Thu hút học viên bằng tiền trợ cấp
Đặc điểm chung của nền giáo dục ở các quốc gia lâm vào tình trạng bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi là người dân thường không có lòng tin vào giáo dục sẽ mang lại cho con em họ một tương lai tươi sáng.
Chính vì vậy mà trước khi các cuộc xung đột vũ trang nổ ra, tỉ lệ trẻ em đến độ tuổi đi học được giáo dục cũng chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn. Khi các cuộc nội chiến diễn ra, dẫn đến tình trạng vô gia cư, người dân phải di tản đến những quốc gia lân cận và sống trong các trại tị nạn, giáo dục được xem là một hoạt động thứ yếu và rất nhiều gia đình lúc bấy giờ xem nhẹ việc trau dồi kiến thức cho con em của mình.
Thậm chí cho đến khi tình hình đất nước bắt đầu đi vào ổn định thì những người đã từng trải qua thời gian khổ cực trên đất khách này cũng không mấy mặn mà với giáo dục, dù rằng họ được học tập với mức học phí rất thấp hay thậm chí là miễn phí.
Tình trạng này đang trở thành một thực trạng lan rộng trong tư tưởng của hầu hết các gia đình tại các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Morocco và một số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi khác.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ thì chỉ có 39% trẻ em trong độ tuổi đến trường tại quốc gia này được đi học Tiểu học và Trung học. Tại Lebanon thì tỉ lệ này là 40%, trong khi ở các quốc gia khác tỉ lệ này có cao hơn nhưng cũng không vượt quá 70%, ngưỡng tỉ lệ đáng báo động về mức độ yếu kém trong giáo dục do UNICEF đặt ra.
Đứng trước một viễn cảnh có thể khiến nền giáo dục đi đến tình trạng sụp đổ hoàn toàn, các tổ chức vì cộng đồng trên toàn thế giới đã tiến hành một loạt các chương trình nhằm cứu vãn tình trạng này. Nổi bật nhất trong số những chương trình này là chính sách dùng tiền trợ cấp để thu hút học viên được thực hiện bởi Ủy ban châu Âu.
Với tên gọi Trợ cấp tiền mặt có điều kiện, chương trình sẽ tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho những gia đình người dân di cư hoặc những gia đình mới trở về từ các trại tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Morocco với điều kiện là họ phải cho con em của mình đi học một cách đầy đủ.
Cùng sự trợ giúp của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, UNICEF và Hội lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, một tổ chức xã hội vì cộng đồng lớn tại quốc gia này, chương trình hướng đến việc giúp cho 230.000 trẻ em có điều kiện đến trường và học tập một cách đầy đủ. Chương trình sẽ trợ cấp 50 lira Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 14 đô-la Mỹ mỗi tháng trên mỗi học viên cho những gia đình có con em đi học thường xuyên.
Chi phí này không nhiều nhưng với việc mức học phí rất thấp và gần như miễn phí tại Thổ Nhĩ Kỳ thì số tiền này sẽ giúp cho gia đình của các em có thể trang trải những sinh hoạt phí khác bên cạnh việc học. Chương trình dù chỉ mới được thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng đã giúp cho các bậc phụ huynh cân nhắc việc cho con của mình đi học và nhận trợ cấp thay vì ở nhà.
“Chúng tôi luôn cố gắng tiếp cận các gia đình có con em trong độ tuổi đi học và khuyến khích họ tham gia vào chương trình để giúp vực dậy nền giáo dục đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn do chiến tranh”, Moatasem Sharif, điều phối viên tại tổ chức nhân đạo phi chính phủ IMPR, một trong những người lên tiếng ủng hộ và nỗ lực truyền bá rộng rãi thông tin về chương trình Trợ cấp tiền mặt có điều kiện, cho biết.
Chiến lược đúng đắn
Chiến tranh tạm thời lắng xuống và người dân bắt đầu trở về quê hương nhưng một số lĩnh vực gần như không thể phục hồi, mặc cho những nỗ lực rất lớn từ chính phủ và các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước. Vì thế chương trình trợ cấp với điều kiện đi học được xem là chiến lược đúng đắn của Ủy ban châu Âu cũng như chính phủ các quốc gia đang rơi vào tình trạng báo động về giáo dục này.
Chương trình sẽ giúp khắc phục tác động của tâm lý tự ti về cái nghèo, yếu tố khiến cho các gia đình dân di cư e dè khi cho con em của mình đến trường. Theo thống kê của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn thì có đến 70% người dân nhập cư đang sống trong cảnh nghèo khó ngay tại quê hương của mình và tình trạng nợ nần thì ngày càng tăng cao.
Điều này dẫn đến việc phần lớn gia đình tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Iraq, Lebanon hay Morroco không cho con mình đi học vì bản thân chúng cũng là một lao động kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.
“Vì thế những gia đình này cần tham gia vào chương trình để con của họ được đi học nhưng vẫn ‘kiếm’ ra tiền. Đó là cách chương trình cứu vớt những thế hệ trẻ em tị nạn và đầu tư một cách chính đáng vào tương lai của chúng”, Christos Stylianides, Ủy viên Hội đồng phụ trách trợ cấp nhân đạo và xử lý khủng hoảng trực thuộc Ủy ban châu Âu, cho biết.
Không chỉ giải quyết được bài toán về việc trẻ em phải đi làm kiếm tiền mà chương trình trợ cấp tiền mặt có điều kiện sẽ giúp các gia đình xóa được nỗi lo về những chi phí phát sinh trong quá trình học tập của con em mình. Đơn cử như chi phí đi lại cũng là một khó khăn khiến nhiều học sinh phải bỏ học.
Tình trạng này xảy ra tại các quốc gia dù đã miễn tiền học phí, tài liệu nhưng do khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, chi phí đi lại thì đắt đỏ nên nhiều gia đình đã không thể cho con mình tiếp tục theo học. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn ở một số quốc gia mà phương tiện di chuyển công cộng còn chưa phát triển và không có xe đưa rước học sinh.
“Không phải học phí mà những chi phí liên quan như việc đi lại, chi phí sinh hoạt khi sống xa nhà…mới là những thách thức khiến các gia đình từ bỏ giấc mơ học tập của con em mình”, Mohammed Al Masri, phụ trách chương trình giáo dục tại Lebanon, cho biết.
Không phải duy nhất nhưng...
Trên thực tế chương trình sử dụng tiền để thu hút học sinh đã được áp dụng rộng rãi tại các khu vực khó khăn trên toàn thế giới để tác động vào quyết định cho con em đi học của những bậc phụ huynh. Chương trình hiện đang được áp dụng tại hơn 30 quốc gia như Brazil, Argentina, Mexico, Chile…với nhiều biến thể khác nhau nhưng vẫn tập trung vào mục tiêu là dùng tiền trợ cấp để thu hút các học viên đến trường.
Thậm chí tại một số khu vực nghèo khó của một số quốc gia như Morocco thì chương trình được thay đổi khi tiến hành trợ cấp cho gia đình có con em ở độ tuổi đến trường, cho dù con em của họ có đi học hay không. Ngoài ra, không chỉ áp dụng cho giáo dục mà hình thức trợ cấp có điều kiện còn được áp dụng cho một số lĩnh vực như y tế, môi trường để nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa.
Khi mà hầu hết các chương trình tương tự đều được đánh giá là không phù hợp và thường xuất hiện những diễn biến không thể đoán trước thì chương trình Trợ cấp tiền mặt có điều kiện của Ủy ban châu Âu lại cho thấy tính ổn định và khả năng hoạt động bền vững trong thời gian dài.
Thật vậy, khi mà các chương trình của UNESCO hay Liên hiệp quốc thường gặp khó khăn sau một vài năm thực hiện vì phải đối mặt với tình trạng cắt giảm nghiêm trọng về ngân sách thì Trợ cấp tiền mặt có điều kiện, với mức trợ cấp 14 đô-la Mỹ mỗi tháng trên mỗi học viên, đang là một trong số ít chương trình có mức trợ cấp ổn định và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
“Dù mức trợ cấp không thật sự quá cao nhưng đó là ngưỡng giúp chương trình hoạt động một cách bền vững và khi có sự tham gia của nhiều tổ chức nhân đạo trên toàn thế giới thì số tiền này có thể sẽ được tăng mạnh trong một vài năm tới”, Moatasem Sharif cho biết.
Cho đến thời điểm hiện tại thì kết quả của chương trình Trợ cấp tiền mặt có điều kiện được thực hiện tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi vẫn còn là một ẩn số do chưa có thống kê cụ thể trong niên khóa mới.
Tuy nhiên, khi mà chính phủ các quốc gia cùng tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đã tạo nhiều điều kiện nhằm giúp vực dậy nền giáo dục, mà thiết thực nhất là việc trợ cấp bằng tiền mặt để trang trải phần nào các chi phí học tập và sinh hoạt, chương trình hứa hẹn sẽ tạo ra một hình ảnh mới, tích cực hơn cho nền giáo dục bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh của các quốc gia luôn gặp phải tình trạng bất ổn về chính trị, quân sự này.