Cô Huệ ươm mầm xanh nơi “rốn” ma túy Na Ư

GD&TĐ - “Từ nhỏ, một mình mẹ cáng đáng, lo toan cho tôi ăn học thành người. Nếu không nỗ lực học tập, kiếm được việc làm có thu nhập rồi thoát nghèo thì làm sao có tiền nuôi mẹ lúc về già?”.

Cô Huệ trong Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021.
Cô Huệ trong Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021.

Đó là câu chuyện của một cô giáo đang công tác tại “rốn” ma túy Na Ư (Điện Biên).

Mong làm cô giáo mầm non

Cô Ngô Thị Huệ (SN 1990) sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Cô không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa bởi người bố đã bỏ nhà ra đi từ khi cô mới hơn 1 tuổi. Bao gánh nặng, nhọc nhằn của gia đình một tay mẹ cô lo toan cả.

Cũng bởi gia đình nghèo khó nên cô Huệ càng thấm thía hơn sự cần thiết của việc học để thoát nghèo. Cô hiểu được rằng chỉ có học vấn mới thay đổi được bản thân, thay đổi cuộc sống.

“Từ nhỏ, một mình mẹ cáng đáng, lo toan cho tôi ăn học thành người. Tôi luôn tự nhủ: “Nếu không nỗ lực học tập, kiếm được việc làm có thu nhập rồi thoát nghèo thì làm sao có tiền nuôi mẹ lúc về già?”. Vì thế, với tôi chẳng có cách nào khác ngoài việc phải chăm chỉ học tập, chịu khó làm việc để có tiền nuôi mẹ” - cô Huệ tâm sự.

Từ suy nghĩ đó cộng với tình yêu con trẻ, cô Huệ đã quyết định lựa chọn ngành Giáo dục Mầm non. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên năm 2012, cô giáo trẻ Ngô Thị Huệ được phân về dạy học ở xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ).

Trường chỉ cách nhà gần 30 cây số nhưng đường khó đi. Để đến được trường bình thường cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy. Chưa kể mỗi khi mưa xuống thì nhiều đoạn bỗng biến thành “con sông” với đầy bùn đất sền sệt và đặc quánh, không thể đi được. Cô Huệ phải ở lại điểm trường lẻ, chỉ cuối tuần mới về. Bé Thảo Nhi - đứa con gái nhỏ đang ở nhà với bà ngoại tối nào cũng í ới gọi đòi mẹ về. Lần nào cũng thế, dứt mỗi câu chuyện giữa hai mẹ con, Thảo Nhi lại mếu mếu, khóc khóc rồi hỏi đi hỏi lại một câu quen thuộc: “Bao giờ mẹ về với con?”.

“Nhớ nhà lắm chứ, mẹ tôi tuổi đã cao, mắt kém lại thường xuyên bị bệnh. Con gái tôi thì còn nhỏ, chỉ có 2 bà cháu ở nhà. Những lúc ốm đau mình không ở gần nên rất lo lắng. Có lần cháu bị sốt mất 2 ngày liền không đỡ. Nghe tin con mà buồn và sốt ruột, dạy học xong thì chiều tôi lấy xe phi vội về nhà xem tình hình thế nào. Hôm đó trời mưa, đường lại trơn trượt nên tôi bị ngã. Hôm sau con đỡ rồi thì mẹ lại nằm bệt một chỗ vì vết thương hôm trước. Tôi lại phải nhờ đồng nghiệp từ trung tâm lên dạy thay”, cô Huệ nhớ lại.

Mấy năm nay, anh Nguyễn Văn Dương, chồng cô Huệ đi làm công nhân ở Bắc Giang, công việc không ổn định, thu nhập thất thường. Từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, anh Dương bị cách ly không về Điện Biên được. Chồng thất nghiệp, cô Huệ phải san sẻ suất lương ít ỏi, gửi cho chồng để trang trải chi phí sinh hoạt và thuê nhà trọ. Số còn lại thì để mẹ con, bà cháu tằn tiện chi tiêu.

Cuộc sống khó khăn, công việc dạy học ở bản cũng chẳng dễ dàng hơn, thế nhưng khi nói về nghề của mình, cô Huệ vẫn mỉm cười nói rằng: “Mình thực sự cảm thấy hạnh phúc vì con đường mình chọn”.

Na Ư từng là điểm nóng về tình trạng buôn bán ma túy trái phép.
Na Ư từng là điểm nóng về tình trạng buôn bán ma túy trái phép.

Chuyện thường ở trường miền núi

Gần 10 năm đi dạy, cô Huệ đều gắn bó với những ngôi trường ở vùng xa.  Năm 2019, cô được chuyển về công tác tại Trường Mầm non Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên. Đây là ngôi trường xa xôi và khó khăn bậc nhất của huyện Điện Biên.

7 điểm lẻ của ngôi trường này rải rác quanh khu vực biên giới, giáp với nước bạn Lào. Cô Huệ được giao phụ trách điểm trường Púng Bửa. Đây lại là điểm trường khó khăn và xa xôi nhất toàn xã. Từ trung tâm đến Púng Bửa chỉ khoảng hơn chục cây số, thế mà cũng chẳng thể về trung tâm hàng ngày bởi đường rừng hiểm trở, khó đi.

Lớp học ở Púng Bửa nằm chót vót trên một quả đồi, biệt lập với khu dân cư. Ở đây thiếu thốn đủ bề, nhất là nơi ăn, chốn ngủ. Đồ dùng, đồ chơi của học sinh cũng rất sơ sài. Ngay cạnh lớp học là “nhà công vụ” của cô Huệ. Căn lều được dựng lên bởi những tấm gỗ cũ đã mục mà cô tận dụng lại. Xung quanh khung gỗ ọp ẹp ấy được bao bọc bởi các paner quảng cáo mà cô xin về để che mưa, chắn gió.

“Hồi mới về nhận công tác tại Púng Bửa, mình cũng nghĩ bản thân 7 năm đi dạy phải ngủ lại trường học rồi thì có gì mà khó đâu! Nhưng trường ở đây nằm trên cao hơn, xung quanh chẳng có mấy nhà dân. Ở đây lại còn chưa có điện lưới quốc gia. Hôm lên nhận công tác, mọi người lại hay dặn rằng Na Ư từng là điểm nóng về ma túy nên phải hết sức cẩn thận. Thành ra tôi cũng thấy lo lắng. Những ngày đầu ở lại, cả đêm chẳng chợp mắt được lúc nào” - cô Huệ bộc bạch.

Một buổi đến trường của cô giáo Ngô Thị Huệ.
Một buổi đến trường của cô giáo Ngô Thị Huệ.

Bếp ăn của nhà trường được đặt ở điểm trung tâm. Các lớp ở bản gần thì giáo viên chủ động về trường lấy cơm cho học sinh hàng ngày. Riêng chỉ có Púng Bửa, cô Huệ phải tự xoay xở. Lúc nông nhàn, cô nhờ phụ huynh thay phiên lên hỗ trợ đun nấu cho đám trẻ. Vất vả nhất là mỗi mùa làm nương, chẳng ai hỗ trợ thì cô Huệ phải đảm đương.

Lúc dạy học, khi thì nhặt rau, đun bếp… một tay cô phải lo hết. Cứ thế cô và hơn 20 trẻ nhỏ ngày càng gần gũi, thân thiện hơn. Biết là vất vả, song cũng chẳng thấm vào đâu so với những lần vượt núi, băng rừng đi vận động học sinh đến lớp.

Nhớ lại quãng thời gian lên bản vận động trẻ đến trường, cô Huệ kể: “Để vận động được trẻ em người Mông ra khỏi bản đến lớp học là cả một quá trình lâu dài, cần có sự bền bỉ, kiên trì. Một ngày tuyên truyền không được thì hai ngày. Hai ngày không được thì ở lại cả tuần trời. Nhiều hộ ở đây không muốn cho con đi học vì họ nghĩ: “Tuổi mầm non thì cần gì đến trường. Cho ở nhà ăn ngủ chơi với nhau là được”. Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi vì vận động học sinh đi học được 1 kì, sau đợt nghỉ Tết, giáo viên lại đi vận động từ đầu”.

Cũng vì vậy, giáo viên “cắm bản” như cô Huệ luôn mong muốn mang hết tình cảm, trách nhiệm của mình truyền thụ cho học sinh. Tất cả cũng chỉ với hy vọng giúp các em có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tương lai tươi sáng hơn.

“Chỉ có tri thức mới thay đổi cuộc sống nơi đây. Vì thế, chúng tôi luôn trăn trở rằng: “Làm sao cho các em ngày một đến trường đông hơn, không để tụt sĩ số của lớp”. Vui nhất là mỗi khi đến lớp thấy học sinh đông đủ, khỏe mạnh”, cô Huệ bộc bạch.

Na Ư, nơi cô Huệ công tác, là xã nghèo vùng biên giới giáp Lào, người dân ở đây 100% là dân tộc Mông, đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nơi đây từng được coi là điểm nóng về ma túy. Những bản án tử hình, tù chung thân cướp đi nhiều lao động chính trong các gia đình. Kinh tế khó khăn, cuộc sống của không ít đứa trẻ nơi đây rơi vào vòng quẩn quanh vô vọng: Đói nghèo - thất học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ