Ươm mầm xanh trên đá

GD&TĐ - Những câu thơ trong bài “Tây Tiến” bi hùng của nhà thơ Quang Dũng về “đoàn quân không mọc tóc” cứ thôi thúc chúng tôi lên đường. Một ngày đầu đông, ngược dòng“sông Mã gầm lên khúc độc hành”, chúng tôi từ Hà Nội về Sài Khao (Mường Lát, Thanh Hóa). Sương mù dày đặc, núi ẩn hiện trong mây, xe len trong sương thẳng tiến.

Khu Sài Khao, Trường Tiểu học Tây Tiến
Khu Sài Khao, Trường Tiểu học Tây Tiến

Gian nan đường đến trường

Bảy tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô, băng qua những cung đường cheo leo, chúng tôi đặt chân lên thị trấn Mường Lát. Nằm lọt thỏm giữa thung lũng, thị trấn Mường Lát bao quanh là núi và mây. Dưới khe sâu, con sông Mã oai hùng thét gào đỏ ngầu phù sa.

Từ trung tâm thị trấn Mường Lát đến Sài Khao, đoàn chúng tôi phải đi 20km bằng xe máy. Suốt chặng đường, xe luôn cài số một, mệt nhọc rú rít, giật cục từng cơn bò trên con đường đất lẫn đá trơn trượt. Nhiều đoạn vết mòn chỉ vừa lằn bánh xe, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.

Thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến, người bạn đồng hành nhắc nhở: “Nhà báo ngồi chắc nhé. Đường từ đây trở đi xấu lắm đấy”. Tôi cũng căng người ngồi để không bị rơi ra khỏi xe.

Học sinh khu Sài Khao, Trường Tiểu học Tây Tiến
  • Học sinh khu Sài Khao, Trường Tiểu học Tây Tiến

Sau 2 tiếng đồng hồ “vật lộn” với cung đường hiểm trở, chúng tôi dừng chân trước khu lẻ Sài Khao, một điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của Trường Tiểu học Tây Tiến. Lớp học hai gian được người dân địa phương dựng tạm bợ dưới chân một ngọn đồi giữa bản. Kế bên là 3 lớp học mới được xây dựng do CLB thiện nguyện hỗ trợ. Do chưa có đường ô tô vào trung tâm bản nên việc vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng trường rất khó khăn. Có mấy phòng học mới, các thầy cô cũng vơi bớt nỗi lo khi mùa đông tới.

Điểm trường khu Sài Khao có gần 80 em từ khối 1 - 5 với ba thầy giáo cắm bản. Toàn bộ học sinh đều là con em đồng bào Mông.Trò chuyện với các thầy giáo cắm bản, những người đã nhiều năm gắn với vùng đất này, tôi càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả và khâm phục ý chí, lòng yêu nghề của họ.

Người thầy trên đỉnh núi

5 năm cắm bản ở Sài Khao, thầy Nguyễn Đình Hưng (quê Yên Định, Thanh Hóa) lên Mường Lát công tác đến nay đã được 17 năm. Năm 2000 thầy về dạy học ở Trường Tiểu học Mường Chanh (Mường Lát). Năm 2014, thầy chuyển công tác xuống điểm trường Sài Khao (Trường Tiểu học Tây Tiến). Nơi đây không có điện, không nước sạch, không chợ, không đường bê tông và thông tin liên lạc... Lớp học chủ yếu bằng tranh tre, nứa lá.

Cách đây ít năm, bà con người Mông cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng trường lớp với các vật liệu tại chỗ: Nền nhà được san đắp bằng đất đồi, vách thưng bằng ván xẻ, nẹp tre. Mùa hè lớp học khá thoáng mát, nhưng mùa đông, gió lùa lạnh buốt da, buốt thịt.

Gia đình thầy giáo Nguyễn Đình Hưng
Gia đình thầy giáo Nguyễn Đình Hưng 

Ở Sài Khao mùa đông rất lạnh và kéo dài. Những ngày mưa rét buốt, đường sá đi lại khó khăn, số học sinh nghỉ học nhiều hơn. Các thầy luôn là người đôn đốc, đến tận nhà để động viên các em đến trường.

Những ngày đầu mới lên nhận công tác, đường khó đến nỗi “lên rồi không muốn xuống”, nên có khi hàng tháng trời các thầy không về thăm gia đình và đồng nghĩa với việc cắt đứt liên lạc với vợ con. Mọi nhu cầu về đồ dùng cá nhân, thực phẩm phải nhờ các thầy cô ở trung tâm gửi lên. Đó là khi trời tạnh ráo, còn khi trời mưa, vài tuần họ mới có được bữa ăn tươi, còn thì chỉ là cá khô, lạc rang trường kỳ.

Cuộc sống “cắm bản” cực khổ là vậy nhưng khó khăn nhất vẫn là giáo viên và học sinh bất đồng ngôn ngữ. Các thầy các cô dạy học ở đây phải học tiếng dân tộc để dạy học cho học trò.

Thầy Hưng cho biết: Khi dạy ở Mường Chanh, học sinh chủ yếu là dân tộc Thái, thầy đi học thêm tiếng Thái. Giờ dạy học sinh dân tộc Mông, thầy lại học thêm tiếng Mông. Mặc dù chưa thể nói được như người Mông, nhưng thầy luôn cố gắng tự học để phục vụ cho công việc dạy học của mình.

Căn phòng rộng khoảng 10m2, vừa là nơi sinh hoạt, vừa là phòng làm việc của 3 thầy giáo cắm bản. Tình cờ, hôm nay thầy Hưng có vợ con lên thăm, 2 thầy giáo ở cùng phải sang lớp học ở tạm nhường phòng cho gia đình thầy Hưng.

Tôi cảm nhận được, ở nơi xa xôi này, dù thiếu thốn về mọi thứ nhưng có một thứ không bao giờ thiếu, đó là lòng yêu nghề, mến trẻ của các thầy cô giáo. 

Nhà chị Lê Thị Xuân (vợ thầy Hưng) ở thị trấn Quan Hóa, cách điểm trường Sài Khao hơn 100km. Cả tháng trời không thấy chồng về thăm nhà, điện thoại thì không liên lạc được, ba mẹ con quyết tâm lên thăm. Lần đầu tiên lên điểm trường nơi chồng công tác, chứng kiến nơi ở và dạy học của chồng đơn sơ muôn bề khó khăn, thiếu thốn, chị không ngăn được những dòng nước mắt.

“Ở nhà vì không liên lạc được với chồng nên trong lòng nhiều giận hờn lắm. Tưởng lên đây gặp chồng, sẽ như trút được nỗi giận hờn đó. Nhưng đến nơi, cảm nhận cảnh ăn, ở, dạy học của chồng và các thầy giáo, bao nhiêu giận hờn dường như tan biến; chỉ còn lại sự cảm thông và chia sẻ”, chị Xuân tâm sự.

Chị Xuân là nhân viên nấu ăn ở Trường Mầm non thị trấn Quan Hóa. Chồng dạy học xa nhà, một mình chăm lo cho hai cháu. Giờ cháu lớn đã học lớp 6, cháu thứ 2 học lớp 3. Hai cháu đều chăm ngoan, học giỏi nên thầy Hưng cũng yên tâm công tác.

Thầy Cầm Bá Can trong căn phòng bán trú, một bên là bếp, một bên là phòng ở
Thầy Cầm Bá Can trong căn phòng bán trú, một bên là bếp, một bên là phòng ở 

Mang con chữ đến cho trẻ

Cũng gắn bó với điểm trường Sài Khao 5 năm, thầy giáo Cầm Bá Can tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Đức năm 2011. Thầy về quê dạy học 2 năm rồi lên Sài Khao.

Nhà thầy Can ở huyện Thường Xuân, cách trường cả trăm cây số, đường đi toàn đèo dốc nên thường một năm chỉ về quê đôi ba lần thăm gia đình. Mỗi lần về, thầy thường tranh thủ đèo thêm cá khô, mắm muối, thuốc men để dùng cho khoảng thời gian dài cắm bản.

Thầy Can cho hay: Khó khăn nhất của giáo viên cắm bản ở Sài Khao là giao tiếp với bà con và học trò. Phải lên lớp 2, lớp 3 các em mới bập bẹ tiếng phổ thông, còn lớp 1 thầy trò thường bất đồng ngôn ngữ; đôi khi thầy phải dùng ký hiệu hoặc dụng cụ trực quan tự chế tỉ mỉ để giảng bài. Nhiều hôm, vừa dạy hôm nay, sáng mai kiểm tra, chữ thầy lại trả thầy. Nhiều lúc thấy buồn và bất lực, nhưng nhìn những ánh mắt trẻ thơ mỗi sáng đến lớp, lại nghĩ nếu không kiên trì, các em sẽ ngày càng tụt lùi.

Là giáo viên trẻ nhất, thầy giáo Phạm Văn Hùng cho biết: “Thời gian đầu lên đây chẳng biết làm gì, không có sóng điện thoại, không thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhiều khi thấy chán nản nhưng rồi cũng quen. Nếu không có giáo viên cắm bản, những em bé người Mông sẽ mãi không biết đến giấc mơ nơi phố thị. Ở đây, trẻ em không được may mắn như những bạn khác.

Chúng tôi chỉ biết giúp đỡ các em bằng cách mang con chữ đến bản, giúp các em có kiến thức để thực hiện ước mơ thoát nghèo”. Con đường đến trường đi tìm con chữ đối với các em nhỏ Sài Khao còn rất dài và gian nan. Nhìn nụ cười ngây thơ của các em trong đầu tôi tự hỏi rằng: “Bao giờ các em mới được sống thế giới hiện đại ngoài kia, đủ điều kiện học tập cùng bạn bè và thoát khỏi cái nghèo?”.

Cô học trò Vàng A Ninh (bên phải) với giấc mơ làm cô giáo
Cô học trò Vàng A Ninh (bên phải) với giấc mơ làm cô giáo 

Ước mơ giản đơn nơi núi rừng

Miên man trong câu chuyện kể của những thầy giáo cắm bản, bỗng tiếng trống giữa giờ vang lên, những đứa trẻ vùng cao ùa ra sân sau một giờ ngồi tiếp thu bài giảng. Những ánh mắt trong veo, ngơ ngác của các em khi thấy người lạ xuất hiện.

Tôi dừng bước trước ánh mắt đen nép sau cửa lớp của cô bé Vàng A Ninh, học sinh lớp 5. Khi được hỏi về ước mơ của mình, em rụt rè bảo: “Em muốn học chữ để trở thành cô giáo, để về dạy cho các bà và các em trong bản”.

Chia tay Sài Khao, chúng tôi trở về phố với ký ức về đôi mắt trong trẻo, thơ ngây của những đứa trẻ bản Mông và cả tấm lòng chân tình của người thầy cắm bản nơi heo hút lưng chừng núi. Chỉ mong một ngày nào đó, có dịp trở lại, Sài Khao có nhiều hơn những tiếng cười vui... 

Điều ước của cô bé Vàng A Ninh khiến thầy Can cảm động: “Các em ở đây còn quá nhỏ, chưa ý thức được sau này sẽ lớn lên như thế nào, làm công việc gì, nên ước mơ cũng rất đơn giản, chỉ là mong ước bố mẹ ở nhà, được ăn cơm với thịt, có đôi dép, quần áo mới hoặc mặc ấm trong mùa đông. Nhiều em lớp 3 thì mơ ước trở thành cô giáo, thầy giáo, vì đó là những người có tri thức đầu tiên chúng được tiếp xúc trong cuộc sống. Tôi chỉ mong truyền thụ kiến thức để các em có điều kiện học lên cao hơn, sau này kiếm được việc làm, thoát khỏi cuộc sống khó khăn”.

Trong chiếc áo mỏng dính, đôi chân trần run run bước trên nền đất lạnh,Vàng A Dúa, học sinh lớp 5 cho biết: “Mùa đông lạnh lắm, ở đây trời tối, sương xuống mù mịt, những ngày trời rét chúng em phải đốt lửa sưởi. Đến trường, chúng em được vui chơi, cùng bạn bè tham gia hoạt động tập thể”.

Những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên, cùng tình yêu nghề của các thầy giáo cắm bản nơi đây đang dệt nên những giấc mơ con trẻ. Tinh thần vượt khó đến trường chính là nguồn động viên rất lớn, để các thầy cô giáo cắm bản tiếp tục gắn bó và tận tụy với công việc “gieo chữ” trên non cao này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ