Cô Trang “ròm” ship bài vào làng Tốt

GD&TĐ - 12 năm dạy học ở Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), cô Nguyễn Thị Trang đã phải thay 3 chiếc xe máy. Ngã xe lấm lem bùn đất, điện thoại bị rớt lúc nào, cô Trang cũng không hay.

Gặp được HS là tranh thủ hướng dẫn, giao bài tập ngay.
Gặp được HS là tranh thủ hướng dẫn, giao bài tập ngay.

Nhiều hôm xe hỏng, cô đành phải để lại dọc đường rồi đi bộ vào làng để dạy. Dáng người bé nhỏ, chỉ nặng 37kg, cô Trang “ròm” còn có thêm biệt danh cô giáo “siêu nhân”. 

Xấu như đường vào làng Tốt

Sau khai giảng năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HS Trường Tiểu học - THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Không có điện thoại thông minh, chất lượng mạng chập chờn, những HS là con em đồng bào Hrê ở làng Tốt của cô giáo Nguyễn Thị Trang chỉ có thể học trực tiếp. Làng Tốt cách trung tâm xã Ba Lế 12km. Để HS không bị chậm bài vở, đầu tuần, cô giáo Trang vào làng, đến tận nhà HS để giảng bài rồi giao bài tập. Đến cuối tuần lại làm một vòng đến các thôn vùng xanh để kiểm tra bài vở của các em.

Con đường vào làng Tốt được ví là chỉ dành cho vận động viên đua xe địa hình, được mở rộng từ một lối mòn khá nhỏ với nhiều con dốc dựng đứng. Chỉ một trận mưa là trở nên lầy lội với bùn đất đỏ quạch. Kể về những tấm ảnh “tắm bùn” trên đường đi “ship” bài cho HS, cô Trang hài hước: “Cô lên tới nơi được hả, chân cô ngắn mà sao tới hay thế. Eo ơi, Ròm nở cái lỗ mũi to ơi là to, định nói “Cô tay lái lụa mà”.

Nghĩ khiêm tốn xí nên không có nói, đáp lại bằng nụ cười thật tươi. Hên là chưa nói tay lái lụa, chứ hông thấy cái cảnh này quê chết đi mất. Cung đường  mang tên làng Tốt nhưng nó không giống cái tên xí nào cả. Mấy em ơi, có thương cô Ròm thì hoàn thành giúp cô mấy cái nội dung cô giao nhé” – cô Trang “ròm” nhớ lại những ngày tháng của một năm học đặc biệt.

Đi xe máy vào được đến làng Tốt, theo như cô Trang, đã là quá hạnh phúc so với nhiều năm trước, chỉ có thể lội bộ vào làng. Thế nên, khi HS không thể đến trường học trực tiếp vì yêu cầu phòng, chống dịch, cô tìm đến với các em. Nhưng không phải cứ vào đến làng là gặp được học trò.

Có những em thấy bóng cô từ xa là đã đi trốn. Giáo viên phải tìm học sinh để giảng bài, rồi đợi phụ huynh về để giao bài mới. Cứ lần lượt từng nhà như thế. Có những ngày dạy học ở bản của cô Trang kéo dài 14 giờ đồng hồ. Cô giáo xác định, thà mình chịu vất vả để HS tiếp thu được bài, không nản, không bỏ học. Vận động HS ra lớp đã khó, giữ HS theo học còn khó hơn.

2 năm dạy học ở xã vùng cao Ba Lế, những sự cố như té xe, tắm bùn, theo như cô Trang là chuyện quá đỗi bình thường của những thầy cô giáo vùng cao. “Hồi năm 2010, mới vào nghề, đâu có nhiều tiền mà cũng không vay mượn được, mình mua cái xe máy Trung Quốc. Có lần ngã xe, điện thoại rơi lúc nào không hay. Cả tuần đó gia đình liên lạc hoài không được nên lo sốt vó. Hôm nào xe hỏng đành bỏ đó rồi đi bộ cho lớp khỏi trống giáo viên. Hên thì gặp người đi đường, họ biết sửa thì còn giúp, không thì đành kêu thợ dưới trung tâm lên” – cô Trang kể.

Sau những đoạn đường lầy lội, trơn trượt và nhiều dốc dựng đứng, phải lội qua con suối này, cô Trang mới vào được làng Tốt để dạy cho HS trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Sau những đoạn đường lầy lội, trơn trượt và nhiều dốc dựng đứng, phải lội qua con suối này, cô Trang mới vào được làng Tốt để dạy cho HS trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. 

Định nghĩa lại thành công

Trượt té, đi sớm về muộn, lội bộ hàng giờ đồng hồ, nhưng theo như cô Nguyễn Thị Trang, đổi lại, cô nhận được những niềm vui mà giáo viên miền xuôi không dễ gì có được. Có phụ huynh đón cô ngay từ đầu làng: “Cô ơi, vô xem cái quyển vở con em làm đúng hay sai, chỉ giúp em với, em hổng chỉ được”. Phụ huynh khác nhiệt tình mời: “Cô ơi, cầm lon bò húc uống cho khỏe. Nay cô không uống là chị giận á. Mời liên tếp mấy bữa mà cô cứ từ chối”.

Thế là cô giáo đành nhận. Lòng thầm biết ơn phụ huynh vô cùng vì nói thiệt là cũng đang buồn ngủ. Chưa kịp đứng dậy thì điện thoại reo: “Cô ơi, cô đang ở đâu đó. Em hỏi xí, em mới mua cái điện thoại, cô xem có học được không, lên chỉ em với. Em đăng ký cho con em học trên cái điện thoại”.

Cô giáo mừng quá, xách ba lô chạy nhanh tới cho kịp chứ không là phụ huynh lại lên rừng trồng keo thì... tiêu. Cũng có phụ huynh nói nhỏ: “Con em học vậy buồn quá, có một mình à. Mà có khi muốn hỏi cô liền mà không được. Hay cô vô nhà em, kêu mấy đứa nhỏ tới, em đóng cửa cô dạy trong đó, em canh cửa cho”. Cô Trang cười vui: “Làm giáo viên vùng núi là vui vậy đó”.

Lớp 5 do cô Trang chủ nhiệm chỉ có 6 HS ở làng Tốt. Sau khi giảng bài cho từng HS, cô Tổ trưởng Tổ Tiểu học của Trường Tiểu học – THCS Ba Lế lại đi một vòng quanh làng. Vừa kiểm tra bài tập, giảng lại những bài học trò các lớp khác chưa hiểu. “Đằng nào mình cũng đã đi vào làng, cũng là HS của mình cả, các em hỏi gì mình đều hướng dẫn tận tình. Đó là trách nhiệm của một giáo viên. Ai ở vị trí của mình cũng đều làm như thế cả”. Vậy nên, có những chuyến “ship” bài, đến tối mờ mịt cô giáo mới trở về nhà.

Cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ rằng, đối với người khác, có thể “thành công” là một cái gì đó to lớn hay cao sang lắm: “Với mình thì đơn giản hơn. Chỉ cần thấy tụi nhỏ hợp tác, biết bản thân phải thực hiện nhiệm vụ. Có cái màu chữ tim tím, xanh xanh trong trang vở nộp cho cô là đã “thành công” và vui lắm rồi. Còn chuyện trong những nét chữ ấy thể hiện đúng hay sai nội dung cô giao thì cô Ròm sẽ tính sau”.

Vậy nên, dù theo như lịch phân công, mỗi tuần chỉ phải trực hướng dẫn cho HS nội trú tự học, nhưng cô Trang luôn cố gắng sắp xếp việc nhà để có thể ở lại với HS nhiều hơn. “HS nắm chắc kiến thức thì sẽ không sợ học, không nghĩ đến chuyện nghỉ học, thầy cô giáo vì vậy cũng đỡ vất vả hơn” – cô Trang giải thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.