(GD&TĐ) - Tim nhỏ đi một chút, các cơ quan nội tạng di chuyển thoải mái trong cơ thể; lưỡi của chúng ta cũng kém thính nhạy trong cảm nhận vị thức ăn. Cùng với thời gian, chúng ta sẽ mất hai bàn chân - Cơ thể con người có thể có hình dáng như vậy, nếu như chúng ta buộc phải rời xa trái đất và sống ở đâu đó trong không gian vũ trụ.
“Nếu như chúng ta sống trong thế giới không trọng lượng, sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề. Cơ thể phải thích ứng với môi trường mới và các điều kiện sống mới. Nhiều vấn đề trong số đó đã xuất hiện ở các phi hành gia ngày nay, khi họ trở về trái đất”- Tiến sĩ David Green ở Trường Đại học Kings (London - Anh) giải thích.
Nhảy như chuột túi
Phần lớn các quá trình xảy ra trong cơ thể chúng ta phụ thuộc vào trọng lượng. Một ví dụ có thể là tim - tim bơm máu đi khắp cơ thể và cung cấp ô xi cho não. “Trong không gian vũ trụ, nơi trọng trường suy yếu, máu lan tỏa tự do hơn trên trái đất. Vì vậy, tim phải làm việc nặng nhọc hơn. Có thể vì lý do đó mà nó trở nên nhỏ hơn”- Tiến sĩ Green cho biết. Đây không phải là thay đổi duy nhất đối với tim. Có thể nó sẽ không còn ở cố định tại một chỗ trong cơ thể, mà thay đổi vị trí, thậm chí di chuyển tự do trong cơ thể. Các cơ quan nội tạng khác có thể cũng di chuyển như vậy.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là diện tích và khối lượng xương giảm. Nếu chúng ta ở trong vũ trụ, mỗi tháng diện tích và khối lượng xương giảm 1%. “Trên trái đất, xương tạo nên hình dạng cơ thể, giữ cho nó đứng thẳng để có thể xoay xở với trọng trường. Trong vũ trụ điều này trở nên không cần thiết” - TS Green nói.
Các đĩa đệm cột sống cũng sẽ tăng thể tích lên, khiến cho chiều cao của chúng ta tăng lên chút ít. Cột sống của chúng ta sẽ dài thêm khoảng 6 cm. Bên cạnh đó, các cơ trở nên nhỏ hơn và ít đàn hồi hơn.
Nếu như nhân loại định cư ở nơi có trọng trường tương tự như trên mặt trăng, thì chúng ta sẽ phải thay đổi cách di chuyển của mình. Chúng ta sẽ không bước đi như trên trái đất mà sẽ nhảy như chuột túi (căng gu ru). Tuy nhiên, nếu như chúng ta buộc phải di chuyển trong tình trạng không trọng lượng, thì đôi chân sẽ trở nên không cần thiết nữa. Có thể sau một thời gian nào đó, vai trò của đôi chân sẽ giảm nhiều và hai bàn chân hoàn toàn bị biến mất.
Phần não bộ chịu trách nhiệm về cảm xúc cũng thay đổi chút ít. Không gian xung quanh chúng ta được kiểm soát trước hết bởi đôi tay, vì vậy tay của chúng ta trở nên nhạy cảm hơn và sẽ có nhiều thụ quan hơn. Thức ăn của chúng ta cũng thay đổi, không còn ngon như ở trên trái đất, do đó chúng ta không cần lưỡi nhạy cảm hay răng nữa. Cơ quan vị giác hầu như sẽ không còn.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất sẽ là việc bảo vệ DNA của con người trước các bức xạ vũ trụ. Sự thay đổi trong DNA có thể gây ra nhiều đột biến gen khó lường trong các thế hệ tiếp sau.
Không thể chạy trốn trước những thay đổi
Thậm chí nếu như nhân loại không buộc phải định cư trong không gian vũ trụ thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi. “Những biến đổi khí hậu, trước hết là số lượng ô xi trong không khí cho phép con người tiến hóa và phát triển não trong suốt hàng triệu năm” - Giáo sư Damian Bailey ở Trường Đại học Glamorgan nhận xét như vậy.
Bộ não là chiếc siêu máy tính luôn cần ô xi để hoạt động. 20% lượng ô xi mà cơ thể hấp thụ được dành cho não. “Có thể trong những thế kỷ tiếp theo, não của chúng ta sẽ nhỏ đi một chút. Bản thân chúng ta cũng có thể không cần quá căng thẳng để đạt được thành công. Robot và công nghệ cao sẽ làm thay chúng ta nhiều việc và chúng ta sẽ được thoải mái nhiều hơn” - GS Damian Bailey giải thích. Tuy nhiên hậu quả tai hại có thể là sự lười vận động. GS Bailey cho biết: “Trong quá trình vận động, não của chúng ta nhận được nhiều ô xi hơn và do đó mật độ nơ ron thần kinh tăng lên. Vận động làm chúng ta thông minh hơn, giúp chúng ta sống lâu hơn và tránh xa được những căn bệnh như Alzheimer”.
Tuấn Sơn
(Theo báo nước ngoài)