Cô giáo cắm bản: “Canh cánh” cuộc gọi lúc nửa đêm

GD&TĐ -Mỗi khi chuông điện thoại reo bất chợt lúc nửa đêm, cô Huyền giật mình thon thót vì sợ ở nhà có chuyện chẳng lành. Buổi “đội mưa”, băng rừng đưa con lên viện lúc nửa đêm khi đứa bé đã tím lịm nằm đó cứ ám ảnh mãi…

Học sinh lớp cô Huyền trong buổi tựu trường.
Học sinh lớp cô Huyền trong buổi tựu trường.

“Về thôi con ơi!”…

Cô Lò Thị Huyền (SN 1988), sinh ra và lớn lên tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Từ nhỏ, cô đã có ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2010, cầm tấm bằng tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Hải Dương trên tay, cô về nhận công tác tại Trường Tiểu học Chiềng Nơi (xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và thực hiện ước mơ từ đó.

Ngày đầu lên nhận công tác, cả nhà hồi hộp dậy từ rất sớm để tiễn cô lên trường. Bố cô lo lắng không kém, ông quyết đưa con lên bản để động viên, song mục đích chính là thăm môi trường mới mà con gái sắp “dấn thân”. Nhà cô Huyền cách điểm trường trung tâm có hơn 30km, thế mà đi mất nửa ngày mới tới. Hôm đó trời mưa như trút, đường trơn trượt khó đi. Hai bố con đẩy xe là chính bởi ở cung đường nhầy nhụa, dốc cao, không thể đi được.

Thời điểm đó, Chiềng Nơi gần như biệt lập bởi cái gì cũng không: Không đường, không điện, không nước sinh hoạt... Dân bản thì sống thưa thớt, nhà cách nhà cả mấy quả đồi. Thế nên, lần đầu đến mảnh đất này, bố cô đã rủ con “quay đầu”.

“Vào đến nơi thấy ở đây khó khăn, vất vả quá, bố tôi còn bảo: “Thôi đừng dạy ở đây nữa, con xin về gần nhà đi”. Biết là bố nói thế để động viên. Nghe xong tôi cũng rơm rớm nước mắt. Nhưng khi đã quyết định rồi thì tôi vẫn ở lại”, cô Huyền kể.

Phải mãi đến hai tháng sau đó, cô Huyền mới dám “độc hành” trên “con chiến mã” (xe máy) để chinh phục con đường hiểm trở. Hôm ấy, trời cũng lại đổ mưa to. Cô đánh vật với chiếc xe máy và cung đường bùn đất suốt 10 tiếng đồng hồ mới có mặt ở trường.

“Mưa trơn không thể đi nổi. Tôi thì lại là tay lái mới. Cả chặng đường hầu như là dắt bộ. Mà dắt đi còn khó nhọc. Hôm ấy, tôi vừa đi vừa khóc. Rời nhà lúc 7 giờ sáng mà phải 17 giờ chiều mới có mặt ở trường. Nghĩ lại vẫn thấy sợ!”, cô Huyền nhớ lại.

Cô giáo Lò Thị Huyền – giáo viên Trường Tiểu học Chiềng Nơi.
Cô giáo Lò Thị Huyền – giáo viên Trường Tiểu học Chiềng Nơi.

“Nuốt lệ” lên trường…

Suốt hơn 10 năm công tác, ở đâu trong xã có điểm trường lẻ thì ở đó có dấu chân cô. Những vết sẹo trên cơ thể cô cứ thế mà nhiều lên sau mỗi lần cả xe và người đổ, ngã. Chính cô cũng chẳng còn nhớ số lần “đo đường” trong suốt hành trình gian nan ấy.

“Còn nhớ, khi ấy tôi mới vào bản Thẳm. Lần nào đi qua một cây cầu tre nhỏ bắc qua suối tôi cũng lo âu. Tay lái mình thì yếu. Có lần đi qua thân tre ướt nên bị trơn, cả người và xe rơi xuống suối. Xe đè lên người, không thể dậy được. Đợi mãi mới có người đi qua rồi nhờ họ dựng dậy. Người thì ướt hết, chân bị sưng tím, tay tôi phải vào viện khâu mấy mũi. Xe thì cũng hỏng hết”, cô Huyền kể tiếp.

Năm 2014, cô Huyền kết hôn với anh Tòng Văn Đoán. Sau đó không lâu, hai vợ chồng đón nhận tin vui khi cô Huyền sinh được con trai đầu lòng kháu khỉnh, khôi ngô. Hai vợ chồng quyết định đặt tên là Hải Đăng với mong muốn con sẽ được mạnh mẽ trước phong ba của cuộc đời. Đăng sinh ra vốn không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Cháu bị sứt môi, hở hàm ếch, sức khỏe lại không được tốt.

Nhà thêm nhân khẩu là thêm vui. Song, cô Huyền cũng tăng thêm áp lực về kinh tế. Tất cả sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy vào đồng lương ít ỏi của cô. Chồng thì chưa có việc làm, nên anh quay vào lo chuyện đồng áng. Con thì nhỏ. Hai vợ chồng lại đang phụng dưỡng cụ già 90 tuổi.

Sau khi cai sữa, Hải Đăng ở nhà với bố, còn mẹ lên trường dạy học và ở lại đó. Thế nên, cô Huyền rất “sợ” những cuộc điện thoại bất chợt từ phía gia đình gọi lên lúc nửa đêm.

“Tôi sợ những cuộc gọi lúc nửa đêm lắm! Mỗi lần như thế thì y rằng gia đình lại có chuyện”, cô Huyền tâm sự.

“Có lần chồng tôi gọi báo tin con bị đau bụng, uống thuốc mãi không khỏi. Nghe vậy, tôi vội vã thu dọn đồ rồi về nhà. Trời vừa tối, vừa mưa. Nếu đi ra đến trung tâm y tế huyện thì xa quá, đành phải đi sang cấp cứu nhờ bên Trung tâm Y tế huyện Sông Ma (huyện giáp ranh). Ba người đội mưa đi khỏi nhà lúc 19 giờ tối. Vượt qua 40km đường nhầy nhụa, khi đến viện thì đã nửa đêm. Lúc ấy, cháu đã tím tái cả lên rồi. Suốt chặng đường, thương con tôi chỉ biết ôm cháu rồi khóc”, cô Huyền rơm rớm nước mắt.

Vừa rồi, may mắn đã mỉm cười khi Hải Đăng tham gia chương trình phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí. Tiến trình điều trị chưa xong thì dịch bệnh lại bùng phát nên phải hoãn lại. Lúc này, vợ chồng cô cũng đang “xoay xở” tiền bạc để lại tiếp tục đợi đợt điều trị, để sớm nhìn thấy nụ cười tròn trịa trên đôi môi của Hải Đăng.

“Cháu còn 2 lần phẫu thuật nữa, dù được chi trả viện phí nhưng chi phí ăn ở, đi lại cũng là cả vấn đề. Lần trước phẫu thuật ở Hà Nội, có một tuần mà tiêu tốn hơn 10 triệu đồng. Những đợt tới, vẫn chưa biết lấy tiền đâu ra để mà đi. Biết vậy song cũng phải cố gắng đưa cháu đi thôi!”, cô Huyền nghẹn ngào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ