Cơ hội tiếp cận giáo dục nào cho trẻ tị nạn?

GD&TĐ - Trong hơn 13,7 triệu trẻ em tị nạn trên toàn thế giới, chưa đến 50% được tiếp cận giáo dục và đào tạo.

Nhiều trẻ em tị nạn tại Chad không được tiếp cận giáo dục.
Nhiều trẻ em tị nạn tại Chad không được tiếp cận giáo dục.

Không được đi học khiến các em rơi vào vòng xoáy nghèo đói, tệ nạn xã hội nhưng các quốc gia tiếp nhận người tị nạn cũng đang gặp khó trong việc hỗ trợ nhóm này.

Lớp học chào đón

“Mẹ ơi, mẹ có thể tự hào về con. Bài nào con cũng đạt điểm Một”, là câu nói gần đây của con trai khiến chị Anna Bobrakova cảm thấy vui vẻ và tự hào. Ở Đức, Một là điểm cao nhất cho các bài tập trên trường.

Hai con trai của chị Anna, lần lượt 15 và 12 tuổi, đang học “lớp chào đón” tại một trường ngữ pháp ở Berlin, Đức, nơi các em sẽ học tiếng Đức trước khi vào chương trình phổ thông.

Anna đã cùng các con rời khỏi Ukraine sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Bà mẹ đánh giá việc học tập của các con tại Đức diễn ra đang tốt. “Từ khi tôi đến Đức, tôi chưa phải thúc giục các con học tập. Con trai út của tôi rất thích đi học. Con lớn không quá háo hức nhưng đạt điểm tốt trên trường. Tôi thường khuyên các con chăm chỉ học tập tại Đức nếu không sẽ phải quay lại Ukraine”, chị Anna kể.

Sau 9 tháng ở Berlin, hai cậu bé không muốn quay lại Ukriane và họ không phải những người duy nhất. Theo bà Natalia Roesler, thành viên Mạng lưới Tổ chức di cư về Giáo dục Đức, khoảng 50% người tị nạn chiến tranh hiện nay muốn ở lại Đức, thậm chí họ đã ở lại vượt quá thời hạn 2 năm theo quy định.

Những người tị nạn Ukraine tại Đức được hưởng “sự bảo vệ tạm thời”, tức là tình trạng cư trú ban đầu có hiệu lực trong một năm nhưng có thể dễ dàng gia hạn 2 lần, mỗi lần 6 tháng.

Theo Cơ quan đăng ký người nước ngoài tại Đức (AZR), khoảng 1,02 triệu người tị nạn Ukraine đã đăng ký với chính quyền Đức vào tháng 11/2022. Khoảng 35% trong số họ là trẻ em và thanh niên dưới 18 tuổi. Hầu hết đang ở độ tuổi học tiểu học. Theo luật, các em bắt buộc phải đến trường, giống như trẻ em Đức.

Khoảng 201.000 trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine đang theo học tại các trường phổ thông Đức. Bà Karin Prien, người đứng đầu Cơ quan Giáo dục miền Bắc Schleswig-Holstein, đánh giá đây là một “thành tựu hội nhập tuyệt vời”.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có hướng dẫn toàn quốc về giáo dục cho trẻ em tị nạn. Việc các em được xếp vào trường phổ thông hay trước tiên phải tham gia “lớp chào đón” tuỳ thuộc vào địa phương nơi họ sinh sống. Ở một số bang, học sinh có thể chuyển sang học lớp bình thường sau khi học đủ tiếng Đức nhưng ở nơi khác, các em phải học dự bị khoảng một năm.

Bà Juliane Karrakayali, giáo sư xã hội học tại Evangelische Hochschule Berlin, Đức, tin rằng hội nhập tốt hơn là học dự bị. Việc phân biệt người nhập cư trong trường học mang lại nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực.

Các “lớp học chào đón” là hệ thống giáo dục song song không được tích hợp vào hệ thống trường học phổ thông và có yếu tố kỳ thị học sinh. Học sinh cũng không có chương trình học cố định mà nội dung giáo dục phụ thuộc vào từng giáo viên.

Đồng tình với quan điểm trên, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế RWI Leibniz cho rằng sự thành công của giáo dục học sinh tiểu học tị nạn sẽ giảm đáng kể nếu các em tham gia lớp học dự bị thay vì lớp truyền thống. Trẻ học dự bị cũng ít có khả năng chuyển tiếp lên trường trung học chuẩn bị cho giáo dục đại học.

Một lớp học dành cho trẻ tị nạn Ukraine tại Romania.

Một lớp học dành cho trẻ tị nạn Ukraine tại Romania.

Đợi nhập học trong mòn mỏi

Trong khi đó, tại Anh, trẻ tị nạn thường phải chờ hàng tháng để đăng ký vào một trường phổ thông. Em Waheed, 16 tuổi, cùng 4 anh em đến Anh vào năm ngoái sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan. Phải mất 7 tháng, Waheed mới được nhập học vào một trường công lập ở Anh.

Theo bà Emily Gough, nhà trị liệu tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, việc nghỉ học kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với những đứa trẻ bị tổn thương. Waheed và nhiều người trẻ khác đã trải qua nỗi đau mất mát người thân trong gia đình, nhà cửa, quê hương, cơ hội và sự bảo vệ.

“Tiếp cận giáo dục chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống của người trẻ nhưng lại là một khía cạnh cực kỳ quan trọng. Trong môi trường đủ tốt, trường học cung cấp cho những người trẻ tuổi một không gian an toàn, đáng tin cậy để bắt đầu xây dựng mối quan hệ gắn bó với với người lớn và bạn bè đồng trang lứa”, bà Emily phân tích.

Nếu các trường tiểu học cởi mở hơn trong việc nhận học sinh ngoài thời gian nhập học thông thường, thì các trường trung học Anh do dự trong việc nhận trẻ tị nạn.

Nguyên nhân là do những học sinh này có thể học kém vì không biết tiếng Anh và thậm chí không được giáo dục theo tiêu chuẩn cao bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ngoài ra, tại Anh, học sinh lớp 10 và 11, ở độ tuổi từ 14-16, là đối tượng mà các trường miễn cưỡng tiếp nhận nhất vì các em đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Kết quả thi của các em sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng của trường.

Một số tổ chức từ thiện đang cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của việc không được học trong thời gian dài này bằng cách cung cấp các bài học tiếng Anh và đào tạo kỹ năng cho các gia đình.

Bộ Giáo dục Vương quốc Anh cho biết họ đã làm những gì có thể để hỗ trợ trẻ em di cư đến thông qua các chương trình nhân đạo và tái định cư bằng cách cung cấp thêm kinh phí cho chính quyền địa phương.

Bộ Giáo dục Vương quốc Anh cũng đã đầu tư 434 triệu bảng Anh vào các trường học để hỗ trợ những học sinh có ngôn ngữ bổ sung là tiếng Anh, nhưng các trường có thể sử dụng số tiền này theo cách họ muốn và không bắt buộc phải ưu tiên học sinh nhập cư.

Việc giáo dục và đào tạo trẻ tị nạn, nhập cư vẫn là thách thức lớn với các nước phát triển. Còn ở những quốc gia nghèo đói khác, trẻ tị nạn càng gặp thách thức lớn hơn khi tiếp cận giáo dục.

Kể từ khi xung đột leo thang ở Sudan vào tháng 4 năm nay, hàng ngàn người đã rời đất nước để tìm kiếm sự an toàn. Nhiều người trong số họ, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã tìm được nơi ẩn náu ở nước láng giềng Chad. Trong các khu tị nạn, nhu cầu xây dựng lớp học cho trẻ em trở nên quan trọng.

Ông Saleh, Hiệu trưởng trường trung học trong trại tị nạn Djabal, Chad, cho biết: “Trở ngại chính với trẻ tị nạn khi tiếp cận giáo dục là việc khan hiếm nguồn lực và khả năng hoà nhập kém vào hệ thống giáo dục địa phương.

Ở Sudan, giáo dục bằng tiếng Ả Rập trong khi ở Chad là tiếng Pháp. Ngoài ra, những người tị nạn từ Sudan đã mất một phần lớn năm học do xung đột xảy ra. Giáo viên phải nỗ lực rất nhiều để bù đắp vào khoảng thời gian đã mất đó cho học sinh tị nạn”.

Nhiều người Sudan đang tiếp tục đến Chad nhưng rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Chính phủ Chad cảnh báo các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở nước này hiện không có đủ năng lực để đáp ứng tất cả nhu cầu của người tị nạn, trong đó có giáo dục.

Giáo dục giúp trẻ tị nạn giảm tỷ lệ kết hôn và mang thai sớm.

Giáo dục giúp trẻ tị nạn giảm tỷ lệ kết hôn và mang thai sớm.

Tiềm năng giáo dục cho trẻ tị nạn

Báo cáo mới đây của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy việc gia tăng các vấn đề xung đột, bạo lực đang phá huỷ khả năng tiếp cận giáo dục của hàng triệu trẻ em tị nạn trên thế giới.

Trong 13,7 triệu trẻ em là người tị nạn hoặc xin tị nạn, phải rời bỏ nhà cửa do khủng hoảng và bạo lực, gần 50% không được đến trường. Đáng chú ý, số lượng trẻ em tị nạn trên toàn cầu đang tăng hơn gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2021 và tăng 132% chỉ riêng từ năm 2010 đến năm 2021.

UNHCR cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể giữa học sinh tị nạn đang theo học tại trường tiểu học và học sinh tị nạn theo học tại trường trung học. Đây là vấn đề lớn bởi trung học là cửa ngõ dẫn đến giáo dục đại học và cải thiện cơ hội việc làm. Tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu có thể giảm hơn 50% nếu tất cả người lớn hoàn thành chương trình trung học.

Trẻ em Ukraine làm quen với môi trường học tại Đức.

Trẻ em Ukraine làm quen với môi trường học tại Đức.

Riêng với trẻ em gái, thêm một năm học có thể nâng cao khả năng kiếm tiền trong tương lai lên 21%. Ngược lại, không thể tiếp cận giáo dục khiến trẻ tị nạn rơi vào vòng xoáy đói nghèo, bị dẫn dụ vào các tệ nạn xã hội, hoặc đối mặt với các vấn đề nguy hiểm như lao động trẻ em, mang thai sớm...

Đại dịch khiến cơ hội giáo dục của người tị nạn càng bị hạn chế nghiêm trọng. Covid-19 đã gây khó khăn cho tất cả trẻ em, nhưng đối với những người tị nạn trẻ tuổi, vốn đã phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi đến trường, có thể dập tắt mọi hy vọng nhận được nền giáo dục mà các em cần. 

Giám đốc UNHCR Filippo Grandi cho biết: “Những tiến bộ gần đây đạt được trong việc nhập học của trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn hiện đang bị đe dọa. Đối mặt với thách thức này đòi hỏi một nỗ lực phối hợp lớn, và đó là một nhiệm vụ mà chúng ta không thể trốn tránh.”

Dữ liệu của UNHCR cho thấy những người tị nạn có trình độ học vấn cao hơn, sống khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Họ cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV thấp hơn và giảm tỷ lệ kết hôn sớm và mang thai sớm.

Trẻ em Afghanistan học tập trong các trại tập trung tại Pakistan.

Trẻ em Afghanistan học tập trong các trại tập trung tại Pakistan.

Trong bối cảnh trên, UNHCR kêu gọi các quốc gia đảm bảo quyền của tất cả trẻ em, bao gồm cả người tị nạn, được tiếp cận giáo dục trung học và đảm bảo chúng là một phần của hệ thống và kế hoạch giáo dục quốc gia.

Các quốc gia phải phát triển và ban hành các chính sách mạnh mẽ để đảm bảo đưa những người tị nạn trẻ tuổi vào hệ thống giáo dục quốc gia nhằm tạo cơ hội cho họ trau dồi kiến thức và thành công.

Ngoài ra, các bang có số lượng lớn người phải di dời cần hỗ trợ xây dựng năng lực: Thêm trường học, tài liệu học tập phù hợp, đào tạo giáo viên cho các môn học chuyên biệt, hỗ trợ và cơ sở vật chất cho các trẻ em tuổi vị thành niên, đồng thời đầu tư vào công nghệ và kết nối để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. 

UNHCR nhấn mạnh giáo dục tị nạn mang lại những lợi ích to lớn. Khi những người tị nạn được tiếp cận giáo dục, họ trở thành những nhà lãnh đạo, những người phát triển ứng dụng, tìm ra phương pháp chữa trị bệnh tật, xây dựng các tòa nhà mới... Tất cả những điều này đều mang lại lợi ích cho cả người tị nạn và quốc gia tiếp nhận họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.