Còn nhiều vướng mắc

GD&TĐ - Ba vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển nhà ở xã hội đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ ra...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ba vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển nhà ở xã hội đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 diễn ra mới đây.

Cụ thể, vướng mắc đầu tiên là nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, một số nơi đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.

Vướng mắc thứ hai là việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thứ ba là các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…

Thực tế, việc triển khai Đề án thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành là khoảng 1.062.200 căn, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Tuy nhiên, chỉ tính giai đoạn từ năm 2021 đến nay, đã có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.

Có 71 dự án hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn. Như vậy, về cơ bản, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn, mục tiêu 428.000 căn hộ cơ bản sẽ đạt được.

Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng phải thẳng thắn rằng, việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Phản ánh rõ hơn về tình trạng này, đại diện một địa phương ở phía Bắc cho biết, đến hết năm 2023, tỉnh mới hoàn thành và triển khai đạt 7% mục tiêu đến năm 2025 của Đề án với hơn 2.400 căn. Hầu hết, dự án nhà xã hội đều chậm tiến độ. Có 5 dự án chưa giải phóng xong mặt bằng và 3 dự án đã có “đất sạch” nhưng chưa đầu tư xây dựng.

Lý do là bởi khâu giải phóng mặt bằng chậm, thậm chí cả khi đã có “đất sạch”, việc giao, cho thuê cũng vẫn mất nhiều thời gian lập, thẩm định hồ sơ. Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa là cơ chế ưu đãi hiện nay chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tham gia.

Cụ thể, nếu như trước đây Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49 quy định chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà xã hội nhưng trong Luật Nhà ở 2023 không còn quy định này.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hồi năm 2023 thì cả nước có 392 khu công nghiệp được thành lập và có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nhu cầu nhà ở phân khúc này luôn vượt xa khả năng cung cấp của thị trường nên việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Bởi nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản.

Vậy nên, như ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thì nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua.

Vấn đề còn lại là các bộ, ngành liên quan cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ. Công việc phải rất chi tiết, cụ thể, như xác định đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; trình tự thủ tục đầu tư, tiếp cận vay vốn ưu đãi, phát triển quỹ đất... - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.