Có truy được đến cùng?

GD&TĐ - Hết chuyện lừa học sinh cấp cứu, giờ đến thông báo nợ tiền hàng. Không biết bọn ma cô sẽ chuyển sang trò gì nữa với các em 'đầu xanh tuổi trẻ' đây?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, tại một trường THCS ở Hà Nội, cả phụ huynh lẫn học sinh đều cảm thấy bất an trước thông tin có cuộc gọi từ số máy lạ, báo cho phụ huynh rằng phải nộp tiền gấp vào một tài khoản - do người gọi điện cung cấp - với lý do là con của họ đang nợ tiền hàng.

Cái gọi là “tiền hàng” ấy gồm đủ thứ từ ăn quà vặt đến mua sắm linh tinh… Dĩ nhiên, sau cuộc gọi ấy là lời đe dọa, nếu như phụ huynh không chuyển tiền sớm, con em của họ sẽ “không yên”.

Việc nợ hàng quán hoặc mua hàng linh tinh gì đấy mà các em thích là chuyện rất dễ xảy ra đối với học sinh ở lứa tuổi này. Xin cha mẹ để mua những thứ “không trực tiếp phục vụ cho việc học tập” thì ắt sẽ khó khăn, thôi thì ta … ký nợ vậy. Đó là chuyện mà không ít học sinh “kém ngoan” một chút dễ mắc phải.

Về phía cha mẹ, biết tật con mình hay “vượt rào” trong việc học cũng như trong sinh hoạt, khi nghe cuộc gọi đích danh đứa con, lại kèm theo chuyện nợ nần của nó thì vừa bực bội nhưng lại vừa muốn “giải quyết nhanh”, tức là chuyển tiền sớm cho xong chuyện.

Điều đáng lưu ý ở đây là, bọn bất lương này không đưa ra một số tiền quá nhiều mà dừng ở tầm dăm ba triệu đồng vì quà vặt với tiền mua linh tinh không thể nhiều hơn. Chúng đánh vào tâm lý hay nghi ngờ của phụ huynh bằng số tiền “có thể chấp nhận được” như thế nên nhiều vị mắc bẫy thì cũng không có gì lạ cả.

Điều lạ trong câu chuyện này là, tại sao bọn bất lương kia lại biết khá rõ số điện thoại của từng phụ huynh và biết luôn hoàn cảnh kinh tế của gia đình, thậm chí tâm lý chiều chuộng con của họ nữa?

Hiện nay, các trường đều có danh sách từng học sinh, số điện thoại của phụ huynh mỗi em, biết cả “vị trí công việc” của cha mẹ các em. Danh sách này được giáo viên chủ nhiệm cung cấp.

Chỉ có giáo viên chủ nhiệm hoặc từng học sinh mới truy cập được những thông tin liên quan đến mình như điểm số, hạnh kiểm, khen thưởng, kỷ luật… Mỗi em chỉ có thể biết phần của mình chứ không thể biết tất cả.

Quản trị mạng hoặc giáo viên chủ nhiệm mới biết thông tin của từng em trong lớp. Vậy vì sao những thông tin về số điện thoại, tên cha mẹ, hoàn cảnh gia đình lại lọt đến tay bọn ma cô?

Có lẽ ngành chức năng cũng cần quyết liệt trong việc truy đến tận cùng câu chuyện này. Trong việc này, nhà mạng cũng có lỗi, “nhà” ngân hàng cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Bởi vì, khi đăng ký mở tài khoản thì toàn bộ thông tin của chủ tài khoản phải chính xác tuyệt đối mới cho mở. Ngân hàng không thể nói “không biết” danh tính hoặc “không thể cung cấp thông tin” về chủ nhân của các tài khoản nhận tiền lừa đảo đó.

Hết chuyện lừa học sinh cấp cứu, giờ đến thông báo nợ tiền hàng. Không biết bọn ma cô sẽ chuyển sang trò gì nữa với các em “đầu xanh tuổi trẻ” này đây?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ