Con gái đánh chiêng

GD&TĐ -  Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên việc đánh cồng chiêng từ xa xưa tới nay, đều do các đấng mày râu trong buôn làng đảm nhận. 

 Đội cồng chiêng nữ làng Leng biểu diễn
Đội cồng chiêng nữ làng Leng biểu diễn

Nhưng theo thời gian, quan niệm này cũng đã dần thay đổi khi xuất hiện đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai).

Đội chiêng nữ độc nhất vô nhị

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong buôn làng ngày càng được coi trọng. Xuất phát từ ý nghĩa đó, đội cồng chiêng nữ của các cô gái người Ba Na làng Leng được thành lập từ năm 2007.

Từ những ngày đầu chỉ mới có hơn 10 chị em tham gia, nhưng đến nay số lượng đã lên tới 45 chị em. Việc ra đời đội chiêng “có một không hai” này không chỉ cổ vũ mạnh mẽ phong trào giữ gìn di sản cồng chiêng mà còn làm cho sắc màu văn hóa địa phương thêm độc đáo.

Khi ông mặt trời đã khuất sau ngọn núi, công việc trên nương, trên rẫy đã được chị em thu xếp đâu đó, trong làng lại rộn lên những tiếng nhạc cồng chiêng. Những tiếng cồng, tiếng chiêng trầm hùng bay bổng từ xa đầu làng đã nghe rõ. 

Trong khuôn viên ngôi nhà Rông, đội cồng chiêng nữ làng Leng đã tụ tập đầy đủ đang say sưa với những bản nhạc chiêng truyền thống của người Ba Na. Những sơn nữ trong những bộ áo truyền thống của dân tộc, trên tay là những chiếc chiêng, gõ theo nhịp điệu, xung quanh dân làng vui vẻ nhảy múa.

Anh Đinh Ply - Bí thư làng Leng - người có công rất lớn vận động chị em thành lập đội chiêng nữa này tâm sự: “Các chị em trong buôn làng còn vất vả, ngày đi lên nương, tối về phải lo chu toàn việc cho gia đình. 

Ban đầu, tôi nghĩ việc vận động chị em tham gia đội chiêng sẽ gặp khó khăn nhưng thật sự rất bất ngờ trước sự hưởng ứng nhiệt tình từ người già cho đến trẻ”.

Hiện tại, đội chiêng làng Leng là đội chiêng nữ duy nhất ở tỉnh Gia Lai, là điểm sáng trong phong trào giữ gìn di sản cồng chiêng. Hiện làng có tới 5 đội chiêng với sự tham gia của các thành viên đủ mọi lứa tuổi.

Con gái Ba Na đánh chiêng không thua gì nam giới

Tiếng chiêng muốn ngân vang da diết, hùng hồn, tải được cái hơi thở của núi rừng thì phải có đủ cả gia đình chiêng (nghĩa là có đủ ba cặp chiêng gồm; cặp chiêng bố, cặp chiêng mẹ và cặp chiêng con). 

Khi tiếng trống dạo đầu vang lên thì hai chiêng mẹ bắt nhịp theo, rồi đến hai chiêng con, cuối cùng là chiêng bố. Cứ thế, âm điệu bài chiêng liên tục quay vòng từ chiêng mẹ đến chiêng con, chiêng bố rồi trở lại chiêng mẹ. Tùy theo âm điệu bài chiêng, người đánh trống sẽ đánh nhịp nhanh, chậm và cao, thấp khác nhau, rồi đội chiêng tuần tự bắt nhịp theo.

Chị Đinh Thị Dom cho biết: “Mặc dù có phân công rõ ràng người chơi chiêng mẹ, chiêng con và chiêng bố, nhưng trong đội ai cũng biết đánh tất cả các loại chiêng để có thể thay thế nhau khi cần”.

Đánh chiêng đối với nam đã khó, càng khó hơn đối với nữ, ngoài việc phải có một sức khỏe dẻo dai thì còn phải biết cảm nhận được hết cái thần thái, biểu cảm của từng nhịp chiêng, vì đó là vẻ đẹp tâm hồn người Ba Na. 

“Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. Khi tập thuần thục được bài nhạc chiêng đầu tiên, nhiều chị em trở nên mê chiêng hơn, siêng tập luyện hơn” - Đinh Thị Khom thành viên đội chiêng cho biết thêm.

Hằng ngày, các chị em vẫn đi làm rẫy bình thường, tối đến mọi người tập trung về ngôi nhà Rông của làng tập luyện. Cánh đàn ông trong buôn luôn tạo mọi điều kiện cho chị em có thời gian đi tập và biểu diễn. Trong các sự kiện của Buôn làng như lễ bỏ mã, lễ cúng lúa mới… các chị em đều gác lại công việc của gia đình để tham gia cùng đội chiêng.

Sau một thời gian chăm chỉ tập luyện, giờ đây các thiếu nữ của làng Leng đã có thể biểu diễn thành thạo các bài chiêng: Mừng lúa mới, Ơn Đảng ơn Bác Hồ... và đánh nhịp nhàng tất cả các bài hát truyền thống. 

Đội chiêng của làng đã được mời trình diễn ở nhiều nơi, nhiều sự kiện như: Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai năm 2009, khai trương làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội năm 2010, lễ khánh thành công trình “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” năm 2012…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.