Sự khốn cùng của người tị nạn Libya

GD&TĐ - “800”, người bán đấu giá rao to. “900… 1.000… 1.100… đã bán”. 1.200 đồng dinar Libya, tương đương với 800 USD, không phải là giá của một chiếc xe cũ, hay một thứ đồ gỗ nào đó. Đó là giá để một con người trở thành nô lệ, thành tài sản sở hữu của một ông chủ.

Sự khốn cùng của người tị nạn Libya

Những cuộc đấu giá người

Trong đoạn clip ngắn, khá mờ nhạt, được quay bằng điện thoại, một trong số những người đàn ông bị rao bán là người Nigeria. Anh ta trạc hơn 20 tuổi, mặc chiếc sơ mi tái nhạt và quần thể thao. Người bán đấu giá rao rằng anh là một trong những “chàng trai khỏe mạnh làm việc nhà nông”.

Sau khi xem clip về cuộc bán đấu giá nô lệ được quay bằng điện thoại, đài CNN đã cử người tới Libya để tiếp tục điều tra. Mang theo một máy camera được ngụy trang và ẩn mình tại một khu điền sản bên ngoài thủ đô Tripoli, các phóng viên đã chứng kiến cảnh những người nô lệ được rao bán công khai và được mua chỉ trong vòng 5 - 7 phút. Người rao đấu giá liên tục mời chào: “Có ai cần người đào xới không?

Đây là một nhân công đào xới, một người đàn ông khỏe mạnh, xin mời đấu giá”. Chỉ trong vòng vài phút, tất cả những người đàn ông này đều được bán. Khi được giao cho những “ông chủ” mới, những “món hàng người” này chỉ còn biết phó mặc cho số phận.

Cuộc bán đấu giá diễn ra tại một thị trấn với vẻ ngoài rất bình dị ở Libya, nơi những người dân đang sống một cuộc sống bình thường. Trẻ em chơi trên đường phố, người dân đi làm, trò chuyện với bạn bè hoặc nấu ăn cho gia đình. Nhưng trong sàn đấu giá, dường như thời gian đã quay ngược lại. Điều duy nhất còn thiếu của những phiên chợ người là những lằn dây trói quanh cổ tay và cổ chân người bị rao bán.

Giải mã công nghiệp buôn người

Mỗi năm, có tới hàng chục ngàn người vượt qua biên giới Libya. Đó là những người tị nạn chạy trốn các cuộc xung đột ở quê hương, hay những di dân tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở châu Âu. Hầu hết những người trong số đó đều bán hết của cải để có tiền cho cuộc hành trình từ Libya tới bờ biển và tới cửa vào Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, những đợt càn quét gần đây của lực lượng tuần tra bờ biển Libya khiến có rất ít tàu thuyền tới được vùng biển chung. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ buôn người sở hữu cả một danh sách dài những người “sẽ là hành khách”. Và như thế, khi những kẻ buôn người thành ông chủ, thì di dân và người tị nạn trở thành nô lệ.

Đại úy Naser Hazam, thuộc Cơ quan Chống nhập cư bất hợp pháp của chính phủ Libya tại Tripoli cho biết: “Chúng nhét 100 người lên tàu mà chẳng thèm quan tâm, miễn là chúng có tiền. Người dân di cư có thể tới được châu Âu, nhưng cũng có thể mất xác ngoài biển”.

Mohamed Abdiker, Giám đốc điều hành khẩn cấp của Tổ chức quốc tế Người di cư, tuyên bố: “Một số báo cáo thật sự đáng sợ và những báo cáo gần đây nhất về thị trường nô lệ từ những người di cư có thể được thêm vào danh sách dài của các mưu toan”.

Trục xuất “trở lại hình vuông số 1”

Anes Alazabi là một nhà giám sát tại một trung tâm giam giữ ở trung tâm Tripoli dành cho những người bị trục xuất. Ông cho biết đã nghe được rất nhiều về chuyện những kẻ buôn người lạm dụng, hành hạ người di cư. “Những gì chứng kiến hàng ngày làm tôi thấy đau đớn cho họ”, ông nói.

Chàng thanh niên Victory 21 tuổi đã trốn khỏi quê hương Nigeria và trôi nổi suốt 4 tháng, cùng số tiền dành dụm của mình, với hy vọng cập bến bờ hy vọng: Châu Âu. Thế nhưng Victory chỉ đến được Libya. Tại đây, anh và những người khác bị giữ trong điều kiện sống cực kỳ tồi tệ, bị tước đoạt, lạm dụng và ngược đãi. Khi số tiền dắt túi đã hết, Victory bị bán trong một phiên chợ giữa ban ngày.

Những kẻ buôn người nói rằng lợi nhuận từ việc mua bán này sẽ được trừ vào khoản nợ của anh. Nhưng sau nhiều tuần bị ép buộc lao động, chúng lại nói với Victory rằng số tiền đã được trả để mua anh vẫn chưa đủ. Anh lại bị đưa trở lại cho những kẻ buôn người và một lần nữa lại trở thành “món hàng” mua đi bán lại.

Và mặc dù tuyến đường qua phía Bắc châu Phi ngày càng nhộn nhịp, thì nhiều di dân đã từ bỏ ước mơ của họ về bờ biển châu Âu. Năm nay, có hơn 8.000 người đã tự nguyện trở về nhà trên các chuyến bay do IOM (Tổ chức Di cư quốc tế) tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.