Coi chừng “sập” đảo!

Coi chừng “sập” đảo!

Vì chỉ trong 6 năm, số giếng nước dùng để tưới cho cây trồng trên đảo từ 546 giếng (năm 2014) lên 2.150 giếng (năm 2020). Quả là con số “kinh hoàng”! Mới đây, chính quyền huyện đảo này đã tiến hành “truy quét” và xử phạt những nông dân lén lút khoan giếng ngoài đồng để tưới các loại cây trồng trong mùa khô này. Tuy nhiên, tình trạng khoan giếng vô tội vạ vẫn cứ diễn ra tại Lý Sơn.

Việc tăng số giếng nước trong khi diện tích cây trồng vẫn là 300 hecta nói lên điều gì? Đấy là nguồn nước ngầm của hòn đảo này đã cạn kiệt. Lý Sơn được hình thành bởi 5 ngọn núi lửa, diện tích quá nhỏ bé, không có sông suối nên hầu như nguồn nước ngầm rất ít ỏi. Để tích nước cho đảo, chính quyền địa phương đã biến miệng núi lửa Thới Lới thành hồ chứa nước. Tuy nhiên, hồ nước này luôn cạn đáy vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa.

Tỏi là cây chủ lực trên đảo với khoảng 300 hecta, song loại cây này bắt đầu trồng vào tháng 9 và thu hoạch sau Tết âm lịch, gần như nằm trọn trong mùa mưa nên việc tưới nước cho tỏi không nhiều như tưới cho cây bắp và cây hành vào mùa hè. Khi mùa khô đến, bắt đầu từ sau Tết âm lịch cho đến tháng 6 - 7, trên các cánh đồng của Lý Sơn, đi đâu cũng thấy cảnh tưới nước. Trước đây khi chưa có điện phải dùng máy nổ nên các giếng nước ở Lý Sơn không nhiều, kể từ ngày điện lưới quốc gia có mặt trên đảo, việc khoan một giếng nước rồi kéo điện ra đồng để gắn mô tơ bơm nước lên là quá dễ dàng nên giếng xuất hiện dày đặc là vì vậy.

Trước nguy cơ nước mặn xâm nhập sâu trong đảo ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chính quyền huyện này đã cấm khoan giếng để tưới cho cây trồng. Lý thuyết là vậy, song sẽ rất khó thực hiện vì nếu không trồng bắp và hành thì người nông dân sẽ sống bằng gì? Không phải ai cũng có tàu để đi đánh cá, không phải ai cũng biết kinh doanh dịch vụ - du lịch. Những ngành nghề này đòi hỏi vốn lớn mà đa số nông dân Lý Sơn thì nghèo và không có chuyên môn để làm việc đó.

Những năm qua, du khách thăm đảo Lý Sơn ngày một đông, các dịch vụ ăn uống phát triển, các nhà nghỉ, khách sạn mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên, người dân vẫn phải duy trì các loại cây trồng ngay trong mùa khô hạn nên việc khai thác nước ngầm để tưới là điều khó tránh khỏi.

Cũng đã có ý kiến cho rằng, Lý Sơn chỉ nên duy trì một số diện tích tỏi, hành nhất định nhưng phải là “nông sản sạch” để phục vụ khách du lịch, sớm chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu vào canh tác, đồng thời hạn chế sử dụng nước ngầm để tưới cây trồng. Nhiều người đồng tình với đề đạt này, song tìm giải pháp căn cơ để thay đổi một tập quán canh tác lâu đời là điều không dễ. Nhưng dù sao thì chính quyền huyện Lý Sơn cũng cần phải giải bài toán chuyển đổi ngành nghề sớm nếu không muốn hòn đảo này “sập” vì khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.