Mẹ chồng chiều tôi hết mực, việc gì bà cũng tranh "để mẹ làm", nhưng là con dâu, tôi không thể ngồi nhìn mẹ chồng tất bật trong bếp. Tôi thẳng thắn đề nghị: "Mẹ cứ coi con như con gái mẹ, sai bảo con thoải mái, cái gì con làm chưa đúng, mẹ cứ góp ý, thậm chí mắng con cũng được mẹ ạ, như thế con mới thấy vui".
Chẳng biết có phải vì sau này mẹ chồng đã thực sự coi tôi là con gái hay không mà bà bắt đầu tỏ thái độ "bất thường".
Một hôm chồng tôi kêu mệt nên nghỉ làm, mẹ chồng tôi sốt ruột, chạy ra chạy vào phòng riêng của hai vợ chồng, miệng không ngừng mắng: "Đêm ngủ mà để cửa sổ mở thế này à? Muốn sống thì đóng vào ngay". Tôi vội vàng đóng cửa, mẹ chồng vẫn không ngừng bắt lỗi: "Nó đang bị ho, con phải lấy áo cao cổ cho nó mặc chứ, giời ơi, biết chồng ho mà sáng nay còn mua phở gà về cho nó ăn, đoảng quá đi mất...".
Nghe mẹ chồng trách, tôi ngậm miệng như hến, không cãi lại câu nào, dù sao những điều bà nói cũng không sai. Hôm đó tôi vẫn phải đi làm, nhưng cứ 5-10 phút tôi lại nhắn tin hỏi chồng: "Anh có mệt không, còn ho nhiều không?". Chồng tôi nhắn: "Đến em cũng coi anh là trẻ con hả? Anh không sao đâu".
Chiều tối tôi về nhà, hỏi mẹ chồng: "Mẹ ơi, anh ấy đỡ ho chưa ạ?". Bà lắc đầu, nhăn mặt: "Đỡ cái gì! Ho như cuốc kêu". Tôi cuống cuồng chạy vào xem chồng thế nào, anh bảo: "Anh chẳng làm sao cả, hết ốm rồi".
Đêm đó anh cũng không ho tiếng nào, thế mà sáng hôm sau thấy anh sách cặp đi làm, mẹ chồng tôi lại rít lên: "Chưa khỏe đã đi làm, rồi lại ho thốc ruột thốc gan cho mà xem". Tôi bắt đầu khó chịu với những điều mẹ chồng nói, chuyện không có gì mà lúc nào bà cũng quan trọng hóa vấn đề, khiến người nghe vừa sốt ruột vừa bực mình.
Càng ngày, tính khí mẹ chồng tôi càng bất thường. Những món tôi nghiên cứu trên mạng rồi kỳ công nấu, bà nhòm qua rồi bĩu môi: "Sao chúng mày cứ thích ăn vớ ăn vẩn thế nhỉ? Cơm nóng, cá kho thì không chịu ăn. Cứ ăn những thứ này vào rồi yếu người đi chứ bổ béo gì".
Tôi nghĩ mẹ chồng chỉ thích "dìm hàng" và quan trọng hóa vấn đề nên ra sức thuyết phục bà ăn món tôi nấu, bà dứt khoát: "Chúng mày ăn đi, ta ăn cơm chan với nhộng rang cho lành". Bà nói thế tôi đành "đầu hàng". Trong lúc chồng tôi hào hứng thưởng thức món tôi nấu thì bà không ngừng xen vào: "Toàn ăn cái độc hại".
Những thứ tôi mua từ siêu thị về, bà chê ỏng chê eo: "Toàn đồ rởm, mua làm gì, phí cả tiền!". Tôi tỉ mỉ giải thích: "Mẹ ơi, mẹ xem này, đồ con mua có tem chống hàng giả hẳn hơn, mới cả đang có chương trình khuyến mãi, mua một túi bánh được tặng một đĩa thủy tinh đẹp lắm".
Mẹ chồng tôi lại tỏ ra cái gì bà cũng biết: "Chúng mày ngốc lắm, đấy là chiêu bán hàng của chúng nó, toàn đồ cũ, ế, kém chất lượng, không bán được nên nó mới tặng chúng mày đấy". Tôi nản, không nói gì nữa, tiếp tục áp dụng chiêu câm như hến cho yên cửa yên nhà.
Thế nhưng sáng hôm sau tôi vô cùng "choáng" khi thấy mẹ chồng tha một đống bánh từ siêu thị về, tôi đếm sơ sơ cũng phải 10 túi, đồng nghĩa với việc kệ bát đũa nhà tôi có thêm 10 cái đĩa thủy tinh khuyến mãi.
10 gói bánh giống hệt nhau mà bà phải đeo kính rồi cẩn thận xem xét, đọc hết cả thông tin trên từng bao bì, thi thoảng bà lại cười sung sướng: "Chúng mày nghe nhá, đây là loại bánh thực dưỡng hẳn hoi, rất tốt cho sức khỏe...".
Tôi đến gần bà, nói: "Sao mẹ mua nhiều thế ạ? Hôm qua con mua 2 túi rồi mà". Bà buông kính, mắng tôi xa xả: "Chẳng biết gì! Ta nói rồi, cái chúng mày mua là đồ rởm, cái này ta mua ở siêu thị hẳn hoi". Tôi giải thích: "Chúng con cũng mua ở siêu thị gần nhà mình mà". Bà quắc mắt nhìn tôi: "Không biết gì mà cứ giỏi cãi".
Sau này tôi ngộ ra một điều, tất cả những gì tôi mua hay những gì tôi làm đều là "đồ rởm, đồ độc hại" trong mắt mẹ chồng.
Ngược lại, những thứ bà mua, những gì bà làm đều tốt và bổ. Nếu cứ tiếp tục ở nhà chồng thì tôi sẽ chẳng bao giờ được ăn những món mình thèm, được xài những thứ mình thích.