Còn đâu vồ Thiên Tuế?

Còn đâu vồ Thiên Tuế?

(GD&TĐ) - Áp lực di dân, nhu cầu bạt rừng lấy đất sản xuất, xây dựng nhà cửa và thú chơi cây rừng thời thượng của người dân thành phố đã biến vùng sơn linh cẩm tú trở thành bình địa. Trên đỉnh non cao thuộc sơn phận ấp Thiên Tuế (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang) từng một thời nức tiếng với rừng cây thiên tuế bạt ngàn ngày nào, nay chỉ còn những vạt núi đá trơ trọi…

Chỉ còn trong hoài niệm

Cao 760m so với mực nước biển, không chỉ là “anh cả” về độ cao, bề dày lịch sử, sắc màu huyền thoại của 7 ngọn núi cấu thành hệ thống Thất Sơn hùng vĩ, núi Cấm còn nức tiếng với hệ thống vồ đá bí hiểm như vồ Bồ Hong, vồ Cây Quế, vồ Pháo Binh, vồ Đá Dựng, vồ Chư Thần… và vồ Thiên Tuế. Theo lí giải của nhà văn Nguyễn Văn Hầu trong tác phẩm Nửa tháng trong miền Thất Sơn, vồ là nơi các tảng đá nhô ra trên đỉnh núi cao. Tên gọi của các vồ đá bắt nguồn từ hình dáng đặc biệt của vồ đá hay có sự cư trú đông đúc của các sinh vật. Như vồ Đá Dựng (tập trung hàng trăm phiến đá dựng đứng), vồ Bồ Hong (vì có nhiều côn trùng bồ hong sinh sống)… Không ít người suy luận, gọi vồ Thiên Tuế vì vồ đá này từng là nơi vua Gia Long đặt long sàng, bởi vạn tuế, thiên tuế là cách xưng hô của quần thần dành cho các đấng quân vương. Sự thực, tên gọi vồ Thiên Tuế bắt nguồn từ việc trên vồ đá này từng có sự tồn tại của cánh rừng thiên tuế cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Vồ thiên tuế thuở xưa
Vồ thiên tuế thuở xưa

Sau lí giải trên, dù ở tuổi 96 nhưng lương y Ba Lưới (Trưởng ban Ban quản tự chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm) vẫn đủ minh mẫn để nhớ lại thuở vàng son của vồ Thiên Tuế: “Trên vồ nhìn đâu cũng thấy thiên tuế trải ngút tầm mắt. Hồi đó khu rừng này um tùm đến độ chẳng ai dám mạo hiểm lội vào đó một mình vì sợ thú dữ, rắn độc”. Giữa lưng chừng núi, đang tu hành tại điện Cửu Huyền Thất Tổ, cụ Nguyễn Hoàng Thuận, nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 330, nuối tiếc khi nói về sự hiện diện của rừng cây thiên tuế ở vồ đá Thiên Tuế: “Ngày trước um tùm bao nhiêu thì giờ trống hươ trống hoác bấy nhiêu. Hồi đó, thiên tuế cây nào cây nấy cũng cao trên 3m, nhiều thân bằng vòng ôm của 2 người, số cây có tuổi đời trên trăm năm không kể xiết. Không khí trên vồ lúc nào cũng tươi mát, ẩm ướt do tán cây che phủ, chứ không oi nồng như bây giờ”. Cụ chép miệng: “Mấy năm gần đây, rừng thiên tuế bị chặt trụi, không bị các tán lá che chắn nên ánh mặt trời tha hồ quơ quét, nung nóng vồ núi này!”.

“Sơn thần” cũng bó tay

Đi giữa rừng cây từng một thời um tùm đến độ khe nắng mặt trời không lọt nổi nay ngập nắng mà thấy thương cho tên gọi “vồ thiên tuế” vô ngần. Tại ấp An Hảo, xã An Hảo - huyện Tịnh Biên, một lão nông tên Mười trăn trở: “Để cây thiên tuế đạt đến độ cao trên 2m, đất trời phải mất hơn chục thập niên vun bón từng gốc. Nhưng sự hủy diệt của con người thì chỉ trong một sớm một chiều. Khoảng năm 1980, dù bị di chứng của chiến tranh để lại nhưng rừng thiên tuế trên vồ cũng còn kha khá. Đến năm 1990, lác đác mới thấy một nhúm vài ba cây. Những năm sau đó, thi thoảng mới có cơ hội bắt gặp vài cây be bé”.

Theo cụ Mười thì rừng thiên tuế trụi lủi vì nhiều lí do. Lúc đầu là do áp lực gia tăng dân số, người ngày một đông, trong khi đất thì không sinh sôi được, để có đất canh tác, vậy là người ta san bạt núi rừng. Rồi du lịch bùng nổ, khách đổ đến núi Cấm đông nghẹt, nắm bắt nhu cầu lưu trú qua đêm của khách hành hương nên cư dân bản địa bạt rừng xây quán trọ, lán trại dã chiến để kinh doanh. Đã vậy khách khi rời núi ai cũng hân hoan với tay xách nách mang những tàu lá thiên tuế với niềm tin “lộc chư thần ban”. Đó là lí do mà chỉ trong thời gian ngắn, rừng tàn lụi thảm hại.

Thú chơi thiên tuế kiểng, mà phải là thiên tuế có nguồn gốc từ Thiên Cẩm Sơn, đặc biệt là thiên tuế trên vồ Thiên Tuế của những đại gia người thành phố nặng niềm tin quái gở cũng làm khổ vồ Thiên Tuế. Sau tâm tình “từng có thời gian làm kiểm lâm ở núi Cấm”, anh Lý Văn Tâm - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm núi Tô, cho biết, thiên tuế là loài cây trường tồn với thời gian vì có thể sống đến ngàn năm (thiên = 1.000), lại sinh trưởng ở nơi sơn linh bất tận, nhiều người nghĩ nếu đem trồng ở vườn nhà sẽ được tích tụ dương khí, gia đình thịnh vượng nên mấy người nhà giàu đâu có tiếc tiền. Bởi vậy nên bất kể lớn bé, thiên tuế trên vồ liên tục bị các tay phường săn bứng gốc cho dời núi”.

Thiên tuế xuống phố
Thiên tuế xuống phố

Theo các vị cao niên, ngày trước mỗi khi vượt núi, thợ sơn tràng phải đi thành từng nhóm 5 - 7 người, tuyệt đối kiêng chuyện văng tục, phóng uế bừa bãi hoặc tác động mạnh vào rừng, bởi ai cũng quan niệm núi Cấm là nơi các vị thần cư ngụ. “Đó là chuyện của quá khứ rồi các em ơi. Thần thánh giờ cũng bất lực trước lòng tham của con người. Rừng thiên tuế trên vồ tàn lụi còn có sự ‘đóng góp’ bằng hành vi xâm hại của đám thợ săn rắn, thợ săn côn trùng. Để bắt rắn, nhện, bửa cùi, họ không ngần ngại moi bật gốc, quần nát cả mảng rừng” - ông Trần Văn, nhà ở lưng chừng núi trò chuyện.

Cứu nguy khi còn chưa muộn

Không chỉ đi vào huyền thoại Thiên Cẩm Sơn với loài cây có tên gọi ngàn năm, vồ Thiên Tuế cũng từng là mái nhà cư trú của nhiều loài chim thú quý hiếm như hồng hoàng, trút (tê tê), các loài bò sát, côn trùng quý như rắn độc các loại, bọ cạp, ngô công (rít)… Mái nhà cư trú bị san bằng thì hình bóng của các loài này cũng mất dạng. “Đó là mất mát lớn không biết khi nào mới trở lại trên đỉnh núi này” - lương y Ba Lưới buồn giọng.

Những cư dân núi Cấm mà chúng tôi gặp trong quá trình điền dã ai cũng đau đáu trước cảnh hồn xưa phai dấu trên vồ Thiên Tuế. “Gọi là vồ Thiên Tuế mà chẳng thấy mống cây nào qua thấy xót làm sao ấy. Thi thoảng nhớ cảnh núi rừng hoang vu trước kia, qua có rảo khắp vồ và thấy có những cây con nhú lên. Nếu được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt thì qua tin, vồ Thiên Tuế sẽ lại xanh um như thuở trước” - ông Mười tâm sự.

Theo nhà thực vật học Võ Văn Chi, thiên tuế có tên khoa học là Cycas Revoluta -Thunb. Đây là loại cây rất khó ra hoa và để ra hoa được, thường phải có sự tác động nào đó về khí hậu, thời tiết, dinh dưỡng… Tuổi thọ của loại hoa thường kéo dài khoảng hai tháng.

Ngoài việc trồng làm cảnh, thiên tuế còn được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền.

  Phúc Trinh – Hải Âu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ