Kenya: Thầy giáo nông thôn với giải thưởng giáo viên toàn cầu

GD&TĐ - Một giáo viên khoa học đến từ vùng nông thôn Kenya, người đã dành phần lớn tiền lương của mình để hỗ trợ các học sinh nghèo tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật đã giành được Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (STEM)

Nhà giáo Peter Tabichi - tấm gương sáng của giáo dục Kenya.
Nhà giáo Peter Tabichi - tấm gương sáng của giáo dục Kenya.

Người thầy của những giải thưởng

Peter Mokaya Tabichi sinh năm 1982 tại Kenya. Ông xuất thân từ dòng thánh Phanxicô ở Kenya, và là GV môn Toán và Vật lý của Trường Trung học Keriko, quận Nakuru (Kenya). Tabichi đã dành 80% tiền lương của mình để giúp đỡ HS nghèo, và giành được Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu trị giá 1 triệu USD. Giải thưởng này được thành lập vào năm 2014 bởi Quỹ Varkey về giáo dục, dành cho giáo viên có thành tích xuất sắc trong nghề nghiệp.

Tabichi cũng có tên trong danh sách 10 GV vào chung kết từ khắp nơi trên thế giới. Thành tích của Tabichi bao gồm hơn một nửa số HS trong ngôi trường kém may mắn của ông đang giảng dạy đủ điều kiện vào đại học hoặc cao đẳng và số HS nhập học tăng gấp đôi trong ba năm. Ông cũng được Liên Hợp Quốc công bố là Nhân vật của năm ở Kenya.

“Tôi dạy ở một trường thiếu nhân lực và không có cơ sở vật chất đầy đủ. Thật khó khăn khi giảng dạy trong một môi trường như vậy, nhưng tôi cố gắng sáng tạo hết sức có thể. Tôi cũng cố vấn cho các HS của mình và giúp các em khai phá tiềm năng của mình”, Tabichi chia sẻ.

Thực trạng trường lớp ở Kenya

Tabichi giảng dạy tại Trường Trung học Keriko Mixed Day, thuộc ngôi làng Pwani. Trường nằm ở vùng xa xôi và hẻo lánh, khá khô cằn của Thung lũng Rift của Kenya. HS của trường đến từ nhiều nền văn hóa và tôn giáo đa dạng, và phải học trong những phòng học có cơ sở vật chất thiếu thốn. Cuộc sống của HS cũng gặp nhiều khó khăn do trong vùng thường xuyên xảy ra hạn hán và đói kém. Có đến 95% HS xuất thân từ các gia đình nghèo, gần một phần ba là trẻ mồ côi hoặc chỉ sống với cha hoặc mẹ, và nhiều em không có gì để ăn.

Tình trạng lạm dụng ma túy, mang thai ở tuổi vị thành niên, bỏ học sớm, kết hôn trẻ và tự tử là phổ biến. Xoay quanh cuộc sống trong một ngôi trường chỉ có một máy tính, mạng Internet kém và tỷ lệ HS/GV là 58/1, không phải là việc dễ dàng. Để có thể đến trường, HS phải đi bộ khoảng 7km dọc theo những con đường không thể đi qua vào mùa mưa.

Nhà giáo Peter Tabichi nhận giải thưởng toàn cầu danh giá.
Nhà giáo Peter Tabichi nhận giải thưởng toàn cầu danh giá.

Giá trị nhân văn

Thầy Peter Tabichi đã thành lập một câu lạc bộ nuôi dưỡng tài năng và mở rộng thuộc phạm vi câu lạc bộ Khoa học của trường, nhằm giúp HS có điều kiện thiết kế các dự án nghiên cứu có chất lượng đạt mức 60%, đủ điều kiện để tham gia các cuộc thi quốc gia.

Thầy Peter Tabichi còn cố vấn cho HS của mình thông qua Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Kenya 2018 - nơi các HS trưng bày một thiết bị mà các em đã phát minh, dành cho người mù và điếc trong việc đo các vật thể. Kết quả, là ngôi trường làng của ông đứng đầu toàn quốc trong hạng mục trường công lập. Nhóm HS của Tabicho cũng đủ điều kiện để tham gia Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế INTEL 2019 ở Arizona (Mỹ), và giành được giải thưởng từ Hiệp hội Hóa học Hoàng gia sau khi khai thác đời sống thực vật địa phương để tạo ra điện.

Peter Tabichi và 4 đồng nghiệp nỗ lực dạy phụ đạo cho những HS có học lực yếu môn Toán, Khoa học ngoài giờ lên lớp và vào cuối tuần. Ông và đồng nghiệp cũng thường xuyên đến thăm nhà HS và gặp gỡ phụ huynh để xác định những thách thức mà các em phải đối mặt. Mặc dù giảng dạy trong một ngôi trường chỉ có một máy tính để bàn kết nối gián đoạn, Tabichi vẫn cố gắng để sử dụng công nghệ thông tin trong 80% bài học của mình để thu hút HS, ghé thăm các quán cà phê Internet và lưu vào bộ nhớ các nội dung trực tuyến để sử dụng ngoại tuyến trong lớp.

Thông qua việc khiến HS tin tưởng vào bản thân, thầy Peter Tabichi đã cải thiện đáng kể thành tích và lòng tự trọng của HS. Nhờ đó mà số HS ghi danh học đã tăng gấp đôi lên lên con số 400 HS trong vòng ba năm, và các trường hợp vi phạm kỷ luật đã giảm từ 30 trường hợp mỗi tuần xuống chỉ còn 3 trường hợp. Năm 2017, chỉ có 16/59 HS vào ĐH, đến năm 2018 đã có 26 HS vào ĐH và CĐ. Đặc biệt, thành tích của HS nữ đã được nâng cao và ở tốp đầu trong cả 4 bài kiểm tra tốt nghiệp quốc gia được thiết lập vào năm 2016.

Thầy Tabichi chia sẻ: “Nhìn thấy HS của mình phát triển về kiến ​​thức, kỹ năng và sự tự tin là niềm vui lớn nhất đối với tôi trong việc giảng dạy. Khi các em trở nên kiên cường, sáng tạo và làm việc hiệu quả trong xã hội, tôi rất hài lòng vì đã đóng vai trò là người khởi xướng vận mệnh lớn nhất của các em. Tôi là chìa khóa mở ra tiềm năng của các em một cách thú vị nhất”.

Tấm lòng của một nhà giáo

Khi được hỏi giải thưởng này có ý nghĩa gì với ông, Tabichi cho biết: “Nó có rất nhiều ý nghĩa. Giải thưởng không chỉ dành cho một mình tôi, mà còn dành cho tất cả GV khác nữa. Đó là những gì mà chúng tôi đang làm, vì nó thực sự quan trọng trong xã hội và xứng đáng được ghi nhận. Đồng thời, nó cho thấy điều đó cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho HS. Đó là vì những thành tích từ HS của tôi để tôi có được sự công nhận này. Tôi muốn sử dụng nền tảng này để truyền cảm hứng cho những HS nghèo trong cộng đồng. Chất lượng giáo dục không chỉ là về kiến ​​thức hàn lâm, mà còn là sự hình thành nhân cách, khả năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và khám phá tài năng của HS.

Bất kể HS đến từ đâu, mỗi em đều có năng khiếu và cần được tạo cơ hội. Là GV, chúng ta cần nhận thức được điều đó. Giải thưởng STEM là một cách tuyệt vời để khai phá tiềm năng của giới trẻ châu Phi. Nó cũng trang bị cho HS các kỹ năng quan trọng khác như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và cách trở nên sáng tạo và đổi mới. Bằng cách này, HS sẽ có thể giải quyết một số thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt ở châu Phi ngày nay, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu lương thực và nước”.

Theo Global Teacher Prize, BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.