Giáo viên vùng cao: Hạnh phúc là khi thấy trẻ được tới lớp

GD&TĐ - Đối với giáo viên vùng cao, “Trường học hạnh phúc” là khi các em đều được đến lớp. Hạnh phúc của thầy, cô là được nghe những tiếng cười nói hồn nhiên, tiếng bi bô học bài của đám trẻ vùng cao, thế là quá đủ…

Không để hụt “quân số”…

Mỗi khi đến năm học mới, việc đi chiêu sinh đã trở thành “thông lệ" với một số trường vùng cao Tây Bắc. Phần lớn phụ huynh ở đây đều là người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế. Việc học tập của con em mình lại chưa được quan tâm đúng mức.

Cô Hà Thị Liêm - Giáo viên Trường Mầm non Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, Sơn La) tâm sự: “Năm nào cũng vậy, tôi đều phải đến từng nhà vận động học sinh đi học. Mùa hè thì oi bức, nắng gay gắt, người ướt đẫm mồ hôi. Mùa mưa đường trơn trượt, lầy lội, tôi phải đi bộ từ đầu bản tới cuối bản. Mỗi khi đi chiêu sinh thực sự là một thử thách không nhỏ. Có những em nhà xa, tôi phải đi hơn 10km đường rừng mới đến được. Vất vả là thế, nhưng với giáo viên ở điểm bản lẻ thì cứ làm sao để các con đến lớp đông đủ là vui rồi!”.

Việc vận động học sinh đến lớp đã khó, việc giữ chân các em lại còn khó hơn. Để duy trì được sĩ số lớp học như vậy, đã không ngừng cố gắng để các em được đến trường.

“Để duy trì sĩ số học sinh như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn. Có lúc tôi thấy mệt mỏi. Nhưng nghĩ đến các con tôi lại tự nhủ là mình phải nỗ lực hơn nữa. Khi một em nghỉ học, tôi phải vào tận bản để thuyết phục, vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường. Có những trường hợp phải đi đi, lại lại, cũng có khi lên bản cả tuần trời mới thuyết phục được gia đình. Nếu không thực sự yêu nghề, không thật sự thương các cháu thì sau này các cháu sẽ lại vất vả như bố mẹ ngày trước.”, cô Liêm kể lại.

Sân chơi do giáo viên tự tạo
Sân chơi do giáo viên tự tạo

Theo cô Liêm, tình yêu đối với trẻ là tình “mẹ con”. Cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ, là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì thế, giáo viên cần xác định quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Phải có phương pháp dạy trẻ hợp lí với từng lứa tuổi, vùng miền.

Những khó khăn, vất vả Chiềng Nơi thì vô vàn. Đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ, cô và trò không giao tiếp được để hiểu nhau. Học sinh ở đây rất nhút nhát, không biết vệ sinh cá nhân, cũng không nói được tiếng phổ thông. Để giao tiếp được với học sinh, cô Liêm phải tự tìm tòi, học hỏi thêm ngôn ngữ mới.

“Lúc ấy tôi nghĩ: “Muốn các con hiểu cô nói thì tại sao cô không thử hiểu ngôn ngữ của trẻ, xem các con đang nói gì ?”. Vì vậy, tôi đã bắt tay vào việc học tiếng dân tộc, rồi làm thân với từng trẻ. Từ đó, biết được nhu cầu của gia đình và học sinh. Khi hiểu được rồi, tôi bắt đầu tăng cường dạy tiếng phổ thông cho trẻ, để trẻ có khả năng nói tiếng Việt nhiều hơn, giao tiếp được nhiều hơn, giúp các con mạnh dạn hơn khi đến lớp học. Việc học chữ cái cũng trở nên dễ dàng hơn”, cô Liêm chia sẻ.

Gây hứng thú cho trẻ bằng đồ chơi tự tạo  

Niềm vui của giáo viên "cắm bản" là khi học sinh đông đủ
Niềm vui của giáo viên "cắm bản" là khi học sinh đông đủ

Ngoài thời gian học thêm tiếng dân tộc, cô Liêm tranh thủ thời gian rảnh tự làm đồ dùng, đồ chơi để cải thiện các tiết học và tạo hứng thú cho học sinh.

Cô Liêm thường tận dụng những vật liệu sẵn có để “chế tạo” đồ chơi cho học sinh. Ví dụ tạo chiếc “xích đu”, hay chỉ cần mấy cây tre cũng tạo ra được chiếc cầu bập bênh. Cô còn nhờ phụ huynh thu gom rồi đem nộp lại vỏ chai lọ, lon bia… để chế tạo ra các đồ vật như: đèn lồng, các con vật ngộ nghĩnh.

“Mỗi lần thấy có đồ mới là các em thấy rất hào hứng và phấn khởi lắm. Thấy vậy tôi lại cố gắng làm nhiều đồ chơi hơn”, cô Liêm vui vẻ nói.

Đối với cô Liêm, mỗi ngày, khi nghe thấy tiếng vỗ tay, tiếng hát lanh lảnh hòa trong tiếng cười hồn nhiên của “em thơ”, là điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc nhất. Tất cả muộn phiền, lo âu dường như sẽ không còn. Tiếng nô đùa của bọn trẻ ở bản vùng cao nghèo cũng là nguồn động lực để những giáo viên “cắm bản” như cô tiếp tục công việc mà mình đã chọn.

Một buổi đến trường của học sinh trường Mầm non Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La
Một buổi đến trường của học sinh trường Mầm non Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La

Ngoài ra, hình ảnh học sinh vào ngày mưa, rét vẫn đến lớp học chăm chỉ, đúng giờ là những khoảnh khắc cô không bao giờ quên.

“Học sinh ở đây hầu như không được bố mẹ đưa đến trường. Trời nắng cũng như trời mưa, các con phải tự đi bộ băng qua những dãy núi đến lớp cùng anh chị học tiểu học. Có hôm trời mùa đông mưa và rét học sinh vẫn phải đi chân đất đi học. Thấy người các con ướt đẫm và chân thì đỏ lạnh mà tôi rơi nước mắt”, cô Liêm bùi ngùi chia sẻ.

“Thấy được sự khó khăn vất vả đó, tôi càng không dám để bản thân mình nản chí. Ngược lại càng phải yêu thương các cháu nhiều hơn, coi các con như con ruột của mình. Gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống cho trẻ. Tôi luôn kết hợp với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất”, cô Liêm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.