Đau đớn và sợ hãi, lũ trẻ bắt đầu gây gổ đánh nhau, bỏ học. Chúng cũng xa lánh mẹ và Hanan biết không thể để chuyện này đi xa hơn nữa.
Từ mẹ sang cô giáo
Hanan al-Hroub sinh năm 1972, lớn lên trong trại tị nạn Dheisheh ở gần Bethlehem, thành phố Palestine thuộc miền Trung Bờ Tây. Nửa cuối thế kỷ XX, chính trị Bờ Tây đầy rối ren, chiến tranh xảy ra liên miên. Từ khi còn nhỏ, Hanan đã phải chứng kiến nhiều cảnh đổ máu nên cô chỉ ao ước một điều, thế giới không còn bạo lực.
Trái với mong mỏi, bạo lực ngấm sâu vào cuộc sống của Hanan. Chồng cô từng tham gia một cuộc đánh bom vào năm 1980 ở Hebron, Israel, khiến 6 người thiệt mạng. Tháng 10/2000, 2 con gái sinh đôi, 9 tuổi và cậu con trai của Hanan trúng đạn lạc từ lính Israel đang tấn công trạm kiểm soát gần Bethlehem. Chồng cô cũng vướng vào trận chiến này và bị thương ở vai.
“Sự cố đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Cả gia đình tôi đều bị sốc. Các con tôi đau đớn, hoảng loạn và bỏ học. Các giáo viên thì không biết làm thế nào để an ủi và đối phó”, Hanan kể lại. Suốt ngày, 3 đứa trẻ cãi lộn và la khóc. Chúng không chỉ trốn đi học, mà còn tránh xa cha mẹ. “Chính vào lúc này, tôi nhận ra mình phải trở thành cô giáo, trước tiên là giáo viên của các con tôi”, Hanan quyết tâm.
Chơi mà học
Một học sinh của cô giáo Hanan vui vẻ tự chụp hình cùng cô giáo. |
Quan sát các con, Hanan thấy chúng bình tĩnh hơn khi có gì đó để chơi. Càng được cuốn vào trò chơi, chúng càng thả lỏng tinh thần và quên mất chấn thương. “Thế là tôi liền biến một góc nhà thành sân chơi, để các con tha hồ nghịch. Sau đó, tôi dần dần lồng ghép các môn học vào trong trò chơi. Lũ trẻ không nhận ra, thích thú chạy theo. Chẳng bao lâu, chúng đã tiến bộ hơn rất nhiều”, Hanan hạnh phúc.
Hanan gọi kỹ thuật dạy học mà cô dùng là “chơi mà học”. Qua “chơi mà học”, con cô tự tin lên, sáng tạo hơn, cởi mở với mẹ. “Nhờ nó, tôi vừa thay đổi được hành vi xấu cho chúng, vừa nâng thành tích học tập lên”.
Thành công chữa chấn thương tâm lý cho con bằng “chơi mà học”, Hanan quyết định trở thành cô giáo. Cô thi vào đại học, vừa nội trợ vừa nỗ lực hoàn tất các tín chỉ. Sau 5 năm, Hanan tốt nghiệp và thật sự trở thành giáo viên.
Nói “không” với bạo lực
Người dân Palestine reo mừng trước tin Hanan đoạt giải Giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu. |
Năm 2007, Hanan lần đầu tiên đứng lớp. Israel luôn đưa tin “trường học Palestine kích động trẻ em thù địch, chống đối Israel”. Hanan kịch liệt bác bỏ.
“Tuy trường tôi dạy học là trường công, nhưng điều kiện vật chất cũng không có gì nhiều. Chúng tôi không được cấp ngân sách cho trang thiết bị, cần gì cũng phải tự cung tự cấp. Dù vậy, tôi vẫn vô cùng yêu trường lớp. Với tôi, lớp học giống như nhà và học sinh giống như các con. Vì đã có tuổi thơ khốn khổ, tôi tuyệt đối không muốn học sinh của mình phải trải qua hoàn cảnh tương tự. Trẻ em nên và phải được bảo vệ khỏi bạo lực”, cô kêu gọi.
Thực tế cuộc sống cho Hanan thấy, trẻ em bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì xảy ra xung quanh. Hành vi bạo lực của một số em chỉ là phản ứng của chúng trước môi trường quá đỗi khắc nghiệt. “Tôi muốn mang đến cho các em một nơi an toàn để học tập”, Hanan nói.
Bằng kinh nghiệm chữa lành cho các con, Hanan nhận thấy, điều quan trọng nhất không phải nhồi nhét kiến thức, mà là xây dựng nhân cách thông qua “chơi mà học”. Cô tin tưởng, phương pháp này vừa hạn chế tâm tính xấu vừa khơi dậy các giá trị nhân văn.
Ví dụ, để trẻ nhận ra thế nào là đoàn kết và trách nhiệm, Hanan cố ý mang một món tiền lên lớp, để trên bàn và nói: “Nếu em nào cần thì có thể mượn, nhưng phải hứa trả lại”. Một ngày nọ, món tiền biến mất. Lớp Hanan có 29 học sinh. Cô đã hợp tác cùng các em, tạo nên đội 30 người, tích cực điều tra. Kết quả, họ phát hiện kẻ trộm là một nam nhân viên trong trường.
Thông qua “hợp tác điều tra”, các học sinh gắn bó, tin tưởng lẫn nhau và cũng thân thiết với cô giáo hơn. “Kẻ xấu” bị lật mặt, khiển trách và phải nhận lỗi. “Lớp học là nơi quan trọng với tất cả cô trò. Chúng tôi trân trọng, bảo vệ nơi này. Sự trân trọng, bảo vệ ấy chính là nền tảng cho tương tác xã hội về sau. Xây dựng hành vi đúng đắn, đấy mới chính là những gì tôi muốn hình thành ở các em khi đứng lớp”, Hanan cho biết.
“Điều mà tôi thấy ghen tị nhất khi đến châu Âu và Mỹ là sự ổn định, an toàn của trường lớp, phương pháp giáo dục mà họ có. So với họ, nền giáo dục Palestine vẫn thiếu thốn quá nhiều. Dẫu thế, chúng tôi vẫn kiên quyết nói không với bạo lực. Chúng tôi muốn hòa bình với con cái. Chúng tôi phải lấy lại bằng được niềm vui, sự hạnh phúc trong đôi mắt của mỗi trẻ thơ”.
Năm 2016, Hanan vinh dự đoạt giải Giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu. Nhận tiền thưởng trị giá 1 triệu USD (tương đương 24,36 tỷ đồng), cô lên kế hoạch giải ngân dần trong 10 năm, hỗ trợ trẻ em, sinh viên, giáo viên Palestine nghèo vượt khó.
“Tôi tự hào là cô giáo Palestine đoạt giải này. Đây không chỉ là chiến thắng của riêng tôi, mà là chung cho tất cả các giáo viên và học sinh Palestine. Mỗi ngày, vai trò của các thầy cô được củng cố. Nó nhấn mạnh trước cả thế giới, tương lai mà chúng tôi muốn tạo dựng cho con em là như thế nào”, Hanan tự hào.