Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.
Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Các nhà sử học cho rằng cờ trắng sử dụng cho mục đích này đầu tiên vào năm 218 trước Công nguyên.

Vì sao là màu trắng?

Bằng chứng ban đầu về lá cờ trắng như biểu tượng đề nghị đình chiến hoặc đầu hàng được tìm thấy rất ít trong lịch sử thế giới. Nhà sử học La Mã, Titus Livius (59 trước Công nguyên - 17 Công nguyên) đã viết rằng, trong Chiến tranh Punic lần thứ hai (218 - 201 trước Công nguyên), người Carthage đã thể hiện mong muốn ngưng chiến của họ bằng cách giơ “những dải len trắng và cành ô liu”.

Sau đó, nhà sử học La Mã Tacitus (56 - 117) đã kể lại một sự việc tương tự trong cuộc nội chiến La Mã vào năm 69, một trong những phe tham chiến đã “giơ những dải băng trắng và cành ô liu” thể hiện ý định muốn đàm phán hòa bình. Điều này cho thấy người xưa đã sử dụng vải trắng (cùng với một biểu tượng đáng chú ý khác) để cầu xin chấm dứt giao tranh. Nhưng vì sao lại là màu trắng?

Ed Watts - Giáo sư Lịch sử tại Đại học California (San Diego, Mỹ), giải thích rằng người dân Địa Trung Hải vào thời điểm này thường mặc trang phục bằng vải trắng khi cúng bái các vị thần. Theo ông, việc trưng nó ra trong chiến tranh có thể là một cách để nói rằng: “Chúng tôi đang phó mặc mình vào lòng thương xót của các vị và cầu xin sự bảo vệ của các vị thần”.

Về sau này, không có nhiều bằng chứng rõ ràng về cờ trắng như một biểu tượng mong muốn hòa bình, cho đến thế kỷ 16. Từ điển tiếng Anh Oxford và Merriam Webster đều ghi ngày sử dụng sớm nhất của thuật ngữ “cờ trắng” là năm 1578.

Năm đó, một thủy thủ người Anh, George Best, đã công bố câu chuyện của mình về nỗ lực tìm kiếm Hành lang Tây Bắc trên tàu Discoverie. Ông đã viết về những người Inuit tiếp xúc thân thiện với thủy thủ đoàn của con tàu và giương lên “một lá cờ trắng làm từ bàng quang được ghép lại với nhau bằng ruột và gân của các loài thú”.

Nhà luật học người Hà Lan, Hugo Grotius, cũng đề cập đến lá cờ trắng trong cuốn sách có ảnh hưởng của ông năm 1625 về luật chiến tranh và hòa bình. Ông viết, việc giương lên lá cờ trắng là một cách để đề nghị đàm phán - một cuộc thảo luận giữa các bên đang chống nhau.

co-trang-dau-hang-co-tu-khi-nao-2.jpg
Chiếc khăn lau đĩa dùng như một lá cờ đầu hàng của Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian.

Cờ trắng thời hiện đại

Người ta không rõ lá cờ trắng đã trở thành biểu tượng cho mong muốn hòa bình hay đàm phán trong thời đại hiện đại như thế nào, nhưng có thể một phần là do tính thực tế.

Vải không nhuộm có sẵn trong trang phục cũng như vật dụng của binh lính và rõ ràng là khác biệt so với những lá cờ mà quân đội mang theo. Vào cuối thế kỷ 19, lá cờ trắng đã trở thành biểu tượng quân sự dễ nhận biết ở nhiều nơi trên thế giới và đóng vai trò then chốt trong việc kết thúc Nội chiến Hoa Kỳ.

Khi Robert E.Lee quyết định đầu hàng Ulysses S.Grant tại trận Appomattox Court House vào ngày 9/4/1865, ông đã cử một sĩ quan Liên minh miền Nam ra sau phòng tuyến của Liên bang miền Bắc đề nghị ngừng bắn để cả hai bên có thể đàm phán. Khi truyền đạt ý định của mình, sĩ quan Liên minh miền Nam đã mang theo một chiếc khăn lau bát đĩa như một lá cờ trắng ngẫu nhiên.

Có lẽ Liên minh miền Nam đã chọn chiếc khăn lau bát đĩa đó - hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C - vì tình cờ nó có sẵn vào thời điểm đó. Mặc dù, cờ trắng đã trở thành một hình thức giao tiếp quân sự được công nhận, nhưng không đội quân nào khi ra chiến trận lại chuẩn bị sẵn một lá cờ như vậy. Bởi vì không ai muốn thua trận và “giương cờ trắng”.

Trong Hội nghị Hague lần thứ nhất năm 1899, lá cờ trắng đã trở thành một phần chính thức của luật pháp quốc tế. Một phụ lục của Công ước Hague nêu rằng, người mang theo một lá cờ trắng để giao tiếp với một đối thủ quân sự “có quyền bất khả xâm phạm”, hoặc không bị tấn công. Tuy nhiên, người đó sẽ mất quyền này “nếu phía bên kia chứng minh một cách chắc chắn rằng anh ta đã lợi dụng đặc quyền của mình để khiêu khích hoặc có hành vi lật lọng”.

Quân đội tiếp tục sử dụng cờ trắng để giao tiếp trong Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai. Trong cái gọi là Hiệp định đình chiến Giáng sinh năm 1914, một người lính Pháp, Gervais Morillon, đã viết thư cho mẹ mình rằng, những người lính Đức vẫy cờ trắng, đề nghị ngưng chiến.

Gần đây hơn, các vụ việc nổi bật liên quan đến cờ trắng khi dân thường và con tin cố gắng tự bảo vệ mình trong xung đột quân sự. Trong một số trường hợp, binh lính đã bắn và giết những người không tham chiến tìm kiếm sự bảo vệ bằng cờ trắng khiến công luận phẫn nộ.

Các chính trị gia và nhóm nhân quyền và đã lên tiếng báo động về những vụ giết người như vậy, một phần vì nạn nhân là thường dân, và một phần vì họ đang vẫy biểu tượng quốc tế trong hàng trăm năm qua báo hiệu ý định đình chiến, đầu hàng, đàm phán, cũng như cầu mong được bảo vệ và thương xót.

Theo James Ferrigan, viên chức của Hiệp hội nghiên cứu về cờ Bắc Mỹ, trong khi diễn ra chiến sự, một bên muốn có một thỏa thuận ngừng bắn, có thể để chôn cất người chết chẳng hạn thì một lá cờ trắng được giương ra. Do đó, điều này không phải một đề nghị đàm phán, cũng không phải là một sự đầu hàng, mà chỉ là một sự tạm dừng giao chiến. Nghĩ theo cách đơn giản nhất, một lá cờ trắng có nghĩa là: “Đừng tấn công tôi!”.

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.