Theo Bloomberg Billionaires Index, 6 trong số 10 tỷ phú tự thân bằng và dưới 40 tuổi giàu nhất thế giới đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 4 người Trung Quốc.
Xếp ngay sau CEO Facebook là doanh nhân Trung Quốc Colin Huang - nhà sáng lập và CEO công ty thương mại điện tử Pinduoduo với 13,7 tỷ USD.
10 tỷ phú tự thân dưới 40 tuổi giàu nhất thế giới. Nguồn: Bloomberg.
Theo dữ liệu từ bách khoa toàn thư Baidu, Colin Huang là một doanh nhân tỷ phú người Trung Quốc, đồng thời là người sáng lập và CEO của công ty thương mại điện tử Pinduoduo. Anh tốt nghiệp Đại học Chiết Giang năm 2002 và lấy bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin-Madison năm 2004 rồi trở thành nhân viên Google ở Mỹ.
Anh trở về Trung Quốc năm 2006 và tham gia thành lập văn phòng Google Trung Quốc. Năm 2007, anh chính thức rời khỏi Google và bắt đầu gây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Năm 2015, Pinduoduo được sáng lập, kết hợp khả năng bán hàng trực tuyến với "buôn dưa lê trên mạng" và chỉ sau 2 năm, nó đã đạt mức 280 triệu đô rồi không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018.
Colin Huang chỉ mất ba năm để tích lũy 100 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc. Đây là một tốc độ đáng sợ khi người ta có thể phải mất vài thập kỷ, thậm chí là cả đời cũng chưa chắc đã đạt được con số khủng khiếp này.
Tại thời điểm Pinduoduo bắt đầu đưa ra thị trường, giá trị con người Colin Huang thậm chí còn vượt qua Lưu Cường Đông - tỷ phú thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, người đồng sáng lập trang thương mại điện tử JD.com.
Hành trình từ con trai công nhân nhà máy trở thành tỷ phú tự thân
Huang lớn lên tại Hàng Châu, cũng là quê hương của gã khổng lồ e-commerce Alibaba. Cha mẹ của anh chỉ là những công nhân bình thường làm việc tại một nhà máy trong vùng, thậm chí còn chưa học hết cấp hai.
Thế nhưng, Colin Huang từ nhỏ đã là một cậu bé thông minh, ở tuổi 12 đã vào được trường Ngoại ngữ Hàng Châu có tiếng trong vùng, từ đó mở ra thế giới mới. Sau đó, anh học lên đại học và tới Mỹ học tiếp Thạc sĩ, dấn thân vào Thung lũng Silicon rèn luyện năng lực.
Một điều mà Huang học được trong quá trình này là sự chênh lệch về mức lương chi trả cho thực tập sinh Microsoft tại Trung Quốc và Mỹ: Trong khi Microsoft Bắc Kinh chỉ trả 900 USD/tháng, Microsoft tại Mỹ trả tới 6.000 USD.
Khi chuẩn bị tốt nghiệp vào năm 2004, Huang đứng trước hai lựa chọn: Vào làm tại Microsoft, công ty sở hữu hệ điều hành Windows và bộ sản phẩm Office phổ biến hay gia nhập Google, hãng công cụ tìm kiếm mới nổi còn chưa IPO.
Giữa hai ngã rẽ, Huang chọn Google chính vì sự "thiếu chắc chắn" và trở thành một trong những người đầu tiên viết thuật toán cho ngành thương mại điện tử.
Tất nhiên Google đã tăng trưởng rất nhanh những năm sau đó. Huang chỉ là một nhân viên nắm giữ lượng cổ phần nhỏ nhưng sau khi công ty IPO, tài sản của anh đã lên đến vài triệu USD.
Sau thời gian "học việc" tại Google, Colin Huang tự mở một trang chuyên bán thiết bị điện tử là Ouku.com nhưng không tạo được điểm nhấn khác biệt so với hàng nghìn trang web tương tự khác đã có mặt trên thị trường.
Vì vậy, năm 2010, anh quyết định bán trang web này. Sau đó, anh tiếp tục thử sức với dự án Leqi, công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị trên các website như Taobao hay JD.com và ứng dụng game tương tác trên WeChat. Tuy nhiên, cuối cùng các dự án này vẫn bị bán đi, chưa tạo dựng được thương hiệu riêng cho Colin Huang.
Phải đến khi Pinduoduo ra đời, ứng dụng bán hàng giảm giá cho khách mua theo nhóm và tích hợp tin nhắn giữa người dùng, là sự kết hợp thông minh giữa "Facebook-Groupon", đã nhanh chóng đưa Colin Huang vào hàng ngũ start-up tỷ USD.
Mô hình đơn giản nhưng cực kỳ thông minh này đã cho người dùng trải nghiệm giống như dành cả ngày với bạn bè tại trung tâm thương mại. Họ có thể chia sẻ những gì mình thích, nhận phản hồi từ những người mình tin tưởng hay thậm chí buôn chuyện với nhau và được giảm giá nhiều hơn nếu mua theo nhóm. Thậm chí, Pinduoduo còn tích hợp các trò chơi để phục vụ nhu cầu giải trí.
Huang nảy ra ý tưởng này nhờ chứng kiến hai hãng internet hàng đầu Trung Quốc: công ty thương mại điện tử Alibaba và Tencent, hãng game khổng lồ cũng là chủ sở hữu của WeChat. Cả hai đều lớn, tăng trưởng nhanh và thành công nhưng không am hiểu về lĩnh vực kinh doanh của nhau.
Trong khi đó, Huang và các cộng sự lại hiểu rõ. Họ có kinh nghiệm trong cả thương mại điện tử và games nên nhìn thấy cơ hội lớn nếu biết cách kết hợp hai lĩnh vực này với nhau.
Sau cùng, dù đạt được thành công đáng kể với PDD, Huang cho biết không có ý định dành cả đời mình với ứng dụng này. Anh muốn làm nhiều thứ trong nhiều lĩnh vực khác nhau và gọi đó là "cuộc sống đích thực".
Đây chính là tinh thần liều lĩnh dám không ngừng thử nghiệm những điều mới mẻ, tự tạo ra thử thách cho chính bản thân để tiếp tục vươn lên, tiếp tục phát triển, là bí quyết quan trọng, làm nên thành công vang dội của người đàn ông đứng top 2 những nhà tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới dưới độ tuổi 40.