Tạo hình thành công
Bệnh nhân may mắn là anh H.N. D (42 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) được các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện thành công ca tạo hình 1/2 lưỡi và sàn miệng bên trái bằng vạt đùi trước. Khai thác tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân D, cách đây 1 tháng, mỗi lần ăn uống, nuốt thức ăn, thậm chí nói chuyện, anh cũng thấy đau đớn và khó chịu, thỉnh thoảng khạc ra máu, cảm giác vướng trong cổ họng, ho dữ dội, dai dẳng…
Bằng cảm quan anh thấy bên trái sàn miệng có khối tròn nhỏ nghi là khối u. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan, các bác sĩ Bệnh viện K phát hiện bệnh nhân có khối u sàn miệng bên trái với kích thước 3 x 3,5cm, cứng, chắc, thể thâm nhiễm, sát lợi hàm và xâm lấn vào mặt dưới lưỡi (T). Kết quả chụp MRI cho thấy, vùng sàn miệng bên trái của bệnh nhân D có khối kích thước 21x24x36 mm, hạch dưới hàm hai bên kích thước 12mm. Sinh thiết khối u làm giải phẫu bệnh cho kết quả là ung thư biểu mô tế bào vảy xâm nhập, độ II. Kèm theo bệnh nhân được làm các xét nghiệm để đánh giá mức độ di căn xa như di căn hạch, phổi, hệ tiêu hóa… Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, chưa tìm thấy khối u di căn xa.
Sau đó, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư sàn miệng trái và được chuyển đến Khoa Điều trị A để tiến hành điều trị ổn định. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u cho bệnh nhân. Đối với các khối u nhỏ, bác sĩ chỉ cần khoét bỏ phần khối u và một ít mô lành ở rìa khối u để bảo đảm không để sót tế bào ung thư trong miệng của bệnh nhân. Nhưng vấn đề trở nên phức tạp hơn, với khối u lớn, các bác sĩ phải cắt bỏ một phần lưỡi, hoặc xương hàm của bệnh nhân. Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải làm thêm phẫu thuật tái tạo vùng miệng để giúp bệnh nhân có thể phục hồi các chức năng của miệng cũng như về mặt thẩm mỹ. Các bác sĩ chuyên ngành ung thư và phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện K đã phẫu thuật tạo hình thành công 1/2 lưỡi và sàn miệng bằng vạt đùi trước ngoài vi phẫu cho bệnh nhân D.
Tin vui cho những bệnh nhân ung thư miệng
Theo thống kê của Bệnh viện K, ung thư miệng là loại bệnh ác tính xếp thứ 6 trong tổng số ung thư toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh chiếm 6% tổng số các căn bệnh ung thư. Ung thư miệng có thể xuất hiện tại lưỡi, trong má, hàm, nướu… Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới 1,5 lần. Tỷ lệ mắc ung thư miệng có liên quan đến sự tăng lên của tuổi tác, tỷ lệ mắc bệnh sau độ tuổi 40 là đặc biệt cao. Bệnh ung thư khoang miệng nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm sẽ có tiên lượng tốt hơn so với bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn thể hiện ở thời gian sống thêm khi được chẩn đoán sớm sẽ cao hơn hẳn so với khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Điều trị ung thư miệng hiện tại có 3 biện pháp chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình khoang miệng, xạ trị và điều trị hóa chất. Với các ung thư miệng đến sớm, việc điều trị phẫu thuật cắt bỏ khối u có kết quả rất khả quan. Tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên đến 85%. BS Chiến cho rằng, từ trường hợp của bệnh nhân D, kỹ thuật phẫu thuật tạo hình 1/2 lưỡi và sàn miệng lần đầu tiên được áp dụng tại Bệnh viện K đối với các bệnh nhân ung thư sàn miệng đã cho kết quả tốt, mang lại hiệu quả điều trị cao cho các bệnh nhân ung thư. Về ưu điểm của kỹ thuật vi phẫu thuật đối với bệnh ung thư, BS chia sẻ, chất liệu tạo hình phong phú do đó kỹ thuật vi phẫu có thể tạo hình cho hầu hết các tổn thương lớn sau cắt bỏ ung thư ở hầu hết các vị trí như ung thư da, mô mềm, khoang miệng, ung thư hạ họng, ung thư vú, ung thư dương vật, tầng sinh môn… Ngoài ra, vì sức sống của vạt tổ chức tốt do đó sau khi phẫu thuật tạo hình vạt có khả năng chịu đựng được các điều trị phối hợp như hóa chất, xạ trị.
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện K, hiện chưa có một phương pháp nào được chứng minh là có thể ngăn chặn ung thư miệng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, có thể làm giảm nguy cơ ung thư miệng nếu người dân ngừng sử dụng thuốc lá hoặc không bắt đầu hút thuốc; giảm hoặc không uống rượu. Thực tế, việc lạm dụng rượu thường xuyên có thể kích thích các tế bào trong miệng, khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ ung thư miệng. Chọn một chế độ ăn uống giàu các vitamin và chất chống oxy hóa trong trái cây và rau quả giúp giảm nguy cơ ung thư miệng. Vệ sinh răng miệng hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, thường xuyên đi khám định kỳ nha sỹ, 6 tháng/lần, nhằm kiểm tra miệng ở các khu vực bất thường có thể gây ra ung thư miệng hoặc những thay đổi tiền ung thư.