Ươm mầm xanh trên đỉnh núi

GD&TĐ - Công việc dạy trẻ thường chỉ dành cho phái nữ, đặc biệt với nghề dạy mầm non, thế nhưng ở nơi vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, vẫn có thầy giáo âm thầm, tỉ mẩn, tận tụy với công việc này. Đó là thầy giáo Vũ Duy Tiến, dạy học tại điểm trường mầm non thôn Xà Chải, Trường Mầm non Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai).

Ươm mầm xanh trên đỉnh núi

Thầy giáo mầm non đứng lớp

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng SP Lào Cai hệ Trung cấp Mầm non năm 2011, thầy giáo trẻ Vũ Duy Tiến được phân về dạy học tại điểm trường Xà Chải thuộc Trường Mầm non Bản Khoang - một trong những điểm trường xa khó khăn của huyện Sa Pa.

Thầy tâm sự: Những ngày đầu đến đây, một mình ở điểm trường mà thấy nản. Ngày ấy đường sá chưa thuận lợi như bây giờ, điện cũng chẳng có, sóng điện thoại thì không.

Từ nhà thầy đến trường cũng hơn 90km. Muốn vào đến điểm trường thầy phải gửi xe ngoài xã rồi đi bộ vào điểm trường. Các lớp học thì tồi tàn, hơn nữa cha mẹ các cháu cũng chưa hề biết đến khái niệm đưa trẻ đến lớp học mầm non, thầy lại phải đi vận động học sinh đến lớp.

Một ngày không được, hai ngày không được thì cả tuần trời vận động và họ cũng nhận ra. Từ năm học 2015 - 2016 trở lại đây, việc vận động cha mẹ cho các cháu đi học cũng đỡ hơn, thỉnh thoảng thầy đến nhà các cháu chơi để trao đổi về tình hình học tập của cháu, nhắc bố mẹ cho các cháu đi học đầy đủ.

Bây giờ, chính các cháu là niềm động viên an ủi giúp cho những người thầy chúng tôi vượt qua được những khó khăn trở ngại tiếp tục cho sự nghiệp trồng người” - thầy Tiến chia sẻ.

Thầy Tiến nhớ như in ngày đầu tiên vào lớp, nhiều em nhỏ òa khóc vì thấy lạ. Không một chút e ngại, thầy đã nhẹ nhàng, ân cần, hỏi han, dỗ dành từng em nhỏ. Lâu dần thành quen, trẻ và thầy giờ đã trở nên gắn bó, người dân đã quen với hình ảnh người thầy giáo mầm non đứng lớp.

“Múa hát, hay vệ sinh cho các cháu đối với em cũng hơi khó khăn vì em là nam giới, không được khéo léo như các cô giáo. Em cũng cố gắng hoàn thiện hơn, làm từng bước một để phù hợp với hoàn cảnh của mình, để các cháu được chăm sóc như học sinh các lớp do các cô giáo phụ trách” - thầy Tiến trải lòng.

Gieo mầm ước mơ

Thầy Tiến cho biết, điều níu kéo thầy gắn bó với nơi này chính là các em nhỏ. Những đứa trẻ dân tộc Dao được sinh ra ở nơi này, có đôi mắt xanh trong veo như nước sông, nhưng luôn cúi mặt khi gặp người lạ, co mình, ngại giao tiếp.

Trước kia, để vận động được trẻ em người Dao ra khỏi bản làng, đến lớp học chữ là cả một quá trình kỳ công, đầy nhẫn nại, yêu thương của rất nhiều thầy giáo, cô giáo.

Và khi dạy học cho các em nhỏ thầy thường chú ý dạy các kỹ năng sống như chào hỏi người lớn, giao tiếp với những người lạ, giúp các em chịu nói chuyện, chịu mở lòng, xóa dần khoảng cách với bạn bè xung quanh và với thế giới bên ngoài.

Có những hôm trời mưa to quá, học sinh nghỉ học, thầy giáo lại thấy thiếu thiếu và bâng khuâng lo lắng cho học trò. Sau mỗi buổi chiều, thầy lại vào thôn, đến nhà học sinh gặp bố mẹ các cháu hỏi lý do sao con hôm nay nghỉ học và không quên lời động viên: “Mai cho con đi học đầy đủ nhé, mưa hay lạnh cũng cố gắng đưa con đi để con vào nền nếp”.

Thầy tâm sự, giờ cứ đến dịp nghỉ hè, nghỉ tết là nhớ bọn nhỏ da diết. Điểm trường năm nào cũng vậy, học sinh ít, (năm học này tổng số trẻ mầm non là 9 trẻ từ 3 đến 5 tuổi), vì thế thầy trò, người dân ở thôn Xà Chải thân thiết và gắn bó.

Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ thơ và niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ, chính là động lực để những “người thầy đặc biệt” tiếp tục cống hiến cho vùng cao, để yêu thương những đứa trẻ như yêu con của mình. Ước mơ của những đứa trẻ nơi đây cũng như được gieo ươm từ chính những “người thầy đặc biệt” - thầy giáo mầm non cắm bản.

Thầy giáo Vũ Duy Tiến, công tác tại điểm trường Xà Chải, Trường Mầm non Bản Khoang (một trong những điểm trường xa khó khăn của huyện Sa Pa) từ năm 2012 đến nay; Qua các năm học đều đạt Danh hiệu LĐTT, Giáo viên dạy giỏi cấp trường; Chất lượng giáo dục luôn có sự tiến bộ;  Điểm trường luôn sạch - xanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ