Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sáng kiến trồng cây hiện đại như vườn thẳng đứng, vườn treo… đóng góp màu xanh cho đô thị và phần nào giúp giải quyết các vấn đề môi trường.
Tuy nhiên, tại một khu phố ở trung tâm đô thị Buderim, thuộc vùng ven biển Sunshine, Queensland (Australia), cư dân nơi đây đã quay lại với phương pháp truyền thống. Ngay tại khu phố của họ, những con đường hai bên đều là vườn cây công cộng có thể cung cấp miễn phí các loại rau củ, hoa quả và thảo mộc.
Lượng thực phẩm thu hoạch từ những vườn cây này không nhỏ chút nào: chỉ tính riêng năm 2015 người dân nơi đây đã thu được 900kg chuối và 300 cây bắp cải.
Ý tưởng bắt đầu từ quả chanh
Dự án này, được gọi là Urban Food Street (Phố ẩm thực đô thị), bắt đầu từ năm 2009, khi những người dân nơi đây phải đối mặt với tình trạng giá chanh cao quá mức, những 1.5 – 2 đô Úc một quả (tương đương 25.000 – 34.000 đồng).
Hai bên đường của 11 con phố đều một màu xanh mát.
Thế là, một vài người dân đã quyết định trồng 10 cây chanh tại dải đất cạnh đường tiện dùng mà không cần phải đi mua. Từ đó, ý tưởng này đã được lan rộng, và giờ thì những dải đất bao quanh 11 con phố đều phủ kín những cây bạc hà, ớt ngọt, cà chua, lá húng tây, cải lá xoăn, khoai tây, lựu...
“Chuyện bắt đầu khi chúng tôi quyết định trồng chanh tươi, sau đó thì mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, chúng tôi trồng chanh ở ngoài đường và mọi người có thể đi qua hái vài quả đem về dùng tùy ý”, Caroline Kemp, từng tốt nghiệp khoa kiến trúc sư và là một trong số những người gây dựng nên Urban Food Street, nói với Đài phát thanh truyền hình Úc (ABC).
Ai đi qua cũng có thể hái về các loại rau trái tại đây.
Bắt đầu từ những cây chanh, đến nay các mảnh vườn đã có thêm không ít loại rau, cây trái quen thuộc khác.
Cả khu phố có rau sạch, trái ngon ăn quanh năm
Thực vậy, những loại thực phẩm được trồng ven đường mùa này qua mùa khác nở rộ, hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người trong khu phố, kể cả những người chưa từng trồng cây gì trước nhà.
Kemp cho biết: “Thường thì các gia đình chưa trồng cây nào sẽ cung cấp vòi tưới hoặc cái gì đó khác – họ có thể trổ tài làm mứt và sau đó đem bán ở các gian hàng tình nguyện để mọi người có thể đến mua. Chúng tôi coi việc đóng góp là hành động có sức lan tỏa đến khắp mọi người".
Người dân khu phố ở Buderim cùng nhau mở rộng mô hình trồng cây, mỗi người góp một chút sức lực nhỏ bé sẽ tạo nên điều tuyệt vời.
Mặc dù những mảnh vườn nho nhỏ ven đường chưa thể cung cấp tất cả các loại thực phẩm, nhưng đây là một hành động ý nghĩa có thể khuyến khích mọi người bổ sung các thực phẩm tươi sạch vào các bữa ăn của mình một cách nhanh chóng và tiện lợi, không cần phải đi mua trong các siêu thị.
“Một trong số những rắc rối khi nấu ăn đó là thi thoảng bạn không có thứ cỏ cây gia vị mà mình cần lúc nấu ăn buổi tối, nhưng giờ với khu phố này, bạn có thể đi dọc theo đường mà hái loại rau, trái mà mình cần cho bữa ăn”, đồng sáng lập của dự án và là chuyên gia làm vườn Duncan McNaught nói với đài ABC.
Duncan McNaught và Caroline Kemp, hai người đồng sáng tạo nên Urban Food Street ngay tại khu phố nhà mình.
“Điều đó sẽ làm giảm lượng xe đi lại trên đường, và khiến việc nấu ăn dễ dàng hơn, lại tốt cho sức khỏe vì bạn có thể đi bộ. Đó là tất cả những gì đang diễn ra tại khu phố này: thể dục và sự tương tác giao lưu với nhau”.
Mục tiêu lớn nhất của khu ngoại ô này đó là tạo ra những "khu vườn" có thể cung cấp thực phẩm dễ kiếm và mang tính lâu dài trong thời điểm con người đang cạn kiệt tài nguyên như đất trồng và nước sạch – cũng như biến thành một khu phố xanh thân thiện với cư dân sinh sống tại đây.
Chỉ cần xuống phố là dễ dàng có được những loại rau củ quả mình cần cho bữa ăn.
Không những đem lại thực phẩm tươi sạch, những cây cối nơi đây còn khiến khu phố thêm xanh và mát mắt.
“Chúng tôi sống ở vùng nóng bức. Còn cây cối thì đem lại bóng mát. Những nơi có bóng râm có thể mát hơn 11 đến 25 độ C so với nhiệt độ cao nhất tại những nơi có bề mặt cứng không bóng râm như đường nhựa và xi măng”, Kemp chia sẻ trong một lần phỏng vấn của tờ Sunshine Coast Daily.
“Tất cả những điều này là để kiến tạo một khu dân cư nơi mọi người có thể tham gia hòa nhập tại địa phương của mình, và tất nhiên, là để cung cấp nguồn thức ăn người ta biết rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn an ninh thực phẩm”.
Tình hàng xóm, láng giềng khăng khít hơn nhờ cùng nhau "làm vườn"
Một trong số những điểm sáng của dự án không chỉ là việc mọi người có rau củ quả tươi mỗi ngày và tạo không gian xanh như một công viên công cộng, mà còn nằm ở chỗ những người dân tại đây đều đã trở nên quen biết gần gũi với nhau.
“Hầu như chiều nào cũng vậy, con phố này ngập tràn bóng trẻ con trong khu. Chúng đi xe đạp, hoặc chơi bóng. Người lớn thì nằm nghỉ ngơi trên những thảm cỏ”, Kemp nói với ABC.
Trẻ con cũng hứng thú theo người lớn chăm sóc từng luống rau.
Nhờ có những mảnh vườn, người dân sinh sống nơi đây như một bước thêm gần nhau hơn.
Ông McNaught đồng tình: “Người ta dừng lại và nói chuyện với nhau, chào nhau khi đi qua nhau trên khu phố. Thực sự có cảm giác tồn tại một sự gần gũi gắn bó giữa mọi người trong khu phố này”.
Hiếm có khu phố nào trên thế giới mà xanh mát và sạch sẽ như thế này. Ai đến thăm cũng chẳng muốn quay về.
Theo trang Facebook của Urban Street Food, nhóm đang chuẩn bị lên kế hoạch cho một dự án giúp những khu phố khác trên thế giới có thể trồng các loại rau củ quả cho riêng mình một cách lâu dài và phát động một chương trình chia sẻ thực phẩm trong cộng đồng.
“Không có chi phí nào phải trả cả, tất cả đều là cuộc sống thường ngày dĩ nhiên phải thế. Nó mang tính tự phát, giống như những trái quả mọc ra vậy", ông McNaught nói thêm.