Cơn sốt di dân dưới góc nhìn của chuyên gia

GD&TĐ - Đối với Andrew Selee và một số chuyên gia khác đang tham gia một hội nghị thường niên ở Trung Mỹ tại El Salvador, cái gọi là đoàn caravan di dân đang là một vấn đề lớn của chương trình nghị sự.

Một gia đình di cư nằm kiệt sức bên lề đường ở Arriaga, Mexico
Một gia đình di cư nằm kiệt sức bên lề đường ở Arriaga, Mexico

Sự trùng hợp về thời điểm?

Ông Andrew Selee, Chủ tịch của Viện Chính sách Di cư phi đảng phái tại Washington, cho biết: “Mọi người đều băn khoăn về nguồn cơn của cuộc đại di dân này. Tại sao nó xảy ra vào thời điểm này? Ai đã vận động và thành lập các đoàn lữ hành?”. Tuy nhiên, Selee khẳng định cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ không liên quan gì đến làn sóng di dân này.

Cynthia Arnson, Giám đốc Chương trình Mỹ Latinh tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson ở Washington cũng cho rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, cuộc di cư có tác động đến việc định hình bầu khí hậu trước bầu cử, và Tổng thống Trump đang rất ý thức và nỗ lực để đưa vấn đề này vào chiến dịch, vì ông biết rằng, đảng Cộng hòa quan tâm sâu sắc về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi xem sự trùng hợp về thời điểm chỉ là ngẫu nhiên”.

Mike Allison, một Giáo sư tại Đại học Scranton ở Pennsylvania chuyên nghiên cứu về Trung Mỹ, cũng cho rằng, đây chỉ đơn giản là biểu hiện mới nhất của một cuộc khủng hoảng thực sự đang ảnh hưởng đến toàn bộ Mỹ, trong đó các vấn đề như buôn bán ma túy, tổ chức tội phạm, tham nhũng và sự thiếu vắng dân chủ là nguyên nhân cơ bản. “Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố” - ông nói - “vì khí hậu khô hạn ở một số khu vực khiến mùa màng tổn thất”.

Giữa tháng 10 vừa qua, đám đông bắt đầu tụ tập bên ngoài một trạm xe buýt ở San Pedro Sula, Honduras, thu hút sự chú ý từ các đài truyền hình địa phương khi họ chuẩn bị để thực hiện chuyến đi đến Hoa Kỳ. Các quan chức địa phương và Đại sứ quán Mỹ tại Tegucigalpa đã kêu gọi đoàn di dân quay trở lại quê hương bản quán. Tuy nhiên, đoàn người vẫn tiếp tục cuộc hành trình, băng qua Guatemala và đến Mexico. Khi đó, đoàn người đã tăng lên với tổng số hơn 7.000 người.

Tại Honduras, Tổng thống Juan Orlando Hernandez và chính quyền của ông cho biết, các đối thủ chính trị đang cố gắng gây bất ổn cho chính phủ đứng đằng sau cái gọi là đoàn caravan này. Theo ông, việc thuyết phục đoàn người quay về cố hương gần như là bất khả thi. Số lượng người trong đoàn người không cố định, luôn có thêm người gia nhập, đồng thời cũng có nhiều nhóm nhỏ tách ra để tìm đường tới Mỹ.

Sự bùng nổ của các thuyết âm mưu

Không có sự xuất hiện của đại diện nhóm tổ chức, cũng không có lời giải thích rõ ràng về sự hình thành của đoàn người, khiến các thuyết âm mưu, tuyên bố vô căn cứ và các cuộc tấn công chính trị nhanh chóng “nở hoa”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump miêu tả sự di chuyển của đoàn người như một cuộc tấn công vào biên giới Mỹ và cho rằng các thành viên của đoàn “diễu hành” khổng lồ này đã khai thác lỗ hổng trong luật tị nạn. Ông Trump cũng cho rằng, phe Dân chủ đã trả tiền cho người dân di cư để đảng của họ có được nhiều phiếu bầu hơn. Phó Chủ tịch Mike Pence lại cho biết ông có nguồn tin cho rằng Venezuela phải chịu trách nhiệm về cơn lũ di dân này.

Thực tế, tình trạng di cư tới nước Mỹ đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều. Theo một số chuyên gia, số lượng người tham gia di cư lớn như vậy có thể là do nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như những tin đồn sai lệch về việc đã có sẵn quỹ thực phẩm và giao thông vận tải để “đón tiếp” người dân di cư. Thông thường người di cư từ Honduras phải trả những kẻ buôn người hàng ngàn đô la để đưa họ về phía Bắc. Vì vậy, ảo tưởng tham gia một nhóm miễn phí và được đảm bảo an toàn về thực phẩm là một viễn cảnh hấp dẫn.

Một yếu tố khác có thể là nguồn cơn gây ra cơn lũ di dân, đó là tình hình căng thẳng chính trị ở Honduras, khi Tổng thống Hernandez tuyên bố chiến thắng sau một cuộc bầu cử đầy tranh chấp năm ngoái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ