Cô giáo vừa dạy học vừa là “mẹ” của hàng chục học sinh xã nghèo

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên tại xã Văn Lăng (xã vùng cao thuộc vùng 135, Thái Nguyên),) vì vậy cô giáo Đỗ Thị Hợp - giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học số 1 Văn Lăng luôn mơ ước góp phần dạy dỗ, chăm sóc học sinh, con em xã nhà ngày càng văn minh, tiến bộ.

Cô giáo Đỗ Thị Hợp (sinh năm 1982).
Cô giáo Đỗ Thị Hợp (sinh năm 1982).

Cô giáo... "dân vận"

Là giáo viên trường PTDTBT bậc Tiểu học nên cô Hợp luôn được Ban Giám hiệu và các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo sát sao trong mọi công việc được giao.

Nhà gần trường, cô Hợp gặp rất nhiều thuận lợi cho việc đi lại và chăm sóc học sinh. Đồng thời, cô cũng được các bậc phụ huynh tin tưởng, hợp tác để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng đóng trên địa bàn xã vùng cao, thuộc vùng 135 (Thái Nguyên), 81,9% học sinh trong trường là con em dân tộc thiểu số.

Có những học sinh ra lớp chưa biết nói Tiếng Việt nên việc học tập; tiếp thu bài; các sinh hoạt cá nhân còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, giáo viên phải hết sức tỉ mỉ uốn nắn các em cách phát âm, hướng dẫn từng nét chữ, thực hiện từng phép tính; hướng dẫn các sinh hoạt cá nhân.

Bản thân cô Hợp luôn trăn trở tìm tòi cách giảng bài sao cho học sinh dễ hiểu nhất.

Trường có trên 25% học sinh là con em thuộc diện hộ nghèo. Có nhiều học sinh dân tộc, nhà xa trường, không có đủ điều kiện đi học và học 2 buổi, giáo viên phải đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em ra lớp.

Gạt nỗi niềm riêng, chăm trò như con ruột

Khi trường Tiểu học số 1 Văn Lăng chuyển đổi thành mô hình Trường PTDTBT Tiểu học – là trường bán trú tiểu học đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, nhà trường và giáo viên đã gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động giáo dục, chăm sóc học sinh.

Ngoài việc dạy chữ cho các em, đội ngũ giáo viên còn phải làm thay nhiệm vụ của người cha, người mẹ các em bởi vì đối tượng học sinh còn rất nhỏ, các em lớp 1 vừa mới chia tay trường Mầm non đã phải ăn ở lại trường qua đêm cả tuần nên thầy cô phải hướng dẫn các em từ tắm gội, vệ sinh cá nhân, giặt quần áo …chăm sóc cả bữa ăn giấc ngủ hằng ngày. Buổi tối, các cô còn hướng dẫn học sinh tự ôn bài.

Cô Hợp chia sẻ: “Nhiều lúc trong ca trực, học sinh bị ốm vào ban đêm mình phải đưa các em ra trạm y tế xã; đi viện cấp cứu vì gia đình các em ở xa chưa đến kịp.

Một số học sinh lớp 1, lớp 2 vì xa nhà, nhớ bố mẹ nên thường xuyên khóc. Những lúc đó, tôi phải giải thích, dỗ dành bằng tình yêu thương như một người mẹ. Chúng tôi giúp các em quên đi nỗi nhớ nhà để chăm lo học tập”.

Các buổi tối trong tuần, sau giờ tự học, cô Hợp thường tổ chức cho các em chơi các trò chơi dân gian phù hợp lứa tuổi tiểu học, học múa, hát … để các em, các dân tộc được sinh hoạt cùng nhau tạo thêm tình yêu thương, đoàn kết, gắn bó trong mọi sinh hoạt và vơi đi nỗi nhớ nhà.

Gia đình cô Hợp, cả 2 vợ chồng đều là giáo viên tiểu học. Chồng cô hiện tại đang công tác tại bản Tèn của trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, là bản cao nhất tỉnh Thái Nguyên. Do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, năm 2005, mẹ chồng cô bị bệnh hiểm nghèo ốm đau đã qua đời. Bố chồng cô hiện cũng đang mắc bệnh sức khỏe không tốt nhưng gia đình cô chưa có điều kiện làm nhà riêng mà vẫn phải ở nhờ.

Mặc dù có những khó khăn riêng nhưng cô Hợp luôn cố gắng trong mọi công tác. Cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiệt tình trong mọi hoạt động của nhà trường.

Trong nhiều năm qua, cô Hợp không ngừng cố gắng vượt khó học hỏi và đã đạt đươc nhiều thành tích: Bốn năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện; hai năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Từ năm 2012 đến nay cô luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Cô Đỗ Thị Hợp là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019. Chương trình do Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Vừa qua, Ban tổ chức đã đến thăm và tặng quà cho cô và trò nhà trường. Ông Trịnh Văn Hào – Tập đoàn Thiên Long, đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Trong chuyến thăm lần này, chúng tôi đã được tìm hiểu và lắng nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về tấm lòng yêu thương học sinh vô bờ bến, về ý chí và nghị lực phi thường của các giáo viên. Mỗi ngày, các thầy cô ấy vẫn luôn miệt mài với sự nghiệp trồng người, trở thành những “người hùng thầm lặng” nơi non cao, dẫu rằng hoàn cảnh gia đình của các thầy cô vẫn còn rất nhiều khó khăn, chật vật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ