của mình vào. Với cách này, chúng qua mặt được chủ nhà trọ bằng thông tin giả.
Trung tá Dũng nói: “Các chị có xem ở mục dấu vết riêng hoặc dị hình trên CMND, đây là những dấu hiệu cơ bản để nhận diện có đúng là CMND của người đó hay không. Nếu không có những dấu vết đó, các chị có thể báo công an để kiểm tra”. Nhiều chủ nhà trọ bất ngờ vì điều này dễ kiểm tra nhưng ít người biết.
Nhiều đối tượng khi bị công an bắt vì trộm cắp tài sản đã khai nhận: Họ có chiêu rất đơn giản nhưng hiệu quả hơn trèo tường cạy cửa. Các đối tượng này đường hoàng vào các khu nhà trọ vào ban ngày giả vờ đi tìm người quen.
Thấy phòng trọ nào hớ hênh, bọn họ nhanh tay chôm chỉa điện thoại, ví tiền rồi đi ra. Nếu chẳng may bị phát hiện, họ bèn giả vờ hỏi thăm: “Chị Lan có nhà không ạ?”.
Sau đó diễn tiếp vai đi nhầm phòng rồi bình tĩnh trở ra. Nhiều nữ công nhân cho biết họ đã gặp người “đi tìm người quen” vài lần nhưng phần lớn đều cho qua, chỉ thỉnh thoảng gặp đối tượng nhìn giống người nghiện họ mới dọa báo công an.
Tại đây, các chiến sĩ công an cũng đã hướng dẫn các chị em một số kỹ năng cơ bản để thoát hiểm nếu bị kẻ xấu đe dọa hoặc tấn công.
Đừng trượt ngã trước cám dỗ
Trung úy Mai Thị Lệ Quyên (Phòng CSĐT tội phạm ma túy, Công an TPHCM), cho biết chị từng tiếp xúc với một cô gái ở quê mới lên thành phố xin việc thì được một “công tử con nhà giàu” theo đuổi.
Cô gái này xinh đẹp như một tiểu thư. Ban đầu bạn trai cô cung phụng cho cô rất đầy đủ về vật chất, thuê riêng cho cô một căn phòng đầy đủ tiện nghi. Cô thực sự xa hoa so với cuộc sống công nhân.
Nhưng sau đó bạn trai cô bị bắt vì mua bán ma túy. Những mối mua hàng cũ của bạn trai vẫn gọi vào số điện thoại của cô. Thấy tiền kiếm dễ quá, cô liều móc nối mua bán ma túy rồi trượt ngã cho đến khi bị bắt.
Trung tá Trần Hùng Dũng cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hơn 4.000 vụ phạm pháp hình sự làm chết 84 người, bị thương 517 người, thiệt hại tài sản khoảng 43,5 tỉ đồng.
Trong đó, tội phạm lừa đảo thường tập trung vào những người mới lên thành phố. Chúng thường xin vào phòng trọ ở chung để lấy trộm đồ hoặc lừa đảo giới thiệu xin giúp việc làm cho người ở quê ra phố.