Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Với tấm lòng yêu thương học trò, nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Gia đã không ngại khó khăn, góp phần tạo ra diện mạo mới cho giáo dục tiểu học miền núi Hà Tĩnh.

Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục vùng cao
Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục vùng cao

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh cũng là 1 trong 2 giáo viên của Hà Tĩnh được Bộ GD&ĐT vinh danh là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2021.

Hiệu trưởng 2 điểm trường cách nhau hơn 20km

Gắn bó với nghề giáo từ năm 1993, từng có 18 năm tham gia trực tiếp giảng dạy và 10 năm làm cán bộ quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh đã luân chuyển công tác tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Hương Khê. Năm 2016, cô Nguyễn Thị Hạnh được phân công làm Hiệu trưởng tại trường Tiểu học Phú Gia. Mỗi đơn vị đi qua, không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, cô Hạnh đã đồng hành với rất nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn.

Trường tiểu học Phú Gia nằm trên địa bàn xã Phú Gia của huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là khu vực giáp biên giới, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã, trường còn có một điểm trường cách đó hơn 20km tại bản Phú Lâm, nằm cách biên giới Việt Làm khoảng 35 km. Hơn một nửa học sinh tại điểm lẻ là con em đồng bào dân tộc Lào theo học.  

Cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh)
Cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh)

Các điểm trường cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, trang thiết bị dạy học đã cũ, hỏng. Đường đến trường vô cùng khó khăn, không chỉ xa xôi mà còn hư hỏng, xuống cấp. Đồ dùng học tập, trường lớp tại điểm trường Phú Lâm còn tạm bợ, không đủ lớp nhà trường phải tổ chức 2 lớp ghép 1,2 và 3,4 cho các em học sinh tại bản. Khó khăn vất vả như vậy nhưng cô cùng các giáo viên vẫn bám bản, bám trường, dành hết công sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao này.

“Chứng kiến sự vất vả của học trò càng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó giúp các em có môi trường học tập tốt hơn. Với phương châm không trông chờ vào ngân sách Nhà nước, hằng năm, tôi đều thực hiện vận động xã hội hóa bằng nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực đóng góp từ cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và Nhân dân trên địa bàn.

Cô Hạnh trao quà hỗ trợ cho các học sinh trở về từ vùng dịch sau khi cách ly trở lại trường học tập
Cô Hạnh trao quà hỗ trợ cho các học sinh trở về từ vùng dịch sau khi cách ly trở lại trường học tập

Từ những nguồn huy động được, lúc thì sửa lại mái ngói, lát nền, sửa sang phòng lớp học…, nhà trường dần khắc phục điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Những nguồn hỗ trợ này đều minh bạch để tạo sự tin tưởng giữa người ủng hộ cũng như phụ huynh, học sinh”, cô Hạnh chia sẻ.

Sự gương mẫu, tiên phong của cô hiệu trưởng đã gặp được sự đồng lòng của giáo viên trong trường. Nhiều cô giáo đã tự nguyện quyên góp, ủng hộ cho những học sinh khó khăn bằng tiền và hiện vật để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Nhiều cô đã lặn lội đến từng nhà học sinh, mua sắm cho các em sách vở quần áo, mang gạo để vận động các em đến trường.

Góp phần thay đổi diện mạo trường vùng cao

Trong gần 5 năm công tác tại trường, cô giáo Hạnh đã huy động được gần 10 tỷ đồng từ các nguồn xã hội và nhà hảo tâm. Với số tiền này, những năm qua diện mạo, cơ sở vật chất tại trường TH Phú Gia đã được đầu tư bài bản, khang trang. Trường đã có thêm dãy nhà hành chính quản trị, thư viện xanh;  sân vườn, khuôn viên, hàng rào, thư viên… được nâng cấp. Hiện nay, nhà trường đang trong quá trình xây dựng thêm 1 dãy nhà 2 tầng để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…

"Dù ở cương vị là giáo viên hay cán bộ quản lý, cô giáo Hạnh luôn làm tận tụy với công việc.  Dù điều kiện cơ sở vật chất nhà trường nơi cô công tác còn nhiều khó khăn nhưng sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô đã giúp các em học sinh vùng cao có điều kiện tốt hơn. Những đóng góp của cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần tạo niềm tin của phụ huynh đối với ngành giáo dục miền núi", ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê ghi nhận.

“Với đặc thù của huyện miền núi nghèo, phụ huynh còn khó khăn nên chúng tôi luôn cố gắng tranh thủ được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng  và kêu gọi các nguồn hỗ trợ bằng thông qua mạng xã hội…

Cùng sự quan tâm của huyện của phòng giáo dục đến nay cơ sở vật chất của nhà trường tương đối khang trang, thiết bị dạy học tương đối đầy đủ”, cô Hạnh tâm sự.

Cùng với đó, cô Hạnh là một trong những người tiên phong thực hiện việc đổi mới công tác quản lý, bồi dưỡng giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Trong nhiều năm qua, chất lượng giảng dạy của nhà trường luôn được xếp trong tốp đầu của huyện Hương Khê
Trong nhiều năm qua, chất lượng giảng dạy của nhà trường luôn được xếp trong tốp đầu của huyện Hương Khê

Ngay từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức các lớp chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá học sinh để bồi dưỡng giáo viên. Động viên giáo viên, bồi dưỡng về kiến thức và phương pháp giảng dạy để tham gia các hội thi Giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Với sự tâm huyết của hiệu trường và sự đồng lòng của cán bộ giáo viên, trong nhiều năm liên tục, chất lượng giáo dục trường Tiểu học Phú Gia ngày càng được nâng lên. Học sinh giỏi hàng năm đạt từ 8- 30 em (năm học 2020-2021 có 30 em được công nhận học sinh giỏi các cấp, trong đó học sinh giỏi tỉnh: 2 em, học sinh giỏi huyện: 28 em). Trường luôn được xếp trong tốp đầu của huyện Hương Khê, 2 năm liên tục (2019-2020, 2020-2021) được UBND huyện xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường giữ vững trường chuẩn Quốc gia mức độ 1; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Trong 10 năm gần đây, bản thân cô giáo Hạnh đã có 9 SKKN được công nhận cấp huyện; 8 năm được Đảng ủy khen thưởng về công tác Đảng; 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2021-2022, cô Nguyễn Thị Hạnh vinh dự trở thành 1 trong 2 tấm gương của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh được Bộ GD&ĐT vinh danh trong “Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu” năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.