Cô của trò nghèo trở thành Giáo viên Toàn cầu

GD&TĐ - Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu năm 2021 được trao cho cô giáo Keishia Thorpe, giáo viên Trường Trung học Quốc tế Langley Park, bang Maryland.

Cô giáo Thorpe (giữa) giành Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu 2021.
Cô giáo Thorpe (giữa) giành Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu 2021.

Giải thưởng được trao nhờ vai trò cố vấn và hỗ trợ những học sinh Mỹ gốc Latinh, người nhập cư hoặc người tị nạn tại Mỹ đạt giấc mơ đỗ đại học.

Vươn lên từ nghèo khó

Sinh ra và lớn lên tại quốc gia Trung Mỹ, Jamaica, từ nhỏ cô Thorpe đã chăm chỉ học hành, giành nhiều thành tích học tập, đặc biệt trong các môn thể thao. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa đầu ra tại trường trung học, cô Thorpe trở thành tân sinh viên Trường Đại học Howard, Mỹ, theo học bổng điền kinh. Nữ giáo viên tiết lộ quyết tâm giành học bổng đến Mỹ với hy vọng về một tương lai tươi  đẹp hơn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thorpe quyết định trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh yếu thế như thế hệ người Mỹ gốc Latinh, trẻ em nhập cư, trẻ em tị nạn tại Mỹ. Đây là những nhóm thuộc gia đình nghèo, có ít quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và thường bị phân biệt đối xử.

Nữ giáo viên bày tỏ: “Khi nhắc đến học sinh, tôi nghĩ về việc cha mẹ của các em đã hy sinh bao nhiêu để các em được hưởng nền giáo dục bình đẳng, công bằng. Điều này khiến tôi nhớ lại hành trình của bản thân. Và đó là lý do tại sao tôi nỗ lực hết sức vì học sinh của mình bởi câu chuyện của tôi chính là câu chuyện của các em”.

Tại Trường Trung học Quốc tế Langley Park, hơn 85% học sinh là người gốc Tây Ban Nha. 95% các em đến từ gia đình có thu nhập thấp. Do đó, cô giáo Thorpe đã thiết kế lại chương trình giảng dạy tiếng Anh lớp 12 để phù hợp với văn hoá và khả năng tiếp cận của học sinh.

Ngoài giờ lên lớp, cô Thorpe là cố vấn cho học sinh đăng ký tuyển sinh vào đại học. Cô làm việc đến đêm khuya để hỗ trợ học sinh điền đơn xét tuyển đại học, đơn hỗ trợ tài chính. Trong năm học 2018 - 2019, cô Thorpe đã giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn giành được học bổng có tổng trị giá là 6,7 triệu USD, tại 11 trường cao đẳng và đại học trên cả nước.

Nữ giáo viên đồng thời cùng với chị gái sinh đôi, TS Treisha Thorpe thành lập tổ chức phi lợi nhuận U.S. Elite International Track and Field. Tổ chức hỗ trợ các vận động viên là học sinh phổ thông trên khắp thế giới giành học bổng vào các trường đại học, cao đẳng Mỹ bằng chính tài năng của họ. Đến nay, cô giáo đã giúp hơn 500 sinh viên nhận được học bổng toàn phần về điền kinh.

Em Karen Aleman, học sinh cũ của cô giáo Thorpe, bày tỏ: “Em từng hoài nghi về chính mình và rất tự ti, nhút nhát. Chính cô Thorpe đã giúp em nhận ra khả năng của bản thân, động viên em không ngừng cố gắng để tự tay thay đổi cuộc đời mình”.

Cô Thorpe đã giúp nhiều học sinh nghèo giành học bổng vào đại học.
Cô Thorpe đã giúp nhiều học sinh nghèo giành học bổng vào đại học.

Nỗ lực vì học sinh yếu thế

Tại Việt Nam, vào năm 2020, cô Hà Ánh Phượng, Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ là giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt vào top 10. Cô Phượng đã chinh phục ban giám khảo nhờ mô hình lớp học không biên giới nhằm giúp học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Anh với bạn bè nước ngoài. Trước đó một năm, cô giáo Trần Thị Thuý, Trường THPT Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên, lọt vào top 50.

Cô Thorpe đã xuất sắc vượt qua 8.000 ứng viên từ 121 quốc gia trên thế giới để giành giải thưởng cho giáo viên có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục. Chia sẻ về Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu 2021, cô giáo Thorpe cho biết rất biết ơn Quỹ Varkey vì đã cho các giáo viên cơ hội được tỏa sáng và kể câu chuyện của mình.

Theo đánh giá của Quỹ Varkey, ban tổ chức Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu, những việc làm của cô giáo Thorpe là nỗ lực bền bỉ mang lại những kết quả phi thường cho học sinh yếu thế.

Trong diễn văn phát biểu trực tuyến, cô Thorpe xúc động khẳng định: “Giáo dục là quyền của mỗi con người. Mọi đứa trẻ đều cần một người dẫn lối tận tâm, một người hiểu sức mạnh của sự kết nối để động viên chúng trở thành người giỏi nhất có thể. Đó là lý do vai trò của giáo viên luôn đặc biệt quan trọng”.

Sau khi giành Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu, cô Thorpe dự định sử dụng tiền thưởng trị giá 1 triệu USD để giúp sinh viên trên thế giới tiếp cận giáo dục đại học.

Ông Gordon Brown, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về giáo dục toàn cầu đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của cô giáo Thorpe. Ông Brown cho biết: “Câu chuyện đầy cảm hứng của cô giáo Keishia Thorpe nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của giáo dục, của thầy cô giáo, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.

Còn ông Ban Ki-Moon, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhận xét: “Thành tích đáng kinh ngạc của cô Thorpe là minh chứng cho sự chăm chỉ, hy sinh của cô giáo trong nhiều năm. Cô đã thay đổi cuộc sống của học sinh, cho các em thấy tiềm năng của việc tiếp cận giáo dục là thay đổi cuộc đời, mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn”.

Trước đó, Thống đốc bang Larry Hogan đã trao tặng cô Thorpe Huân chương Xuất sắc vì những cống hiến của cô trong việc tác động lên các chính sách công bằng trong giáo dục. Cô cũng được vinh danh là Người thay đổi cuộc sống Mỹ vào năm 2018 - 2019.

Theo NBC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.