Cô sinh viên quyết chọn ngành “vất vả”

GD&TĐ - Là một trong những gương mặt nữ sinh xuất sắc nhất của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Lan - Cô sinh viên năm 4 cười thật hiền khi nghe hỏi: Tại sao con gái chọn nghề Vật liệu?

Nguyễn Thị Lan tại Lễ kỷ niệm ngày 8/3 và trao giải Kovalevskaia tổ chức mới đây
Nguyễn Thị Lan tại Lễ kỷ niệm ngày 8/3 và trao giải Kovalevskaia tổ chức mới đây

Càng học càng thấy yêu nghề

“Rất nhiều người hỏi em như vậy” - Lan cho biết. Mọi người luôn hỏi rằng tại sao con gái lại học Bách khoa, học Bách khoa vất vả lắm.

Và sau khi vào Bách khoa rồi thì lại có người hỏi rằng con gái sao lại học ngành Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, rằng ngành này chỉ dành cho con trai thôi, chứ con gái yếu đuối, học vất vả. Con gái thì nên học những ngành nhẹ nhàng hơn như khối kinh tế hay ngành dệt may, da giầy và thời trang hoặc là ngành sư phạm…

Cô gái có gương mặt thật hiền này nói thêm, rất cương quyết: Em không sợ vất vả. Em sinh ra tại xã miền núi, trong gia đình thuần nông, cả bố và mẹ đều làm ruộng. Từ nhỏ đến giờ em đều ra đồng đi cấy, đi gặt, làm hoa màu,…

Và em nghĩ, phải có cố gắng học tập thật tốt thì sau này mới có thể giúp đỡ bố mẹ, nuôi em trai ăn học, để không phụ công sức, niềm hy vọng của bố mẹ và những người yêu thương em.

Lan quan niệm, học tập là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, không ngừng tiếp thu tri thức, không ngừng học hỏi thầy cô và bạn bè. 

Còn việc học ngành nào mà học nhàn một chút theo như lời mọi người vẫn nói không quan trọng lắm. Bởi ngành nào cũng có những đặc thù riêng, cái hay riêng. Phải học, đi sâu tìm tòi, mới thấy được cái hay của mỗi ngành, và càng học thì sẽ càng thấy đam mê.

Có lẽ, cách suy nghĩ ấy là nguyên nhân chính khiến Lan có một kết quả học tập thật đáng nể. Năm học nào cô gái này cũng có kết quả xuất sắc. Gần đây nhất, năm học 2012 – 2013, điểm trung bình học tập của năm của Lan đạt 3.75/4.0 và được nhận học bổng Lawrence S.Ting.

Say NCKH, mê làm tình nguyện

Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, Lan cũng là gương mặt sáng giá trong nghiên cứu khoa học và là thành viên không thể thiếu của đội sinh viên tình nguyện của ĐH Bách khoa.

Lân tâm sự, từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, xem tivi, thấy các anh chị mặc áo xanh tình nguyện vào những dịp tiếp sức mùa thi và mùa hè xanh tại xã vùng cao, khó khăn em đã “mê mẩn”.

Bởi vậy mà, chân ướt chân ráo vào ĐH, chỉ 1 tháng sau khi nhập học, Lan đã tham gia đội tình nguyện Viện Điện của trường.

Năng nổ, nhiệt tình, năm thứ ba, Lan chính thức tham gia vào Ban chấp hành Liên chi đoàn Viện Điện - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Được tham gia tình nguyện, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cành khó khăn, dạy học cho các em vào mỗi dịp mùa hè xanh, tham gia tiếp sức mùa thi vào mỗi dịp thi ĐH hay tham gia giữ trật tự giao thông vào mỗi buổi sáng tại Ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền em cảm thấy vui vì đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc giữ gìn trật tư giao thông, giúp ích cho xã hội” - Lan bày tỏ.

Đóng góp của Lan không chỉ được ghi nhận bằng 2 giấy khen của Ban lãnh đạo Viện Điện; giấy khen của Đoàn trường mà còn là sự yêu quý của bạn bè và trở thành ứng viên sáng giá được xét kết nạp Đảng

Với NCKH, Lan cho biết mình đang theo nhóm nghiên cứu của TS Lê Thái Hùng - Trưởng bộ môn Cơ học vật liệu và Cán kim loại (Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu với đề tài) cấp cơ sở “Nghiên cứu chế tạo vật liệu compozit BMC ứng dụng chế tạo các thiết bị điện phục vụ hệ thống điện Hà Nội”.

“Đây sẽ là một công nghệ chế tạo chi tiết kỹ thuật điện sử dụng vật liệu compozit nền polymer lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Khi công nghệ hoàn chỉnh sẽ nâng cao trình độ sản xuất các mặt hàng thiết bị điện dân dụng và công nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước” – Lan tâm sự đầy tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.