Bà Therea May mắc kẹt trong bê bối nhập cư

GD&TĐ - Chưa đầy một năm trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, chính phủ nước này lại đối mặt với một bê bối trong vấn đề người nhập cư, bao gồm cả những người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp.

Bà Therea May mắc kẹt trong bê bối nhập cư

“Gió đưa hoa cải về trời”...

Các nhà lập pháp đang gây sức ép lên Thủ tướng Theresa May về vai trò của bà trong việc hình thành một chính sách chính thức nhằm tạo một môi trường bất lợi cho những người nhập cư bất hợp pháp. Chính sách này cũng “đánh bẫy” thế hệ người nhập cư hợp pháp từ Caribe – những người từng được nước Anh chào đón để giúp nước này tái thiết sau Đại chiến Thế giới II.

Cuối tuần qua, bà Amber Rudd đã từ chức Bộ trưởng Nội vụ, sau những cáo buộc cho rằng bà đã nói dối Quốc hội Anh về mục tiêu trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Thoạt đầu, bà Rudd nói với Quốc hội rằng không hề có một hạn ngạch quốc gia nào về người nhập cư, sau đó lại thay đổi và nói rằng có thể vẫn có một vài hạn ngạch nào đó. Cuối cùng, tờ The Guardian tung ra một lá thư riêng của bà Rudd gửi cho Thủ tướng Theresa May, trong đó đề xuất tỷ lệ trục xuất lên 10%, cũng như số lượng và mục tiêu.

Trong đơn từ chức của mình, bà Rudd thừa nhận đã “vô tình lừa dối” các nhà lập pháp và giờ đây đã nhận thức được rằng “các thông tin cung cấp cho văn phòng của tôi có đề cập đến các mục tiêu. Lẽ ra tôi phải nhận ra điều này, và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã chưa nhận thức được điều đó”.

Người thay thế bà Rudd là Sajid Javid, một nhà đầu tư thành công, từng đứng đầu một bộ và là thành viên đầu tiên của một dân tộc ít người ở Anh lên nắm giữ vị trí Bộ trưởng Nội vụ. Ông Javid là con trai của một người lái xe bus, vốn là người di cư Pakistan. Ông Javid cũng là một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ trong văn phòng bà May phản đối việc Tổng thống Trump chia sẻ một video chống Hồi giáo của một nhóm cực đoan có tên gọi là “Nước Anh đầu tiên” (English First) hồi tháng 11 năm ngoái.

“Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Nhưng sự ra đi của bà Rudd - thành viên thứ tư trong nhóm lãnh đạo hàng đầu của bà May đã từ chức trong 6 tháng qua - cũng như việc bổ nhiệm ông Javid thay thế bà Rudd, đã không làm dịu đi những ồn ào quanh vụ bê bối. Những người chỉ trích cho rằng chính Thủ tướng Anh, chứ không phải bà Rudd, là người phải chịu trách nhiệm về những thay đổi trong các nguyên tắc nhập cư, dẫn đến việc hàng loạt những người cho thuê nhà và nhà tuyển dụng lao động phải rà soát tình trạng nhập cư của khác thuê nhà hay người làm thuê của họ. Nhiều người nhập cư từ thế hệ trước không thể có đủ các thủ tục giấy tờ cần thiết để chứng mình rằng họ được phép sống ở Anh, trong đó có cả những người từ thế hệ được gọi là “thế hệ

Windrush” - theo tên của con tàu chở những người nhập cư Caribe đầu tiên đến nước Anh sau Đại chiến Thế giới II. Họ có nguy cơ bị trục xuất, bị từ chối các dịch vụ y tế hoặc bị mất việc làm.

Người Anh nói chung có lẽ sẽ không quá phản đối việc chính phủ nước này tìm biện pháp đối phó với những người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề “thế hệ Windrush” mà tờ Guardian đưa ra đã khiến chính phủ Anh bị lên án mạnh mẽ. Ngay cả các thành viên đảng của bà May cũng cho rằng việc đối xử tệ bạc với thế hệ dân di cư này là một điều sỉ nhục trước sự phán xét của người Anh.

Ông Rob Ford, một Giáo sư chính trị tại ĐH Manchester cho rằng “chính vụ bê bối Windrush đã tô đậm thêm rằng: Các chính sách mà chúng ta đang có xung quanh vấn đề nhập cư hơn một thập kỷ nay, dù độc hại, nhưng vẫn có phần nào đó ý thức về sự đối xử công bằng và chơi đẹp. Trong khi đó thì chính phủ, dù đang cố gắng xây dựng cách tiếp cận vấn đề nhập cư theo hướng không có chính sách nào chống người nhập cư một cách quá đáng, nhưng lại làm ngược lại”, ông nói.

Bà May đã nhiều lần xin lỗi vì cách đối xử của chính phủ mình đối với người nhập cư từ Caribe và các công dân nhập cư khác sống ở Anh, nhưng vẫn chưa thể làm nguôi lòng những người chỉ trích, đặc biệt là các thành viên đảng Lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ