Cô học trò không tay đi thi, nuôi ước mơ làm cô giáo

GD&TĐ - Em Lê Thị Thắm (SN 1998) ở thôn Đại Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) sinh ra đã bị khuyết đôi tay nhưng với nghị lực phi thường em luôn cố gắng học tốt và quyết tâm tham gia kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện ước mơ làm cô giáo.

Thí sinh Lê Thị Thắm trong buổi làm thủ tục thi, tại Hội đồng thi Trường THPT Quảng Xương 1, sáng ngày 30/6. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Thí sinh Lê Thị Thắm trong buổi làm thủ tục thi, tại Hội đồng thi Trường THPT Quảng Xương 1, sáng ngày 30/6. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Nghị lực tạo nên phép màu

Lê Thị Thắm, học sinh Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) bị khuyết tật bẩm sinh, không có hai cánh tay nhưng với nghị lực phi thường Thắm đã đạt được nhiều thành tích trong học tập khiến nhiều bạn học cùng trang lứa khâm phục: 12 năm liền, đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi.

Tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Lê Thị Thắm dự thi tại điểm thi ở Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương).

Hôm nay (30/6), Thắm được mẹ đưa đến điểm thi để làm thủ tục thi. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, hình dáng đặc biệt hơn những thí sinh khác là không có hai cánh tay khiến nhiều người thán phục.

Chị Nguyễn Thị Tình, mẹ của Thắm chia sẻ: Khi sinh Thắm, gia đình chết lặng khi thấy Thắm không có hai tay. Sau nửa năm Thắm mới biết lật, 3 tuổi mới bắt đầu tập đi, lên 4 tuổi mới biết nói. Khi lên 4 tuổi, gia đình khó khăn nên mẹ Thắm đã gửi em đi nhà trẻ để có thời gian đi làm.

Đến lớp, thấy các bạn học viết chữ, Thắm về nhà đòi mẹ mua sách, vở để học viết chữ như các bạn. “Nghe con nói vậy, tôi xót xa lắm, chỉ nhìn con mà khóc. Nhưng Thắm đã dùng chân thay cho bàn tay để tập viết chữ”- Chị Tình nói.

Thời gian đầu, Thắm tập viết bằng chân rất khó khăn, vất vả. Thắm cứ miệt mài tập viết mà trên giấy vẫn chỉ là những đường loằng ngoằng không thành nét.

Không nản lòng, cứ sau buổi học về nhà, Thắm ngồi trong phòng tự luyện viết, những ngón chân bị phồng rộp, tê cứng thậm chí còn bị bật máu.

Vợ chồng chị Tình nhìn con thương lắm, cũng không dám nghĩ đến việc con mình có thể viết được một chữ cái. Nhưng như một phép màu, nghị lực phi thường của Thắm đã được đền đáp, khoảng 6 tháng sau em đã viết thành thạo bảng chữ cái.

Khi bước vào lớp 1, nhìn thấy Thắm dùng chân mở cặp, lấy vở ra viết, khiến cho thầy cô và các bạn cùng lớp khâm phục. Sau này, không chỉ viết thành thạo, Thắm còn viết chữ rất đẹp.

Thắm còn đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi như: Năm học lớp 3, em đạt giải nhì cuộc thi vẽ tranh Hội người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, lớp 5 em giành giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp của huyện và tỉnh, lớp 8 em đạt giải vẽ tranh ở huyện và giải thi Tiếng Anh trên mạng…

Lấp lánh ước mơ làm cô giáo

Ấp ủ ước mơ được làm cô giáo dạy môn Tiếng Anh, Thắm cố gắng phấn đấu ôn thi tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Sức khỏe của Thắm không được tốt, em thường xuyên đau ốm, cột sống bị cong, vẹo đi lại khó khăn, ruột tắc khiến Thắm ăn uống kém, cơ thể bị suy nhược. Không những vậy, em còn mang trong mình căn bệnh viêm đường tiết niệu, u nang.

Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn chưa thuyên giảm. Vì vậy, đã 19 tuổi nhưng Thắm chỉ cân nặng 24 kg.

Đặc biệt, khoảng gần 2 năm nay, Thắm ốm đau liên miên, mỗi tháng lại phải đi bệnh viện một lần. Nhà Thắm không có điều kiện nên Thắm không nằm viện dài ngày mà chỉ xin đơn thuốc về nhà điều trị.

"Cháy" ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường đại học nên dù ốm yếu Thắm vẫn muốn về nhà chăm chỉ học tập để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia.

Thắm cho biết: Em mơ ước sẽ trở thành cô giáo dạy Tiếng Anh để dạy cho học sinh tại quê hương, nơi em sinh ra và lớn lên. Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, em đăng ký thi khối D (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Kể chuyện về cô học trò khuyết tật có nghị lực phi thường Lê Thị Thắm, ông Hoàng Dũng Sĩ - Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Hồng Đức - thông tin: Trước khi diễn ra kỳ thi, gia đình thí sinh Lê Thị Thắm cũng đã đến gặp Ban Giám hiệu nhà trường bày tỏ nguyện vọng được học tập tại trường nếu đủ điều kiện xét tuyển vào khoa em đăng ký.

Ban Giám hiệu nhà trường đã đồng ý và quyết định nếu em Thắm đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho mẹ em có một việc làm phù hợp tại trường để tiện trong việc chăm sóc cho em Thắm học tập.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Quảng Xương 1, nơi em Thắm dự thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học, nhà trường đã chỉ đạo cán bộ tại hội đồng thi tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em Thắm dự thi như: Chuẩn bị bàn viết phù hợp để em làm bài thi, bố trí vị trí cố định để em không phải di chuyển trong các buổi thi, lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ em trong những ngày thi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ