Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân và các chủ thể liên quan chung tay tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Nghị quyết ra đời kịp thời, đi vào cuộc sống
Tại Hội nghị, cùng với nghe thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP; tình hình thị trường bất động sản, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đã phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ và thị trường bất động sản hiện nay; phân tích các nguyên nhân, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Các đại biểu khẳng định trước khó khăn của thị trường bất động sản, với sự ra đời kịp thời, đúng hướng của Nghị quyết 33/NQ-CP và các chỉ thị, chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Trong đó, xây dựng, ban hành, hoàn thiện đồng bộ, khả thi nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhà ở, bất động sản; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn cho thị trường bất động sản; thành lập các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Tại các dự án bất động sản cụ thể ở các địa phương, các khó khăn, vướng mắc đang được tập trung giải quyết tháo gỡ; đến nay đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô khoảng 19.516 căn; tích cực triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay của ngân hàng đã hạ từ 0,5-2% và cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, tập trung nguồn lực thanh toán nợ trái phiếu, bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư…
Nhờ đó, thị trường bất động sản quý 2/2023 tăng trưởng cao hơn quý 1 năm 2023, cho thấy thị trường bất động sản đã vượt qua điểm đáy, đang phục hồi.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phản ánh, đề xuất một số nội dung về pháp lý; nguồn vốn đầu tư; tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ “thổi” giá bất động sản; cơ chế, chính sách để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển thị trường bất động sản; chính sách và giải pháp để thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm, chất lượng của các đại biểu.
Theo Thủ tướng, với Nghị quyết 33/NQ-CP và các quyết định, chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản có những vấn đề đã tồn tại nhiều năm không dễ một sớm, một chiều có thể giải quyết được, do đó vẫn tồn tại không ít vấn đề liên quan thị trường bất động sản.
Ưu tiên nền tảng để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản
Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách… trên nền tảng đó thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về thị trường bất động sản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN). |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát khuôn khổ pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó thúc đẩy nhanh ra đời các sàn giao dịch bất động sản; đẩy mạnh công tác quy hoạch; thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm soát; mở rộng chính sách tài khóa; kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; đẩy mạnh đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; cơ cấu lại các phân khúc và giá cả bất động sản hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.
“Căn cứ chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chủ thể khác tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo kể trên; đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tổ chức kiểm tra, tháo gỡ với từng vướng mắc cụ thể tại từng dự án", Thủ tướng chỉ đạo.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng duy trì Tổ công tác tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai và sửa các Nghị định liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tín dụng thuộc Chương trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư; các ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ người mua nhà.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản; chủ trì tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức, doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, năm 2024; kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Đồng thời, có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững; sớm hình thành quỹ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và các thông tư, nghị định về phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn; đồng thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất.
Bên cạnh đó, Bộ phải tập trung xây dựng, hoàn thiện Hệ thống Thông tin về Đất đai theo hướng thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN). |
Thủ tướng yêu cầu các địa phương thành lập, duy trì các Tổ công tác tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn; tập trung hoàn thành quy hoạch; tập huấn cho cán bộ làm công tác liên quan bất động sản; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền.
Các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở, trong đó có dự án.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội; khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp tập trung nguồn lực thỏa đáng cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có tính khả thi cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường; rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; tập trung xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... triển khai thực hiện dự án.
Các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường thông tin về thị trường bất động sản, đảm bảo khách quan, trung thực, phản ánh cả tình hình và giải pháp; khuyến cáo và hướng dẫn người dân về thị trường bất động sản.
Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra để bảo vệ, khen thưởng người làm đúng; xử lý, chấn chỉnh sai phạm. Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, tạo hành lang pháp lý khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Thủ tướng nhắc nhở, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất xử lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.