“Cô giáo cắm bản”: Lấy cảm hứng sáng tác từ ký ức ở non cao

GD&TĐ - Ca khúc “Cô giáo cắm bản” của nhạc sĩ Tống Đức Cửu được viết lên bởi những kí ức đẹp. 

Thầy giáo, nhạc sĩ Tống Đức Cửu (thứ 2 bên phải) trong một chương trình truyền hình
Thầy giáo, nhạc sĩ Tống Đức Cửu (thứ 2 bên phải) trong một chương trình truyền hình

Với tiết tấu vui nhộn, bài hát đã tái hiện lại quãng thời gian vất vả, gian lao khi thầy còn gắn bó với trò nghèo vùng cao.

Ký ức đẹp...

Lấy cảm hứng từ những năm tháng từng gắn bó với nghề giáo ở vùng cao, thầy giáo Tống Đức Cửu (SN 1947, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình) đã viết lên tiết tấu vui nhộn trong ca khúc “Cô giáo cắm bản”, tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác về thầy cô và mái trường do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Chia sẻ về câu chuyện trước khi ra đời ca khúc trên, thầy Cửu cho biết, mình từng là giáo viên dạy môn Toán tại trường cấp II xã Yên Thượng, huyện Yên Sơn, tỉnh Hòa Bình từ năm 1969-1971.

"Hồi đó chưa có ô tô, xe máy như bây giờ. Tôi đi bộ 50km từ Thị xã Hòa Bình (nay là TP. Hòa Bình - PV) đến điểm trường công tác. Khi bắt đầu vào đầu làng xã Yên Thượng, tôi vào một nhà dân trên triền đồi để xin nghỉ chân. Lúc đó vừa đói vừa mệt, nên tôi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, chủ nhà đi vắng nhưng soạn sẵn mâm thức ăn với cơm trắng, một đĩa trứng, bát canh dưa và đĩa muối nhỏ. Những năm bao cấp thiếu thốn, một bữa ăn như vậy rất quý", thầy Cửu nhớ lại.

Thầy Cửu cùng 7 thầy giáo được phân công dạy học ở vùng cao. Căn phòng của những thầy giáo trẻ khi ấy là một túp lều dựng tạm. Bên trong đặt thêm tấm phản gỗ để ngả lưng và thêm một khoảng không gian nhỏ cho lối đi lại.

Nhớ lại ký ức sâu sắc đặt chân đến mảnh đất miền sơn cước, thầy Cửu trầm tư: “Cuộc sống những ngày ấy rất khó khăn và thiếu thốn. Mỗi giáo viên được trả lương tháng bằng tem phiếu. Cứ hơn 1 tháng chúng tôi lại xuống trung tâm xã xếp hàng ở cửa hàng bách hóa để quy đổi được nửa cân thịt, nửa cân đường với ít mắm muối và mì chính”.

Thầy Cửu cho biết: Dạy học ở vùng cao chỉ chừng hơn năm, song những tháng ngày ngắn ngủi đó cũng đủ để thầy cảm nhận được nỗi vất vả của đồng bào nơi đây. Thầy cũng cảm nhận rõ tình cảm của bà con dân bản với sự quý mến và tôn trọng hết mực. Với thầy, đó cũng là thời gian để lại nhiều kỷ niệm đẹp.

“Khi thành lập trường cấp II đầu tiên, chúng tôi lên dạy học sinh, có những em đã 20 tuổi nhưng rất lễ phép. Bất cứ khi nào đến với đồng bào, chúng tôi đều được tiếp đón bằng tình cảm nồng ấm, và sự trân trọng”, thầy Cửu kể lại.

Thầy Cửu nhận hoa chúc mừng của học trò
Thầy Cửu nhận hoa chúc mừng của học trò

Truyền cảm hứng cho người đưa đò...

Sau năm 1971, thầy Cửu chuyển công tác, chuyển sang dạy âm nhạc tại trường THCS Trung Ninh, huyện Kỳ Sơn (cũ) rồi gắn bó cho đến khi nghỉ hưu. Cùng với hoạt động giảng dạy, thầy Cửu tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình. Thầy là hội viên cao tuổi nhất của Hội ở thời điểm hiện tại.

Chia sẻ về ca khúc “Cô giáo cắm bản”, thầy Cửu cho biết, dựa trên cảm hứng từ lời thơ của nhà thơ Song Sĩ, khi nghe được những lời thơ sâu sắc, thầy Cửu đã vội gieo vần nhịp điệu cho bài hát. “Ca khúc được ra đời vào năm 2019. Chỉ 2 ngày sau khi biết đến bài thơ, tôi đã hoàn thành nhịp điệu và tiết tấu của bài hát. Tác phẩm sau đó được hòa âm và phối khí. Bài hát sau đó đã được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hòa Binh ghi lại và phát sóng”, thầy Cửu cho biết.

“Gắn bó với vùng cao vào những năm tháng đầu tiên của tuổi trẻ nên mảnh đất ấy để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu đậm. Còn nhớ, vào buổi sáng sớm ở vùng cao thường rất lạnh, ánh nắng đến muộn. Thời tiết giao mùa từ thu sang đông đã có sương đọng trên cây lá. Khi đến trường dạy học không cẩn thận ống quần sẽ ướt đẫm vì thấm sương. Khó có thể lột tả hết vẻ đẹp của những tia nắng giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ.”, thầy Cửu kể về những câu từ và lời hát trong trẻo của “Cô giáo cắm bản”.

Nhạc sĩ Tống Đức Cửu dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường
Nhạc sĩ Tống Đức Cửu dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường

Cô giáo Quách Thị Nụ công tác tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chia sẻ: “Lời bài hát như chạm đến nỗi lòng của những giáo viên công tác tại những điểm trường xa xôi. Tôi rất cảm động khi có một bài hát bày tỏ hết được những nỗi lòng của giáo viên công tác tại những điểm trường của vùng cao và truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục công việc đưa đò”.

“Tôi hi vọng bài hát này là món quà tinh thần dành cho nhà giáo để giúp các thầy cô có động lực và niềm tin. Từ đó, để cống hiến năng lực, trí tuệ của mình cho ngành giáo dục, tiếp thêm lòng tự hào với sự nghiệp trồng người cao quý”, thầy Cửu bộc bạch.

Thầy Cửu cũng hi vọng qua những tiết tấu sôi động và nhịp điệu vui tươi của bài hát sẽ để người yêu nhạc có thể nhìn nhận được những sự gian khó ở vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc. Để từ đó cùng cộng tác chung sức xây dựng các trường vùng sâu xa tươi đẹp hơn.

Cùng với Đề tài về thầy cô và mái trường, thầy Tống Đức Cửu đã có nhiều sáng tác về đề tài về quê hương được nhiều người yêu mến như bài hát “Đẹp sao quê ta” năm 1983, tác phẩm đầu tay viết về huyện Kỳ Sơn, “Kim Bôi quê em” năm 1998, “Cam Cao Phong” viết năm 2007.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ